Vụ nữ sinh lớp 6 dùng dao chống trả khi bị đánh hội đồng: Cần sớm ổn định sức khỏe, tâm lý học trò
(Dân trí) - Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị Phòng Giáo dục Thủ Đức và Trường THCS Ngô Chí Quốc phối hợp với các cơ quan và gia đình học sinh theo dõi và xử lý các vấn đề liên quan việc nữ sinh ẩu đả dẫn đến thương tích.
Trong đó, lãnh đạo Sở nhấn mạnh nhà trường chú ý phối hợp với bệnh viện, gia đình quan tâm theo dõi sức khỏe của hai học sinh bị thương. Đồng thời có giải pháp để ổn định tâm lý học sinh trong trường để đảm bảo cho việc học tập, ôn tập của học sinh ở giai đoạn chuẩn bị kết thúc năm học.
Hiện vụ việc đã được cơ quan công an tiếp nhận điều tra, Sở cũng yêu cầu Phòng Giáo dục Thủ Đức và nhà trường phối hợp làm rõ sự việc và có giải pháp xử lý phù hợp.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trước đó ngành đã nhiều lần chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phải cử giáo viên chủ nhiệm, giám thị thường xuyên sâu sát, tìm hiểu tâm lý, mối quan hệ bạn bè của học sinh để kịp thời phát hiện những mâu thuẫn của các em. Qua đó, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa học sinh đánh nhau.
“Đây là sự việc hết sức đáng tiếc và đau lòng. Sau sự việc, chúng tôi đề nghị nhà trường trên địa bàn thành phố tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh trong công tác nắm bắt tâm tư, tình cảm và các vấn đề phát sinh của học sinh để kịp thời giải quyết tránh sự cố đáng tiếc tương tự”, đại diện này nói.
Như Dân trí đã đưa tin, ngày 25/4 đã diễn ra cuộc ẩu đả của nhóm học sinh nữ Trường THCS Ngô Chí Quốc, Q. Thủ Đức làm hai học sinh bị thương phải nhập viện cấp cứu. Một nhóm gồm 5 nữ sinh của trường đã tấn công một bạn nữ tên Thảo học lớp 6 cùng trường ở khu đất trống cách trường khoảng nửa cây số.
Bị đánh hội đồng, Thảo đã lấy ra con dao rọc giấy, quơ loạn xạ thì trúng Th. và V. Ngay sau đó, hai nữ sinh bị thương được giáo viên đưa đến bệnh viện Thủ Đức điều trị. Em Th. bị đứt gân tay, chân nên phải mổ cấp cứu để nối lại. Nữ sinh còn lại chỉ bị ngoài da và đã được xuất viện.
Thông tin ban đầu, các em xảy ra ẩu đả do mâu thuẫn về tình cảm và cãi nhau qua lại trên mạng xã hội.
Chưa có chính sách tuyển dụng đối với chuyên viên tâm lý nhưng nhiều năm nay TPHCM đã phá rào đưa hoạt động tư vấn tâm lý vào trường học, hỗ trợ đời sống, sức khỏe tâm thần của học trò.
Tuy nhiên, tình tạng học trò đánh nhau, bạo lực học đường với nhiều hành vi ngày càng phức tạp, tinh vi, nhất là thông qua mạng xã hội là vấn đề vẫn rất nhức nhối. Trong các chương trình đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục, nhiều học sinh đề cập tình trạng học sinh bị tấn công hội đồng, học sinh mang dao đến trường, bị “hù dọa” từ các vụ việc trên mạng xã hội...
Hoài Nam