Vụ hàng trăm giáo viên mất việc: Bắc Ninh tiến tới xóa bỏ lao động hợp đồng

(Dân trí) - Vụ việc hàng trăm giáo viên hợp đồng ở tỉnh Bắc Ninh mà điển hình ở đây là huyện Yên Phong mất việc đã được cảnh báo từ trước. Đây là tiền đề để Bắc Ninh tiến tới xóa bỏ lao động hợp đồng vốn đã tồn tại nhiều năm ở địa phương này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi huyện Yên Phong thông báo tuyển dụng viên chức vào ngày 20/9/2-13 thì Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Công văn số 1614/UBND-NC ngày 9/8/2013 chỉ đạo công tác tuyển dụng công chức, viên chức với tinh thần: Cơ quan, đơn vị nào còn chỉ tiêu biên chế và có nhu cầu sử dụng thì phải thi tuyển, xét tuyển; sau khi tổ chức tuyển dụng, những người đang hợp đồng lao động nếu không đăng ký thi tuyển, xét tuyển hoặc tham gia thi tuyển, xét tuyển nhưng không trúng tuyển thì phải chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Đây cũng là giải pháp của tỉnh Bắc Ninh khắc phục vấn đề hợp đồng lao động ở các cơ quan, đơn vị trong đó có ngành giáo dục.

Song sự báo trước này lại quá gấp gáp và thiếu lộ trình nên đã khiến cho nhiều giáo viên (GV) dạy hợp đồng rơi vào tình cảnh “trớ trêu” thậm chí là bức xúc khi không vượt qua được kì tuyển dụng viên chức.

“Chúng tôi những người GV hợp đồng đã gắn bó với ngành giáo dục của huyện Yên Phong 10 năm qua - những GV đang ở vào độ chín của sự nghiệp “trồng người” những người luôn luôn cố gắng tâm huyết truyền đạt các hiểu biết của mình cho học sinh thân yêu, những người đã dùng cả mồ hôi nước mắt của mình đào tạo biết bao thế hệ học trò để các em nên người giúp ích cho đất nước cho quê hương. Những người luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà nhà trường giao cho. Các thầy cô có chuyên môn tốt đạt được nhiều thành tích cao trong thi GV dạy giỏi của tỉnh và của huyện đều bị đuổi việc nếu không trúng tuyển viên chức” - cô K.T.D. - GV ở huyện Yên Phong trải lòng.

Những giọt nước mắt đầy cay đắng của những giáo viên hợp đồng lâu năm 
Những giọt nước mắt đầy cay đắng của những giáo viên hợp đồng lâu năm của huyện Yên Phong khi bị mất việc.

Thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh cho hay, toàn tỉnh có khoảng 1.500 GV dạy hợp đồng. Chỉ riêng huyện Yên Phong thì con số này đã chiếm 1/3. Nếu như các huyện khác tổ chức tuyển dụng định kỳ thì tình trạng bức xúc không xảy ra. Tuy nhiên, với việc nhiều năm huyện Yên Phong không tổ chức tuyển dụng nên dẫn đến các trường ký hợp đồng GV giảng dạy với số lượng lớn (thậm chí có trường số GV hợp đồng còn vượt trội so với GV thuộc diện biên chế - PV), đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng trăm GV bức xúc hiện nay.

Đã có đề xuất nhưng không được… thông qua

Trao đổi với PV Dân trí xung quanh những bức xúc của GV hợp đồng huyện Yên Phong, ông Nguyễn Công Trình - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Đối với huyện Yên Phong thì có thông tin là 10 năm nay không tổ chức tuyển dụng việc chức là chưa đúng. Trước đây, Sở GD-ĐT chủ trì việc xét tuyển GV trên toàn tỉnh và huyện Yên Phong cũng có đăng ký chỉ tiêu. Từ 2008, UBND tỉnh có quyết định 59/2008/QĐ-UBND ngày 8/5/2008 phân cấp quản lý công tác tổ chức, biên chế và cán bộ công chức viên chức giao quyền tự chủ cho các huyện thì Yên Phong mới chưa thực hiện tuyển viên chức giáo dục lần nào. Các trường do thiếu GV nên ký hợp đồng lao động với người cần tìm việc làm. Sự việc cứ tồn tại suốt thời gian dài khiến số lượng GV hợp đồng ở đây rất lớn.

Sở nội vụ, tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng nắm được vấn đề của huyện Yên Phong nên Sở Nội vụ năm 2012 đã phê bình, gợi ý Yên Phong kiểm điểm nội dung này theo Nghị quyết TƯ 4.

Quan điểm của chúng tôi, lao động hợp đồng là không đúng quy định, nhưng đây là vấn đề tồn tại lịch sử để lại nhiều năm. Đây không phải là vấn đề cá biệt ở Bắc Ninh mà nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã có văn bản cấm tuyển dụng hợp đồng lao động, nơi nào thiếu và có nhu cầu thì đăng ký tuyển đủ nhưng nhiều nơi vẫn tồn tại. Đặc biệt sau năm 2008 không ít đơn vị vận dụng Luật Lao động để ký hợp đồng với người có nhu cầu.

Liên quan đến việc không đưa GV hợp đồng lâu năm đặc cách vào viên chức, ông Trình bày tỏ: “Khi nhận được Nghị định 29 và Thông tư 15 thì chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc tuyển đặc cách cho đối tượng hợp đồng lao động. Năm 2012, khi thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 khóa 11, một trong những hạn chế tồn tại của ngành đó là tồn tại hợp đồng lao động của các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Ông 
Ông Nguyễn Công Trình - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh) trao đổi với phóng viên Dân trí.
 
Trong kế hoạch khắc phục những tồn tại hạn chế này, Sở Nội vụ cũng đã đưa ra giải pháp giải pháp để giải quyết những hợp đồng lao động lâu năm đó là cho áp dụng tuyển đặc cách vào viên chức, mở rộng ra là cả công chức. Tuy nhiên khi vận dụng thì lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cũng đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ để thực hiện nhưng không nhận được phản hồi”.

Theo giải tích của ông Trình, khi ký GV hợp đồng thì dường như khâu có khâu thử việc, tập sự. Không ai phân công người hướng dẫn tập sự, người hướng dẫn thử việc. Theo quy định của pháp luật thì khi tuyển vào viên chức thì phải có thời gian tập sự, thử việc phù hợp với trình độ, vị trí việc làm.

Kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh giữa năm 2013, các đại biểu cũng chất vấn UBND tỉnh và giám đốc Sở Nội vụ thời điểm đó đã trả lời, khi không có văn bản đồng ý của Bộ Nội vụ, sở không dám tham mưu UBND tỉnh tuyển đặc cách.

Liên quan đến việc không cộng điểm ưu tiên cho những GV có thâm niên công tác khi tham gia tuyển dụng, ông Trình chia sẻ: “Tháng 6/2012, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo việc tuyển dụng công chức, viên chức phải làm thế nào để tuyển được những người có trình độ, năng lực, tốt nghiệp những trường đào tạo có uy tín, chất lượng cao. Do đó, mặc dù tại kì họp HĐND tỉnh cuối năm 2012, khi xem xét thông qua Dự thảo Quy định cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức của tỉnh, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh bổ sung chính sách cộng điểm ưu tiên đối với những người có thời gian làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các cơ quan, đơn vị, nhưng khi UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy đã không được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý vì nếu làm như vậy thì lại khuyến khích việc hợp đồng lao động không đúng quy định”.

“Không có chuyện tự động chuyển giáo viên hợp đồng vào biên chế”

Trong quá trình tìm hiểu sự việc, các GV ở huyện Yên Phong cho biết: Những năm trước đây, ở các huyện khác thì GV chỉ cần công tác lâu năm thì được xem xét đưa vào biên chế.

Trước vấn đề này ông Trình khẳng định: Từ lúc thực hiện Pháp lệnh đến nay thì việc tuyển dụng đều phải thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Không có chuyện chỉ xét qua hồ sơ mà đều phải thông báo công khai tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký. Các huyện khác thì người ta tuyển hàng năm hoặc chí ít thì 2 năm/1 lần thì số lượng hợp đồng lao động lâu năm không bức xúc như Yên Phong.
 
“Dù xét tuyển theo pháp lệnh trước đây thì căn cứ vẫn là điểm học tập” - ông Trình nhấn mạnh.

Để trúng tuyển viên chức, giáo viên ở huyện Yên Phong thì phải có kết quả học 
Để trúng tuyển viên chức, giáo viên ở huyện Yên Phong thì phải có kết quả học tập "đẹp" hoặc điểm phỏng vấn rất cao (Ảnh: Trích danh sách trúng tuyển).

Một trong những vấn đề mà nhiều GV băn khoăn nhất đó chính là liệu có tiêu cực trong khâu phỏng vấn thì ông Trình cho biết: “Thật ra để nói có vấn đề tiêu cực hay không tiêu cực thì rất khó. Quá trình giám sát (ông Trình là Giám sát viên trong Ban giám sát các kỳ thi tuyển dụng viên chức năm 2013 - PV) thì trình tự, thủ tục ở huyện Yên Phong là nghiêm túc. Thú thực, đã gọi là thi phỏng vấn thì không phải chỉ mỗi cá nhân người chủ trì quyết định được, giám sát có về đó cũng không thể làm thay được ban giám khảo. Cá nhân tôi cho rằng, quy định về thi phỏng vấn là không khoa học cho lắm bởi nó không cho phúc khảo. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Bộ Nội vụ thay đổi, không nên quy định việc phỏng vấn có chăng thì thi phần thực hành”.

Trên thực tế, điều mong muốn việc thi thực hành thay cho phỏng vấn mà ông Trình đã được quy định bằng văn bản. Tại chương 2 thông tư số 16/2012/TT-BNV đã nêu rõ việc xét tuyển viên chức. Theo đó, việc xét tuyển có thể thông qua phỏng vấn hoặc thực hành. Như vậy tỉnh Bắc Ninh lựa chọn phỏng vấn chứ không đơn thuần là không có quy định thực hành.

Ngoài ra, với việc điểm thi môn phỏng vấn có thể xảy ra bất cập nhưng huyện Yên Phong lại đề xuất tính hệ số 2 vào kết quả xét tuyển nhưng Sở Nội vụ vẫn phê duyệt kế hoạch này thì liệu nguyện vọng của Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc tuyển dụng công chức, viên chức phải làm thế nào để tuyển được những người có trình độ, năng lực có được đáp ứng?!

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để sớm thông tin đến bạn đọc lời kết cho vụ việc này.

Nguyễn Hùng