Vụ giảng viên mạo nhận Tiến sỹ: Tiết lộ gây “sốc”

(Dân trí) - Để tìm hiểu rõ hơn về cơ sở pháp lý mà Trường ĐH Ngoại thương đưa ra và khẳng định ông N.H.M chưa bảo vệ luận án Tiến sỹ và chưa được cấp bằng Tiến sỹ, phóng viên <i>Dân trí</i> đã có buổi làm việc với đại diện Tổ công tác xác minh vụ việc.

Đại diện của Tổ công tác cho biết, liên quan đến vụ việc của ông N.H.M., Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đã ký Quyết định số 310/QĐ-ĐHNT-TCHC ngày 3/3/2015 về việc thành lập Tổ công tác giúp việc xác minh văn bằng của ông N.H.M. Theo Điều 2 của Quyết định này, Tổ công tác có trách nhiệm giúp Hiệu trưởng trong việc xác minh những vấn đề liên quan đến văn bằng Tiến sỹ của ông N.H.M, giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế.

Báo cáo của Tổ công tác gửi Hiệu trưởng nêu rõ ông N.H.M. chưa bảo vệ luận án tiến sỹ và chưa có bằng tiến sỹ. Tổ công tác đã thu thập được các minh chứng rõ ràng về việc này: Trong bản Báo cáo giải trình cá nhân về học vị và quá trình học tập sau đại học ngày 6/2/2015 của ông N.H.M gửi Hiệu trưởng và Phòng Tổ chức-Hành chính, ông M. đã xác nhận việc mình chưa bảo vệ luận án và chưa có bằng Tiến sỹ; Trong buổi làm việc sáng ngày 16/3/2015 giữa Tổ công tác với ông N.H.M, ông M. đã khẳng định là chưa bảo vệ chính thức luận án và chưa có bằng Tiến sỹ.

Kết quả xác minh thông tin tại ĐH Tổng hợp Paris 1 là nơi ông M học nghiên cứu sinh (NCS) cho thấy ông N.H.M. đã đăng ký học NCS tại trường ĐH Tổng hợp Paris 1, ngành Quản lý, chuyên ngành Marketing từ tháng 9/2002. Từ đó đến nay, ông M chưa bảo vệ luận án tiến sỹ và chưa có bằng tiến sỹ.

Ngoài ra, Tổ công tác đã tiến hành tìm thông tin tại cơ sở dữ liệu về các tiến sỹ tại Cộng hòa Pháp công bố trên website www.theses.fr nhưng không thấy có tên của ông N.H.M.

Trao đổi thêm với Dân trí, đại diện Tổ công tác cũng tiết lộ: Tổ công tác cung cấp minh chứng về việc ông N.H.M. đã báo cáo gian dối để được tiếp nhận sau khi học ở Pháp trở về trường. Trong Báo cáo tình hình và kết quả học tập, nghiên cứu trong thời gian ở nước ngoài gửi Bộ GD-ĐT ngày 11/9/2008, ông N.H.M. viết: “đến ngày 28/2/2008 tôi đã bảo vệ thành công luận án, đạt kết quả Tốt”. Tại buổi làm việc với Tổ công tác, khi được hỏi tại sao chưa bảo vệ mà lại báo cáo là đã bảo vệ, ông M. giải thích rằng đó là buổi làm việc giữa ông M. và giáo sư hướng dẫn 2 là ông Max Peyrard để chốt nội dung luận án và sau khi chốt nội dung, ông M. không được phép chỉnh sửa luận án nữa. Vì thế, theo cách hiểu của cá nhân ông M. thì buổi làm việc đó là buổi bảo vệ sơ bộ.

Tổ công tác cho rằng lập luận của ông M. là hoàn toàn vô lý. Buổi làm việc ngày 28/2/2008 chỉ diễn ra giữa ông M. và GS Max Peyrard mà không có sự có mặt của giáo viên hướng dẫn chính thức (ông Alexandre Steyer) hay của bất kỳ một nhà khoa học/chuyên gia nào khác. Vì vậy, không thể hiểu đây là một buổi “bảo vệ” được. Hơn nữa, theo quy định về quy trình bảo vệ luận án tiến sỹ tại trường ĐH Tổng hợp Paris 1 thì không có giai đoạn bảo vệ cơ sở, các NCS chỉ bảo vệ luận án một lần trước Hội đồng đánh giá.

Vụ giảng viên mạo nhận Tiến sỹ: Tiết lộ gây “sốc”
Trích một phần báo cáo tình hình và kết quả học tập, nghiên cứu trong thời gian ở nước ngoài của ông N.H.M gửi Bộ GD-ĐT.

Dựa vào Báo cáo “gian dối” này, Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Ngoại thương đã ra quyết định tiếp nhận. Cùng với Báo cáo này còn có Giấy chứng nhận ngày 4/7/2008 của GS Max Peyrard khẳng định ông M. đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ nghiên cứu năm cuối cùng và cần quay trở lại Pháp kể từ đầu năm học 2008-2009 để hoàn tất các thủ tục bảo vệ và nhận bằng tiến sỹ.

Vụ giảng viên mạo nhận Tiến sỹ: Tiết lộ gây “sốc”
Dựa trên báo cáo của ông N.H.M., Bộ GD-ĐT đã có quyết định công nhận ông M. đã hoàn thành khóa học và về nước.

“Theo Tổ công tác, cũng cần xem xét giá trị của Giấy chứng nhận này vì theo thư xác nhận của ĐH Paris 1 thì giáo viên hướng dẫn của ông N.H.M. không phải là ông Peyrard mà là ông Stayer (còn theo ông N.H.M. thì ông Stayer là giáo viên hướng dẫn 1, ông Peyrard là giáo viên hướng dẫn 2)” - đại diện này bày tỏ.

Được biết, trong Báo cáo của Tổ công tác cũng nêu rõ, mặc dù chưa bảo vệ luận án và chưa có bằng tiến sỹ nhưng trong nhiều giấy tờ, tài liệu của mình, ông N.H.M. tự khai là đã bảo vệ luận án và tự nhận học vị của mình là tiến sỹ: Trong Lý lịch Khoa học do ông M. tự khai và ký tên ngày 15/8/2014 có ghi học vị là Tiến sỹ và năm cấp bằng là 2008; Tại trang 1 của của Phiếu Đảng viên ngày 23/7/2008 và trang 1 của Bản khai Lý lịch (dùng cho công tác Bảo vệ chính trị nội bộ) ngày 11/12/2009 của ông M, do ông M. tự khai và ký đều ghi rõ là học vị là tiến sỹ; Tại các Giấy đề nghị thanh toán giờ giảng (thanh toán tiền vượt giờ) do ông M. tự khai từ năm 2009 đến năm 2014 đều ghi chức danh là Giảng viên-tiến sỹ.

Từ những cơ sở căn cứ mà Trường ĐH Ngoại thương đưa ra, đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần phải vào cuộc quyết liệt để làm rõ tại sao ông GS Max Peyrard đã xác nhận ông M. hoàn thành chương trình học mà đến bây giờ ông M. vẫn chưa bảo vệ? Vai trò của ông Stayer, giáo viên hướng dẫn chính thức là như thế nào?

Trong khi đó trao đổi với báo chí sáng ngày 4/5, ông N.H.M. cho biết sẽ xin buộc thôi việc và sẵn sàng bồi hoàn kinh phí theo quy định.

"Sự việc này thiếu sót đến đâu tôi xin nhận đến đấy, đúng sai thế nào trên hồ sơ thể hiện rõ ràng từ 2008 đến giờ. Tôi cũng đồng ý sẽ tự xin thôi việc, nhưng cần được giải quyết theo đúng thủ tục và thẩm quyền. Kế hoạch sắp tới dù bị thôi việc hay tự rời trường tôi sẽ thành nhà nghiên cứu độc lập. Con người nguyên tắc như tôi, tôi sẽ không ở lại trường đâu, dù lí do cá nhân hay có chính đáng thế nào thì tôi vẫn coi sự cố của mình là đáng tiếc.Tôi mong muốn được Ban giám hiệu mới của Trường ĐH Ngoại thương giải quyết đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình và thẩm quyền” - ông M. trao đổi với báo chí.

Dân trí sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để sớm có thông tin đến bạn đọc kết quả của vụ việc.

S.H