Vụ giảng viên mạo nhận Tiến sỹ: Đã báo cáo Bộ trước khi ra thông báo
(Dân trí) - Theo nguồn tin riêng của <i>Dân trí</i>, trước khi ra thông báo về vụ bằng Tiến sỹ của ông N.H.M, Trường ĐH Ngoại thương đã có văn bản báo cáo chi tiết kèm theo cơ sở pháp lý, trong đó có cả xác nhận từ phía Đại học Paris 1.
Liên quan đến vụ việc này, Dân trí cũng trao đổi thêm với Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT về mức độ ảnh hưởng khi một người không có bằng TS nhưng vẫn hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS).
Bà Vũ Thị Kim Phụng - Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH cho hay: Việc người học được người không phải là TS hướng dẫn luận văn, luận án đã được cấp bằng ThS, TS thì khó có thể bị xử lý vì thông thường, họ không có lỗi.
Về giá trị bằng cấp của người học cũng khó có căn cứ đặt ra trên cả bình diện pháp lý và thực tế. Trong quá trình đào tạo sau đại học, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của người hướng dẫn trong việc định hướng, hướng dẫn nghiên cứu nhưng việc tự học, tự nghiên cứu của người học cũng đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với chương trình đào tạo trình độ TS. Dù có người hướng dẫn, luận án vẫn là của NCS và NCS phải cam đoan “đây là công trình nghiên cứu của tôi”.
Bên cạnh việc người hướng dẫn, định hướng nghiên cứu khoa học, duyệt các kết quả nghiên cứu và luận án cho NCS thì quá trình đào tạo trình độ TS còn có nhiều khâu khác nhau có sự tham gia của nhiều giảng viên, nhà khoa học khác.
Theo quy định, NCS phải báo cáo đề cương nghiên cứu, báo cáo chuyên đề tại các buổi sinh hoạt khoa học của đơn vị chuyên môn; đăng các bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có phản biện độc lập; định kỳ báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu của mình với đơn vị chuyên môn; tham gia vào các hoạt động chuyên môn, trợ giảng, nghiên cứu, hướng dẫn thực tập; tích luỹ từ 8-12 tính chỉ ở trình độ TS do các giảng viên giảng dạy; trải qua quá trình đánh giá luận án cấp đơn vị chuyên môn và cấp trường/viện với mỗi hội đồng gồm 7 nhà khoa học ở trong và ngoài cơ sở đào tạo, phản biện độc lập luận án…
Nếu chỉ là TS thì không được hướng dẫn luận án độc lập, chỉ là đồng hướng dẫn và trong nhiều trường hợp, TS chỉ là người hướng dẫn thứ hai nên sự ảnh hưởng đến chất lượng luận án không nhiều. Nếu người hướng dẫn không có bằng TS thì về lý thuyết, NCS có thể bị vất vả hơn trong quá trình học tập, nghiên cứu, chất lượng đào tạo có thể bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định nhưng không là nguyên nhân tất yếu dẫn đến kết quả là mọi luận án hay mọi trường hợp chất lượng đào tạo đều không đạt yêu cầu
“Như vậy, vấn đề chất lượng đào tạo không chỉ có duy nhất vấn đề ai hướng dẫn mà quan trọng hơn là NCS có tích luỹ được kiến thức theo quy định và vượt qua được các khâu đánh giá kết quả nghiên cứu, từng bước hoàn thành chương trình đào tạo và bảo vệ thành công luận án trước các hội đồng hay không. Nếu quá trình học tập, tích luỹ kiến thức, nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu, bảo vệ luận án của NCS theo đúng quy định và đã được đánh giá đạt yêu cầu chất lượng thì không nên vì lỗi của người hướng dẫn hay lỗi của việc cử người hướng dẫn mà đặt ra vấn đề giá trị của văn bằng mà người học được cấp” - bà Phụng nhấn mạnh.
Vậy đối với những người mạo danh Tiến sỹ để hướng dẫn NCS thì bị xử lý như thế nào?
“Nếu có trường hợp không có bằng TS nhưng lại hướng dẫn NCS thì phải xác minh và kết luận về rất nhiều vấn đề mới có thể trả lời được “xử lý như thế nào”. Ví dụ cần phải xác định được chính xác: Tại sao chưa có bằng TS lại được phân công hướng dẫn NCS? Do lỗi của người hướng dẫn đó hay do lỗi của cơ sở đào tạo hoặc cả hai? Lỗi do nhầm lẫn hay do mạo danh, gian lận…?” - Vụ phó Vũ Thị Kim Phụng cho biết.
Cũng để làm rõ thêm một số thông tin quan đến vụ việc, Dân trí cũng đã liên hệ với Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT). Trong ngày hôm nay Dân trí sẽ có buổi làm việc trực tiếp với đơn vị này để làm rõ nguyên nhân vì sao lại xảy ra việc mạo nhận tiến sỹ khi mà ông N.H.M được cử đi học theo đề án 322 và được quản lý một cách chặt chẽ.
S.H