Vụ cô giáo cắt tóc nữ sinh: "Cần trách phạt chứ không phải trừng phạt"

Tuệ Nhi

(Dân trí) - PGS. TS Vũ Lệ Hoa cho rằng, qua vụ việc giáo viên cắt tóc nữ sinh, các giáo viên cần nhớ là giáo dục phải có khen thưởng và trách phạt là điều đương nhiên, nhưng trách phạt chứ không phải trừng phạt.

Trách phạt chứ không phải là trừng phạt

Ở câu chuyện cô giáo cắt tóc nữ sinh trước tập thể học, rõ ràng mục đích ban đầu của cô giáo là muốn đưa học sinh vào khuôn khổ theo quy định, nề nếp chung của nhà trường.

Tuy nhiên, hành động thực tế của cô giáo được đánh giá là không phù hợp, chưa đúng về mặt sư phạm, do đó, gây nên những ấm ức, xôn xao trong dư luận. Mọi mũi nhọn chỉ trích đổ thẳng xuống cô giáo. 

Vụ cô giáo cắt tóc nữ sinh: Cần trách phạt chứ không phải trừng phạt - 1
PGS.TS Vũ Lệ Hoa - Giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Lý giải điều này, PGS.TS Vũ Lệ Hoa (Giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nói: "Nhà trường là nơi giáo dục thế hệ trẻ trở thành người công dân, người lao động đáp ứng yêu cầu của xã hội. Nhà trường có các quy định, nội quy kỷ luật để quản lý, giáo dục học sinh đạt được mục tiêu giáo dục.

Giáo viên với vai trò định hướng, tổ chức, điều khiển, phát triển nhân cách của học sinh, thì việc định hướng, điều chỉnh hành vi của học sinh hướng đến chuẩn mực là nhiệm vụ rất quan trọng.

Ở câu chuyện này, mục đích của cô giáo là muốn học sinh tuân theo nguyên tắc, quy định của trường học nhưng lại áp dụng sai về hình thức trách phạt, phương pháp giáo dục không hiệu quả nên vô tình tạo ra cảm xúc tiêu cực tới cá nhân và tập thể học sinh.

Giáo dục phải có khen thưởng và trách phạt là điều đương nhiên, nhưng nên nhớ trách phạt chứ không phải là trừng phạt. Điều đó có nghĩa là phương pháp giáo dục phải tôn trọng nhân phẩm của học sinh, giúp cho học sinh nhận ra lỗi và mong muốn sửa lỗi mà không được xúc phạm, gây tổn thương đến học sinh". 

Theo PGS.TS Hoa, giáo dục là công việc thường xuyên, theo suốt cả cuộc đời mỗi người và cần có sự phối, kết hợp từ cả gia đình và nhà trường.

Thậm chí, ở trường phổ thông, học sinh nhỏ tuổi dễ ảnh hưởng một cách thụ động toàn bộ từ giáo viên. Vì vậy, trong giáo dục có phương pháp nêu gương.

"Vai trò của giáo viên không chỉ là một nhà chuyên môn với công tác giảng dạy mà là nhà giáo dục, nhà đào tạo phải tinh thông về nghiệp vụ và thực sự chuyên nghiệp.

Thầy cô có sức ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, từng hành vi, cử chỉ của học sinh do đó đòi hỏi giáo viên phải rất cẩn trọng trong mỗi quyết định của mình đối với học sinh.

Ranh giới giữa việc đạt hiệu quả và không hiệu quả trong sử dụng các phương pháp giáo dục của giáo viên rất mỏng manh. Điều này đòi hỏi giáo viên phải không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm đồng thời phải biết kiềm chế cảm xúc để không gặp "tai nạn nghề nghiệp". 

Vị PGS.TS này cũng lưu ý: "Học sinh mắc lỗi là điều hết sức bình thường, trong câu chuyện trên giáo viên có thể tiếp tục nhắc nhở cá nhân và trước lớp, thậm chí là kết hợp cùng phụ huynh để em học sinh hiểu ra vấn đề.

Sau đó, nếu học sinh vẫn tiếp tục vi phạm thì áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn, từ cảnh cáo đến đình chỉ học. Tôi cảm thấy rất đáng tiếc cho hành động phản cảm của cô giáo. Bởi trong giáo dục không có từ trừng phạt mà là trách phạt, giúp các em biết đâu là đúng, đâu là sai để từ đó có sự điều chỉnh hợp lý".

Phụ huynh đừng chỉ khoán con cho trường

Bà cũng nhìn nhận, ở thời hiện đại, học sinh có điều kiện để thực hiện các quyền của mình một cách rõ rệt hơn. Giáo viên cũng vì thế phải chịu nhiều áp lực bị kiểm soát từ nhiều phía và trở nên dè dặt, thậm chí nhiều thầy cô không dám trách phạt học sinh nặng lời.

Vụ cô giáo cắt tóc nữ sinh: Cần trách phạt chứ không phải trừng phạt - 2

Từ vụ việc giáo viên cắt tóc học sinh ngay trên bục giảng thấy rằng, giáo viên cần có sự kiềm chế cảm xúc cá nhân trong công tác giảng dạy (Ảnh chụp màn hình).

"Trong ngành sư phạm cần có phương pháp ứng xử khéo léo, không phải cứ áp dụng cứng nhắc từ điều A rồi đến điều B. Tùy theo từng bối cảnh, đối tượng cụ thể mà giáo viên có lối ứng xử vừa theo chuẩn mực xã hội, đảm bảo tính giáo dục, vừa có thể hướng học sinh đi đúng đường".

Đồng thời, với vai trò chủ đạo của mình, nhà trường, giáo viên cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm và phương pháp giáo dục con cái cho phụ huynh hiểu.

Phụ huynh đừng chỉ khoán việc dạy con cho thầy cô, phó mặc hay đổ lỗi hết thảy cho nhà trường. Giáo dục chỉ đạt được mục tiêu khi và chỉ khi có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, thầy cô, nhà trường và cộng đồng xã hội.

Khi áp lực dư luận đè nặng vai người giáo viên mà không đặt vào vị trí của họ để thấu hiểu thì dễ dẫn đến những nhận định mang tính chất một chiều". 

Ở câu chuyện nêu trên, học sinh sai vì không thực hiện đúng nội quy của trường, cô giáo cũng đã nhắc nhở nhiều lần mới dẫn đến hành động bộc phát, phản cảm như trong đoạn clip. 

Bên cạnh đó, việc cô giáo áp dụng phương pháp giáo dục chưa phù hợp, thiếu sự khéo léo và văn minh, gây ra những nhìn nhận tiêu cực, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của học sinh.

PGS.TS Vũ Lệ Hoa bày tỏ quan điểm, học sinh phổ thông có ít kinh nghiệm sống, khả năng tự ý thức chưa cao, vì vậy, những quy định của môi trường học đường về nề nếp, trang phục, hành vi ứng xử chuẩn mực là điều cần thiết.

Bà đưa ra ví dụ, đa số người Việt có màu tóc trầm, đen, nếu học sinh nhuộm tóc sáng màu sẽ dễ gây phản cảm, thiếu tính thẩm mỹ; trong khi đối với môi trường giáo dục học đường cần tạo ra nhiều giá trị quan trọng đối với người học.

Khi không có sự khác biệt về phong cách sẽ tránh được sự phân biệt giữa học sinh có điều kiện và không có điều kiện, giúp các em hòa đồng và bình đẳng.

"Đối với lứa tuổi học sinh và môi trường giáo dục thì nên tuân theo những quy định để mọi thứ đi theo định hướng có giá trị. Đôi khi việc quá để tâm vào chuyện đầu tóc cũng khiến các em xao nhãng chuyện học tập, rèn luyện. Các em có thể tự do thể hiện cá tính riêng khi là một công dân thực thụ (18 tuổi), vì lúc đó các em đã trưởng thành rồi", bà kết luận.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm