Thanh Hóa:

Vụ chậm cấp thiết bị dạy học: "Chúng tôi rất trăn trở nhưng phải cẩn trọng"

Hạnh Linh

(Dân trí) - Sở GD&ĐT Thanh Hóa thừa nhận chưa quyết liệt, sát sao trong việc chỉ đạo lập danh sách, dẫn đến việc chậm tiến độ cấp thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường.

Ngày 9/10 trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Anh Giang, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, thừa nhận đơn vị chậm trễ trong việc cấp thiết bị, đồ dùng dạy học theo Thông tư 39 của Bộ GD&ĐT.

Ông Giang cho biết, thực hiện Thông tư 39, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có hướng dẫn các trường thuộc cấp THPT trên địa bàn lựa chọn thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vụ chậm cấp thiết bị dạy học: Chúng tôi rất trăn trở nhưng phải cẩn trọng - 1

Thiết bị dạy học cũ, các nhà trường phải tận dụng (Ảnh: Hạnh Linh).

Thực hiện hướng dẫn của Sở GD&ĐT, 113 trường học trong đó có 88 trường THPT, THCS - THPT và 25 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên lập danh sách, đăng ký nhận thiết bị, đồ dùng dạy học.

Tuy nhiên, hơn 2 năm triển khai, các trường đã 2 lần lập danh sách thiết bị, đồ dùng dạy học theo nhu cầu nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ thiết bị dạy học nào.

Theo ông Giang, để xảy ra việc chậm cấp thiết bị học tập, trách nhiệm lớn thuộc về Sở GD&ĐT. Quá trình thực hiện, Sở GD&ĐT chưa chỉ đạo quyết liệt, sát sao hướng dẫn các trường lập danh sách.

Vụ chậm cấp thiết bị dạy học: Chúng tôi rất trăn trở nhưng phải cẩn trọng - 2

Phòng thí nghiệm ở một trường THPT thiếu nhiều thiết bị giáo dục (Ảnh: Hạnh Linh).

"Nhà trường lựa chọn, lập danh sách tốn nhiều thời gian. Sau khi có danh sách, các trường gửi về, sở phải làm công tác tổng hợp. Có những mục cả nghìn thiết bị, rất khó khăn trong việc thống kê, phân loại. Thậm chí, có trường còn xin thay đổi danh mục lựa chọn thiết bị. Nếu không cho các trường đổi, thiết bị nhận về sẽ không phù hợp, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí", ông Giang nói.

Ngoài ra, việc vướng mắc về Luật Đấu thầu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chậm cấp thiết bị học tập cho các trường. Theo ông Giang, cuối năm ngoái, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự toán, chuẩn bị đấu thầu nhưng vì áp dụng Luật Đấu thầu mới nên gặp khó.  

"Luật Đấu thầu mới ra đời nhưng chưa có nghị định hướng dẫn. Luật Đấu thầu thay đổi, Luật Giá cũng thay đổi. Khi Luật Giá thay đổi thì báo cáo thẩm định giá cũ không còn hiệu lực, vì vậy phải chờ nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giá mới để triển khai", ông Giang phân tích.

Vụ chậm cấp thiết bị dạy học: Chúng tôi rất trăn trở nhưng phải cẩn trọng - 3

Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ông Giang, trong giai đoạn 2022-2025, từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo, UBND tỉnh Thanh Hóa phân bổ cho Sở GD&ĐT hơn 200 tỷ đồng để mua trang thiết bị dạy học cho các trường theo Thông tư 39, nhưng chưa thể giải ngân.

Ông Giang cho biết, việc UBND tỉnh cấp kinh phí mua thiết bị, đồ dùng dạy học cũng chỉ là hỗ trợ một phần, bổ sung thêm, không phải cấp toàn bộ. Các địa phương đều phải vận dụng mua sắm thêm hoặc kêu gọi xã hội hóa.

Đến thời điểm này, tiến độ cấp thiết bị dạy học tối thiểu của Sở GD&ĐT Thanh Hóa bị chậm ở cả 3 cấp học (trừ lớp 1, 2, 6 đã được cấp).

"Chúng tôi rất trăn trở khi các trường thiếu thiết bị dạy học nhưng phải làm từng bước cẩn trọng. Hiện, sở đã trình UBND tỉnh Thanh Hóa kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Việc mua sắm thiết bị, đồ dùng học tập theo Thông tư 39 sẽ được thực hiện vào tháng 1/2025", ông Giang thông tin.

Trước đó, báo Dân trí có bài viết "Sở GD&ĐT chậm cấp thiết bị dạy học, thầy trò "giật gấu, vá vai" phản ánh về việc, dù đã đăng ký nhận thiết bị, đồ dùng học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng 2 năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn "dài cổ" đợi chờ.

Việc thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học gây ra nhiều khó khăn trong việc giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.