Sở GD&ĐT chậm cấp thiết bị dạy học, thầy trò "giật gấu vá vai"

Hạnh Linh

(Dân trí) - Đăng ký nhận thiết bị, đồ dùng học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng 2 năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn "dài cổ" đợi chờ.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 39/2021/TT-BGDĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp THPT.

Theo Thông tư 39 ngày 30/12/2021 của Bộ GD&ĐT, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp THPT, gồm các môn: ngữ văn, toán, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và thiết bị dùng chung.

Sở GDĐT chậm cấp thiết bị dạy học, thầy trò giật gấu vá vai - 1

Nhiều trường tự tạo đồ dùng phục vụ cho dạy học (Ảnh: Hạnh Linh).

Bộ GD&ĐT yêu cầu, căn cứ vào danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp THPT, các Sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, bảo quản và sử dụng thiết bị phục vụ dạy học tại các trường THPT.

Sau khi Thông tư của Bộ GD&ĐT được ban hành, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có hướng dẫn các trường thuộc cấp THPT trên địa bàn lựa chọn thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã lập danh sách, đăng ký nhận trang thiết bị, đồ dùng dạy học.

Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện nhiều nhà trường trên địa bàn Thanh Hóa, sau hơn 2 năm đăng ký, đến nay họ vẫn chưa được nhận bất kỳ một trang thiết bị, đồ dùng dạy học nào.

"Nhà trường đã 2 lần đăng ký với Sở GD&ĐT về việc lựa chọn thiết bị dạy học tối thiểu cấp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mỗi lần đăng ký gần 200 thiết bị với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng. Song đến nay, chúng tôi chưa biết khi nào sẽ được nhận các thiết bị, đồ dùng mong muốn", hiệu trưởng một trường THPT tại huyện Quảng Xương, nói.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, vừa qua, Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu rà soát lại danh mục đăng ký các thiết bị, đồ dùng của năm học 2023-2024, còn danh mục các thiết bị dạy học đăng ký ở năm 2022-2023, Sở GD&ĐT không nhắc đến.

Sở GDĐT chậm cấp thiết bị dạy học, thầy trò giật gấu vá vai - 2

Những bức tranh được cấp từ lâu đã hư hỏng (Ảnh: Hạnh Linh).

"Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đến thời điểm này, có những học sinh sắp tốt nghiệp nhưng chưa được sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học theo chương trình mới", vị hiệu trưởng nói.

Theo đại diện nhiều đơn vị trường học khác trên địa bàn Thanh Hóa, do chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học nên việc giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa mới gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi cho giáo viên, học sinh.

Trong thời gian chờ ngành giáo dục Thanh Hóa cấp đồ dùng, thiết bị dạy học, các trường phải xoay xở theo kiểu "giật gấu vá vai". Nhiều trường học bất đắc dĩ phải sử dụng các thiết bị, đồ dùng được cấp từ nhiều năm trước; dùng giáo án điện tử hoặc dạy, học chay.

Theo ý kiến của một số thầy cô, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm giảm lý thuyết, tăng thực hành để tiết học bớt rời rạc, nhàm chán. Nếu có trang thiết bị, đồ dùng học tập, học sinh sẽ được học trực quan, sinh động, tiết học thú vị, hấp dẫn hơn.

Sở GDĐT chậm cấp thiết bị dạy học, thầy trò giật gấu vá vai - 3

Học sinh chỉ học trong sách, giải đề, hiếm khi được làm thí nghiệm đối với các môn khoa học tự nhiên (Ảnh: Hạnh Linh).

Tuy nhiên, do không có thiết bị thực hành, nhiều giáo viên gặp bất lợi trong quá trình giảng dạy, còn học sinh không nắm vững được các dạng đề nghiêng về những câu hỏi áp dụng thực tiễn.

"Nhiều học cuối cấp vẫn chưa được sử dụng thiết bị, đồ dùng theo chương trình mới. Chúng tôi mong muốn ngành giáo dục sớm tháo gỡ vướng mắc, cấp trang thiết bị, đồ dùng theo đúng quy định để công tác dạy, học được tốt hơn", một giáo viên cho hay.

Thanh Hóa hiện có 113 trường học đăng ký nhận thiết bị dạy học và đồ dùng học tập, trong đó có 88 trường THPT, THCS-THPT và 25 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.