Vụ cấp thiết bị dạy học: Sở Tài chính có vô can?
(Dân trí) - Việc thiết bị dạy học cấp về các trường có dấu hiệu đội giá, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng thuộc thẩm quyền trả lời của Sở Tài chính. Tuy nhiên, phía Sở Tài chính khẳng định trách nhiệm ở chủ đầu tư.
Liên quan đến việc một số trang thiết bị dạy học lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 được phản ánh có dấu hiệu đội giá thành, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa cho biết, việc này thẩm quyền trả lời là của Sở Tài chính.
Tuy nhiên, đại diện Sở Tài chính cho rằng, trách nhiệm giá thành thuộc về Sở GD-ĐT với lý do Sở GD-ĐT lựa chọn và ký hợp đồng với một công ty thẩm định giá.
"Sở Tài chính không có chức năng thẩm định lại giá đã thẩm định mà chỉ căn cứ vào đề xuất của Sở GD-ĐT và chứng thư thẩm định giá để Sở Tài chính tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt dự toán. Trong đó, giá thiết bị không được vượt quá giá được thẩm định của công ty thẩm định giá. Giá cụ thể được thực hiện trong quá trình tổ chức đấu thầu do Sở GD-ĐT thực hiện.
Sở Tài chính có trách nhiệm so sánh danh mục thiết bị được đề xuất của Sở GD-ĐT với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu được ban hành của Bộ GD-ĐT; so sánh mức giá thiết bị do Sở GD-ĐT đề xuất với mức giá được công ty thẩm định giá thẩm định; sau khi rà soát phù hợp với quy định, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh xem xét phê duyệt", đại diện Sở Tài chính cho biết thêm.
Về việc chất lượng thiết bị, phía Sở Tài chính cũng khẳng định không chịu trách nhiệm do việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, mua sắm thực tế, quản lý, giám sát quá trình thực hiện, ký bàn giao, nghiệm thu chất lượng sản phẩm do Sở GD-ĐT thực hiện, Sở Tài chính không tham gia các nội dung trên.
Đáng lưu ý, tại Quyết định 3537 của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 27/8/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh dự toán kế hoạch lựa chọn nhà thầu và giao kinh phí thực hiện mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới năm học 2020-2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chủ đầu tư (Sở GD-ĐT) trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, căn cứ vào Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 5/4/2019 của Bộ GD-ĐT về ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện việc mua đồ dùng dạy học lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021.
Gói thầu này được bà Phạm Thị Hằng, thời điểm đương nhiệm Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa ký hợp đồng với liên danh Thanh Hà - Thanh Hóa (bao gồm các công ty: Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Đạo; Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu An khang; Công ty TNHH thiết bị giáo dục Nam Hoa; Công ty Cổ phần thiết bị giáo dục và khoa học kỹ thuật Long Thành). Tổng kinh phí cho gói thầu được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt là hơn 89 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số trang thiết bị được phản ánh kém chất lượng và không phát huy hiệu quả. Cụ thể, ti vi quá bé, không thể dùng cho công tác giảng dạy, máy tính kém chất lượng, không thể sử dụng, máy chiếu chập chờn. Hàng loạt ti vi, máy tính cùng chung "số phận" nằm trong kho hoặc để "ngắm". Đáng nói, những thiết bị trên có dấu hiệu đội giá thành.
"Hiện nay, việc này (thiết bị cấp cho các trường kém chất lượng và có dấu hiệu đội giá- PV) cơ quan an ninh đang thực hiện. Trưởng phòng Tài chính và Phó phòng (thuộc Sở GD-ĐT) không thể làm việc với phóng viên do bận, các báo cáo, tài liệu liên quan cũng không thể cung cấp", ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.