Vụ cấp thiết bị dạy học: Có dấu hiệu đội giá thành?
(Dân trí) - Máy tính cấp về cho các trường được phản ánh kém chất lượng, có giá gần 21 triệu đồng, tivi 32 inch, không thuộc dòng ti vi thông minh, không đáp ứng nhu cầu dạy học nhưng có giá hơn 6 triệu đồng…
Máy tính trị giá gần 21 triệu đồng không gõ nổi văn bản
Liên quan đến việc thực hiện mua đồ dùng dạy học lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020 - 2021 do Sở Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa làm chủ đầu tư, những thiết bị được phản ánh kém chất lượng, không phát huy hiệu quả lại có giá thành cao "ngất ngưởng" so với giá thị trường.
Theo Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 5/4/2019 của Bộ GD&ĐT về ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 quy định danh mục máy tính phải đảm bảo loại thông dụng, tối thiểu phải cài đặt được các phần mềm phục vụ dạy học chương trình môn Tin học cấp Tiểu học. Thiết bị này sẽ dùng chung cho toàn trường, tất cả các môn học và hoạt động giáo dục.
Tại danh mục thiết bị cấp về cho các trường thể hiện, loại máy tính xách tay Acer; Model: P215-52; CoreTM i5-10210U processor; bộ nhớ trong 4GB… có giá 20.800.000 đồng/chiếc.
Mặc dù với giá thành "khủng" như vậy nhưng hàng loạt máy tính được cấp về các trường đều chung "số phận" nằm trong kho vì không thể sử dụng được.
"Để khởi động được máy phải mất cả tiếng đồng hồ, thậm chí để cả ngày cũng không lên được. Khi khởi động được rồi thì cũng không gõ nổi văn bản vì đang gõ thì máy treo. Tôi có hỏi kỹ thuật tại các hãng máy tính, họ nói muốn sử dụng được phải thay ổ cứng, giá thành rơi vào khoảng 900.000 đồng/ổ", hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn huyện Quảng Xương cho biết.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, với chiếc máy tính được cấp về, sử dụng cho việc gõ văn bản là chức năng đơn giản nhất còn không đáp ứng được huống gì nói đến việc cài đặt phần mềm phục vụ dạy học.
Tương tự như máy tính, Tivi LG 32 inch, không thuộc dòng tivi thông minh, không kết nối mạng internet có giá 6.300.000 đồng/chiếc; máy chiếu OPTOMA, model: JXA511 được một số trường phản ánh có lúc dùng được có lúc sóng chập chờn đến "hoa mắt", thiết bị này có giá 26.184.000 đồng/chiếc…
Dấu hiệu đội giá?
Ghi nhận của phóng viên, giá các mặt hàng trên so với thị trường đều có sự chênh lệch quá lớn. Cụ thể, tivi cùng hãng trên nhưng ngoài thị trường chỉ giao động từ 4-4,5 triệu đồng/chiếc; máy tính ngoài thị trường có giá giảm gần một nửa so với giá mà Sở GD-ĐT mua của đơn vị cung ứng; máy chiếu cùng hãng, cùng các thông số kỹ thuật cũng chỉ có giá gần 10 triệu đồng.
Một nhân viên của hãng điện máy lớn trên thị trường tại Thanh Hóa cho biết, hãng đang có sản phẩm máy tính dòng Acer với cấu hình hiện đại gấp nhiều lần cấu hình Acer mà Sở GD-ĐT lựa chọn cung ứng cho các trường, thế nhưng giá thành cũng chưa đến 20 triệu đồng.
Nhân viên này cũng nhận định, với cấu hình của chiếc máy Acer trên chỉ ở mức giá hơn 10 triệu đồng.
Đáng lưu ý, tại Quyết định 3537 của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 27/8/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh dự toán kế hoạch lựa chọn nhà thầu và giao kinh phí thực hiện mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới năm học 2020-2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chủ đầu tư (Sở GD-ĐT) trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Đặc biệt, trong số hơn 89 tỷ đồng thực hiện gói thầu, chủ đầu tư chi gần 658 triệu đồng cho việc tư vấn đầu tư, trong đó, gần 117 triệu đồng chi cho thẩm định giá thiết bị năm 2020.
Được biết, gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới năm học 2020-2021 được Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa ký hợp đồng với Liên danh Thanh Hà- Thanh Hóa (bao gồm các công ty: Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Đạo; Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu An khang; Công ty TNHH thiết bị giáo dục Nam Hoa; Công ty Cổ phần thiết bị giáo dục và khoa học kỹ thuật Long Thành).
Tổng kinh phí cho gói thầu được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt là hơn 89 tỷ đồng. Kinh phí này được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp GD-ĐT trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2020.
Trước đó, vào giữa tháng 4/2021, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố Quyết định Thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục đối với Sở GD-ĐT và các lĩnh vực hoạt động khác về giáo dục thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh Thanh Hóa ở thời điểm từ tháng 1/2019-12/2020, thời gian thanh tra 45 ngày (kể từ ngày công bố Quyết định). Hiện kết luận thanh tra vẫn chưa được công bố.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!