Vinschool ưu tiên nâng cấp chất lượng giáo viên
(Dân trí) - Hệ thống giáo dục lớn nhất cả nước Vinschool khẳng định việc tăng học phí để nâng cấp chất lượng giáo dục và dịch vụ, trong đó phần lớn tập trung cho việc tăng đầu tư cho chất lượng giáo viên. Đặc biệt, trong tương lai hệ tú tài Vinschool sẽ có đủ khả năng được nhận vào các trường ĐH Top 500 Thế giới.
Thông tin trên đã được bà Phan Hà Thủy, Tổng Giám Đốc Vinschool cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên.
Tháng 9/2018 mới áp dụng học phí mới
Có thông tin vừa vào năm học Vinschool đã tăng tới 80% học phí. Tại sao con số tăng lại lớn như vậy thưa bà?
Con số tăng học phí tới 80% là không chính xác. Đó là tổng kinh phí đầu tư cho việc nâng tầm chất lượng giáo dục của Vinschool lên tầm cao mới. Và trong 80% thì Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ tới 60%, chỉ có 20% đưa vào học phí trong năm đầu tiên.
Nhưng với các học sinh đang theo học Vinschool bao gồm cả mầm non, nếu chia trung bình trong vòng 5 năm từ 2018 – 2023, mức tăng học phí của Vinschool chỉ từ 12,50% - 19,53% với Hệ Chuẩn Vinschool và 8,24% - 6.67% với Hệ Nâng cao. Trong đó, lộ trình đóng phí là trong 3 năm đầu và cam kết không tăng trong 2 năm tiếp theo.
Với học sinh mới gia nhập Vinschool từ năm 2018 trở đi sẽ đóng mức phí mới. Tuy nhiên, ngay cả mức học phí mới đó cũng căn cứ dựa trên điểm hoà vốn, chứ hệ thống hoàn toàn không có lãi với mức học phí này.
Bởi giáo dục chưa bao giờ được đặt lên bàn “kinh doanh” của Vingroup, chúng tôi đặt ra sự thay đổi, nâng lên một tầm cao mới chính vì sự phát triển cho chính các thế hệ con em chúng ta. Và chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành, chia sẻ và ủng hộ của các phụ huynh để Vinschool có chất lượng vượt trội hẳn lên so với hiện tại.
Thưa bà, tại sao Vinschool đang hoạt động ổn định, phụ huynh và học sinh tương đối hài lòng mà nhà trường lại quyết định nâng cấp?
Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành đánh giá toàn diện lại các kết quả của Vinschool và nhận thấy rằng dù đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định phải thay đổi ngay khi đã hội tụ đủ điều kiện để học sinh được hưởng chất lượng đào tạo tốt nhất.
Chúng tôi cũng đã thông báo trước khi thực hiện gần 1 năm, thời gian khá dài để phụ huynh có thời gian tìm hiểu kỹ hơn những thay đổi về Chương trình cũng như chủ động sắp xếp kế hoạch.
Với những người cảm thấy không phù hợp với môi trường Vinschool, phụ huynh có được trả lại học phí khi chuyển trường cho con không?
Nếu phụ huynh muốn chuyển trường cho con từ học kỳ 2 năm học 2017-2018 và đăng ký với trường trong học kỳ 1 này, Vinschool sẵn sàng hoàn lại 100% các chi phí đã đóng, bao gồm tiền học phí, tiền bán trú và tiền xe buýt – mà các con đã thụ hưởng từ đầu năm tới hết học kỳ 1/2017.
Thay đổi để tăng chất lượng giáo dục
Vinschool vẫn hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận từ một năm nay, vậy thưa bà, việc Vinschool tăng học phí để nhằm mục đích gì?
Việc tăng học phí này về bản chất không phải việc tăng học phí đơn thuần, chúng tôi đang không tăng học phí trên nền chương trình và chất lượng giáo dục như trước, mà đây là việc cải cách để nâng cấp chất lượng trên toàn hệ thống.
Thứ nhất, chúng tôi tăng chi phí để tăng chất lượng nhân sự. Trong đó tăng tỷ lệ giáo viên tinh hoa, điều chỉnh tăng lương và khung lương để nâng chất lượng giáo viên hiện tại và thu hút giáo viên giỏi. Cùng với đó, giảm số tiết dạy của giáo viên để tăng thời gian quản lý học sinh, chuẩn bị bài giảng và tham gia đào tạo nâng cấp chất lượng trong khi số tiết học không giảm. Việc này dẫn đến số lượng giáo viên tăng kéo theo chi phí tăng.
Thứ hai, tăng chi phí do tăng số tiết tiếng Anh. Học sinh hệ Song ngữ chuyển thành Hệ Nâng cao, từ chỗ học 50% tiếng Anh thì sẽ học 100% tiếng Anh với 100% giáo viên nước ngoài. Số môn theo chương trình Cambridge tăng từ 3 môn lên 5 môn.
Học sinh Hệ Chuẩn Vinschool cũng tăng thời gian học tiếng Anh thêm 50%. Trong đó, thời gian học với giáo viên nước ngoài tăng gấp đôi.
Thứ ba, việc tăng học phí được áp dụng trong bối cảnh nhà trường chủ động giảm sĩ số học sinh để các con được quan tâm, chăm sóc, hướng dẫn tốt hơn. Điều này dẫn đến số lượng lớp học, số lượng giáo viên sẽ tăng lên. Chưa kể, khi xây dựng thêm sân chơi, hồ bơi, tăng nhân viên hỗ trợ, chi phí cũng tăng thêm.
Chất lượng giáo dục của Vinshool hiện được kiểm định như thế nào?
Chúng tôi đang trong quá trình làm thủ tục kiểm định với Hội đồng các trường quốc tế CIS (Council of International Schools). Tháng 12/2017 CIS sẽ làm việc với Vinschool để đánh giá trường theo các tiêu chí đã có và đưa Vinschool vào danh sách thành viên của tổ chức CIS. Theo lộ trình, Vinschool đặt mục tiêu đến tháng 12/2020 các trường Vinschool thuộc Hệ Nâng cao sẽ được kiểm định bởi CIS, sau đó tiến dần áp dụng kiểm định cho Hệ Chuẩn Vinschool. Hiện nay đã có hơn 700 trường phổ thông trên toàn thế giới được kiểm định bởi CIS và đều là những trường có chất lượng giáo dục cao mang tầm quốc tế. Top 500 trường đại học trên Thế giới luôn dành ưu tiên nhận học sinh từ các trường được kiểm định bởi CIS, đây là một ưu thế rất lớn cho hệ tú tài Vinschool.
Tại sao Hệ Song ngữ Cambridge lại đổi tên thành Hệ Nâng cao, phải chăng vì Vinschool không đạt được tiêu chuẩn của chương trình Cambridge?
Mục tiêu của Hệ Nâng cao không chỉ là dạy chương trình Cambridge, mà mục tiêu là tập trung đào tạo nhân tài. Chương trình Cambridge chỉ là một cấu phần trong chương trình đào tạo, bên cạnh đó học sinh còn được dạy để hiểu và trân trọng lịch sử, truyền thống Việt Nam, rèn luyện các kỹ năng, phẩm chất, trách nhiệm xã hội, năng lực lãnh đạo. Đó là lý do Nhà trường không dùng tên “Cambridge” để đại diện và đặt tên cho Hệ chương trình này.
Vinschool vẫn là thành viên của CIE, và học sinh học Hệ Nâng cao vẫn học đồng thời chương trình Cambridge theo chuẩn của Hội đồng khảo thí Cambridge (CIE), thi các chứng chỉ bằng cấp của Cambridge (như Checkpoint, IGCSE, A-level do CIE cấp).
Điểm ưu việt hơn của Hệ Nâng cao từ năm học 2018-2019 là học sinh sẽ được học 5 môn Cambridge thay vì 3 môn như hiện nay, và 100% các môn Cambridge đều được dạy bởi Giáo viên nước ngoài (thay vì tỷ lệ 72-88% hiện nay là Giáo viên nước ngoài 12 - 28% là Giáo viên Việt Nam).
Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi!
P.V