“Viên ngọc quý giữa đời thường”

(Dân trí) - Em Võ Thị Kim Ngọc không phải học trò của cô Phương. Ngọc đứng trước nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh quá nghèo. Đầu năm học vừa rồi, Ngọc đã tính bỏ học thì mọi người chỉ “tìm đến cô Phương”. Cô Phương thật tình nói rằng có sách vở, bút viết để cho nhưng tiền thì cô cũng không có nhưng cô sẽ thử đi xin...

Tôi đã từng viết về cô trong bài “Cô giáo mở thư viện miễn phí nơi làng quê nghèo”. Nếu dừng lại ở đó là một thiếu sót, chưa công bằng với người đọc...

Đưa trẻ không giấy tờ vào lớp học

Năm 2008, cô giáo trẻ Huỳnh Thị Thanh Phương được phân công về xã An Phú (huyện Củ Chi, TPHCM dạy học) tại Trường tiểu học An Phú, cách nhà 25 cây số. An Phú là xã nghèo nhất nhì huyện và vì vậy cô có nhiều dịp chứng kiến, đồng hành với những tình cảnh éo le của học trò.

Nhiều năm về trước, khi đang dạy học, cô Phương nhiều lần thấy một cậu bé thập thò ngoài cửa sổ lớp học nhìn vào. Sau khi hỏi han, cậu bé trả lời: “Con không có giấy tờ đi học, mẹ nói vậy”. Không ngại ngần trước những khuôn khổ, xin phép, thủ tục... khi đứa trẻ ấy gật đầu nói “Con muốn đi học”, cô Phương đưa cho em tập bút và dẫn em vào lớp.

Cô Huỳnh Thị Thanh Phương và học trò
Cô Huỳnh Thị Thanh Phương và học trò

Sau đó, cô Phương lên báo cáo và hỏi han hiệu trưởng về trường hợp của cậu bé này thì hiệu trưởng cho biết em không có giấy khai sinh, cũng không có họ khẩu nên không nhập học được. Cô Phương đã đề nghị và xin phép để em được vào lớp học của mình - tạm gác những quy định, giấy tờ, thủ tục.

Cô Phương nhớ ngày thứ 2 đi học, em mặc một chiếc áo trắng như để khẳng định mình như bao bạn bè khác, được đến trường. Em say mê đến độ giờ nghỉ không chịu ra chơi, vẫn ôm lấy cuốn sách như sợ hết giờ, như thể sợ mai mốt mình không còn được tới trường.

Khoảng một tháng quan sát thấy em thật sự ham học, cô Phương tìm cách tính đường dài. Cô phải dọa không cho học nữa nếu em không mời được mẹ đến trường gặp mình. Đến lúc đó cô mới gặp được mẹ em, người phụ nữ quê miền Tây lên đi làm công nhân. Bà không có chứng minh nhân dân, không hộ khẩu, không có giấy kết hôn, con không có giấy chứng sinh, khai sinh. Mà giờ bảo người mẹ nghỉ về quê lo giấy tờ thì không có tiền, sợ bị đuổi việc, mà bà còn không biết chữ.

“Viên ngọc quý giữa đời thường” - 2

Thằng bé vẫn đến lớp dù không có tên trong danh sách rồi bất ngờ... mất tích khi chỉ còn tháng nữa là nghỉ hè. Cô Phương hỏi han khắp nơi nhưng không tìm được em. Đầu năm học mới, bất ngờ em xuất hiện ở trường, gặp cô xin được học tiếp. Thời gian rồi em bị mẹ bắt về quê đi bán vé số nhưng đi bán bị người ta giật nên trở lại thành phố.

Lần này em đi cùng đứa em trai 6 tuổi để xin cho cả em vào học. Nhìn xuống đôi chân trần lem nhem của thằng bé em, cô Phương vừa mới hỏi dép con đâu, thằng em nghe vậy hớn hở: “Con về rửa sạch chân, mang dép vô là được học ha cô?”.

Cô giáo trẻ nghẹn ngào vừa gật đầu thì thằng bé đã chạy vèo ra khỏi cổng trường. Một lát sau, nó quay lại đứng trước lớp với đôi chân được rửa qua loa, mang đôi dép đã cũ. Trên tay nó cầm quyển vở cũ, cây viết chì cũ của thằng anh.

“Tìm đến cô Phương”

Rồi chuyện về em Võ Thị Kim Ngọc, học sinh Trường THCS An Phú 2 - không phải học trò của cô Phương. Ngọc đứng trước nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh quá nghèo, hai chị em sống với người bà nhận nuôi tên Dung làm thuê làm mướn cơm cháo qua ngày.

Đầu năm học vừa rồi, hai bà cháu gõ cửa nhà cô Phương vì nhà không còn tiền để cháu nhập học, không có sách vở, quần áo... Ngọc đã tính bỏ học thì mọi người chỉ “tìm đến cô Phương”. Cô Phương thật tình nói rằng có sách vở, bút viết để cho nhưng tiền thì cô cũng không có nhưng cô sẽ thử đi xin.

Bà cháu em Võ Thị Kim Ngọc khi đứng trước cảnh phải bỏ học đã... tìm đến cô Phương để nhờ giúp đỡ.
Bà cháu em Võ Thị Kim Ngọc khi đứng trước cảnh phải bỏ học đã... tìm đến cô Phương để nhờ giúp đỡ.

Cô Phương chia sẻ về hoàn cảnh của Ngọc với các bạn bè, người quen... và có người nhận lời giúp em đóng tiền tới trường. Đến giờ, cô Phương không nhớ mình đã “xin xỏ” tiền, sách, quần áo... từ biết bao nhiêu người cho học trò cũng như đến nhà học sinh để thuyết phục bố mẹ cho các em đi học.

Trên lớp, nhiều khi bực học trò vì nói không được, cô Phương vờ giận các em, nói cô lên xin hiệu trưởng chuyển sang trường khác dạy. Toàn bộ học sinh hơn 50 em trong lớp rồng rắn kéo nhau lên văn phòng khóc... không cho cô chuyển trường rồi năn nỉ cô ở lại.

Hào quang, vật chất níu giữa chân người nhưng cô Phương bị níu chân bởi cái nghèo, cái khó, cái tình của học trò. Hồi cô mới về, đã bao nhiêu người nói ráng dạy đủ 3 năm rồi xin chuyển trường về gần nhà, đỡ đi lại xa xôi, lại có thể dạy thêm... nhưng cô “thất hẹn” đến giờ.

Người truyền cảm xúc

Là một nhà giáo cô Phương hiểu với học trò nghèo, tiền bạc có thể giúp các em no bụng, giúp các em có quần áo đẹp... nhưng chưa chắc đã mang đến cho các em những ước mơ, hoài bão.

Trường cô đang dạy học có 3 phân hiệu thì có hai phân hiệu không có thư viện. Cả xã An Phú không có một nhà sách hay sạp báo nào. Trẻ không biết đến sách báo ngoài việc lên lớp đọc thuộc những bài văn mẫu. Với cô, cái này chữ đáng sợ hơn nghèo cơm nghèo bạc.

Sân nhà cô Phương trở thành một sinh hoạt cho cho trẻ em ở trong vùng thuộc xã An Phú, huyện Củ Chi, TPHCM
Sân nhà cô Phương trở thành một sinh hoạt cho cho trẻ em ở trong vùng thuộc xã An Phú, huyện Củ Chi, TPHCM

Cô Phương lại “phá rào” lập nên một thư viện ngay tại nhà mình, nơi cô đang sống cùng gia đình chồng. Cô làm mọi cách để “dụ” học trò đến đọc sách với hy vọng gieo vào các em những hy vọng, những ước mơ hoặc chí ít đưa đến làng quê nghèo một không khí, nhịp thở mới ngoài những lo toan với cơm áo tiền bạc.

Ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng của gia đình cô trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa cho trẻ nhỏ, người dân chung quanh. Ngoài thư viện thu hút cả trẻ nhỏ lẫn người già, cô còn đứng ra tổ chức rất nhiều hoạt động kỹ năng sống, vui chơi cho trẻ với rất nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý, các Câu lạc bộ tình nguyện về góp sức.

Nhiều chuyên đề mang ý nghĩa giáo dục được tổ chức tại đây như sống để yêu thương, vui cùng sách và mới nhất vào ngày 5/3 là chuyên đề dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bảo thân, tránh bị xâm hại tình dục - những thứ có thể nói là xa xỉ với những đứa trẻ còn đói ăn đói mặc. Rất nhiều các chuyên gia giáo dục, tâm lý... tình nguyện đến đây góp sức.

Cô Phương đi xin sách vở, quần áo... khắp nơi để xây dựng thư viện miễn phí, tặng mọi người
Cô Phương đi xin sách vở, quần áo... khắp nơi để xây dựng thư viện miễn phí, tặng mọi người

Một số dịp lễ tết trong năm, cô Phương còn mở gian hàng quán áo cũ để mọi người tự do đến chọn miễn phí. Những bộ quần áo cô đi xin, ai cho ở đâu cũng đến tận nơi chở về.

Những gì cô Phương làm không để đổi một danh hiệu hay bất cứ thành tích nào. Cô làm theo cảm xúc của con tim, tấm lòng thế nên dễ chạm đến trái tim của người khác. Quen cô, gặp cô nhiều người sẽ thấy, sẽ muốn để tấm lòng mình bao dung, rộng mở hơn...

Một nhà tâm lý công tác ở ĐH Sư phạm TPHCM biết cô Huỳnh Thị Thanh Phương đã phải thốt lên: "Cô là viên ngọc quý giữa đời thường.

Có những tình nguyện viên đến nhà cô sinh hoạt, vui chơi cùng trẻ em, khi quay về tự hỏi: “Cô nhận được gì từ những việc làm trên?”. Rồi họ tự trả lời: Một con số 0 to tướng. Con số 0 ấy có thể vô hình với mọi người nhưng nó lại hữu hình đối với chúng tôi, với cô và đối với bọn trẻ nơi đây”.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục