Vị tướng của những người làm công tác khuyến học
(Dân trí) - “Hầu hết các cuộc họp hàng năm về công tác khuyến học và các Đại hội khuyến học tiếp theo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều đến dự. Những lần bận không đến dự họp được, Đại tướng viết thư gửi đến động viên những người làm công tác khuyến học…”.
Trước thềm Đại hội thi đua và biểu dương phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học toàn quốc lần thứ III - năm 2013 (được tổ chức tại Hà Nội vào ngày mai 9/10), PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã chia sẻ về những hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với công tác khuyến học, khuyến tài, công tác giáo dục đào tạo.
Từ khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam đến nay qua 17 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được suy tôn là Chủ tịch danh dự Hội. Vậy lý do gì mà Hội Khuyến học có được “duyên” với Đại tướng như vậy, thưa ông?
Hội Khuyến học Việt Nam có ý tưởng thành lập từ năm 1992 với gợi ý của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc đó là đồng chí Phạm Văn Đồng. Đồng thời, thời gian đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng tham gia góp ý thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. Đến năm 1996, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đại hội bầu là Chủ tịch danh dự của Hội.
Trong thời gian thành lập Hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp nhiều ý kiến về điều lệ hoạt động, phương hướng hoạt động Hội. Đại tướng luôn luôn theo sát hoạt động Hội và thường xuyên đóng góp ý kiến cho Hội. Hầu hết các cuộc họp hàng năm về công tác khuyến học và các Đại hội khuyến học tiếp theo, Đại tướng đều đến dự. Những lần bận không đến dự họp được, Đại tướng viết thư gửi đến động viên những người làm công tác khuyến học.
Cho đến nay, Hội viên Khuyến học Việt Nam là tổ chức Hội có Hội viên lớn nhất cả nước, Hội có từ trung ương đến tổ dân phố, xóm thôn, phum sóc, ấp, khóm như tổ dân phố khuyến học, ấp khuyến học, xứ đạo khuyến học, nhà chùa khuyến học. Khoảng 3 năm trở lại đây, các cộng đồng khuyến học có xu hướng phát triển trong nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, quân đội, đoàn thể xã hội như doanh nghiệp khuyến học, xí nghiệp khuyến học, cơ quan khuyến học... Đặc biệt, Hội Khuyến học Việt Nam phát động phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học, tạo ra phong trào học tập trong toàn xã hội. Hiện nay, trong cả nước đã có trên 5,5 triệu Gia đình hiếu học với hơn 10,6 triệu hội viên khuyến học và của nhân dân ở khắp các địa phương trong toàn quốc.
Hội Khuyến học Việt Nam đã phát triển 3 kỳ đại hội. Khi chuẩn bị Đại hội Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học lần thứ III này, chúng tôi rất mong mỏi Đại tướng viết thư đến Đại hội nhưng đến nay Đại tướng qua đời. Hội Khuyến học Việt Nam vô cùng luyến tiếc, luôn luôn nhớ ơn Đại tướng, người đã có rất nhiều đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về công tác khoa học và giáo dục. Ông từng là nhà lãnh đạo ngành giáo dục thời kỳ đó, vậy ấn tượng sâu sắc nào với Đại tướng mà ông nhớ nhất?
Tôi tiếp xúc với Đại tướng từ năm 1981 khi tôi bắt đầu làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Lúc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách công tác khoa học và giáo dục nên tôi được tiếp cận và làm việc với Đại tướng nhiều.
Khi Đại tướng làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách công tác khoa học và giáo dục, Đại tướng đã ra Quyết định 126 CP, Quyết định này là hướng nghiệp và sử dụng học sinh khi ra trường. Đây là một quyết định rất có ý nghĩa cho đến bây giờ. Sau đó nhiều chủ trương khác Bộ GD-ĐT đề nghị lên, Đại tướng đều chấp thuận như cho thành lập Trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hệ thống trung tâm giáo dục thực hành, hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú… Ngoài ra, Đại tướng đồng ý cho Bộ GD-ĐT ra Chỉ thị bình đẳng giới. Đó là những ấn tượng sâu sắc của tôi với Đại tướng.
Về sau này, với việc thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, Đại tướng là người đơn giản, sâu sắc, hiểu được công việc nên luôn luôn động viên chúng tôi vượt qua những khó khăn trong những buổi đầu thành lập.
Những quan điểm đổi mới giáo dục của Đại tướng đến nay vẫn được đánh giá là đi trước thời đại. Là người gắn bó với ngành giáo dục, gắn bó nhiều với Đại tướng ông thấy quan điểm đó thế nào?
Đại tướng là người đề xuất ra nhiều vấn đề về nâng cao chất lượng giáo dục. Đại tướng rất chú ý đến kỹ năng giáo dục và hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Đây là vấn đề quan trọng. Ví dụ, Đại tướng cho thành lập Trung tâm tổng hợp hướng nghiệp trong nhà trường, cho thành lập vườn trường, xưởng trường để cho học sinh xác định được học cái gì phù hợp với năng lực của mình, học cái gì để phục vụ đất nước.
Sau này, chương trình đào tạo này trong nhà trường có phần lơ là. Bây giờ, tôi thấy Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục lại quay về vấn đề này. Chứng tỏ tầm suy nghĩ của Đại tướng có tầm lâu dài đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước, trong đó tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ra phải được sử dụng được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Hạnh (ghi)