Vì sao ngành Thương mại điện tử trường nghề luôn "hot"?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ và được nhận định sẽ tăng tốc trong những năm tới. Do đó, ngành thương mại điện tử trở nên "hot" tại các trường nghề.

Nhiều cơ hội nên thu hút người học

Năm 2021 là một năm cực kỳ khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường nghề vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, tại các trường nghề vẫn có những ngành tuyển sinh rất tốt như ngành kỹ thuật ô tô, thương mại điện tử…

Theo thạc sĩ Trần Công Nam, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC), ngành Thương mại điện tử tại BKC mới được thành lập vào năm 2020 nhưng đến năm học này (2021 - 2022) đã trở thành một trong những ngành "hot" thu hút rất đông sinh viên.

Nguyên nhân ngành này thu hút nhiều sinh viên vì nhu cầu nhân lực hiện nay rất lớn, dễ kiếm việc làm khi ra trường. Chính vì "khát" nhân sự nên thu nhập của nghề này đang ở mức khá so với các ngành khác.

Vì sao ngành Thương mại điện tử  trường nghề luôn hot? - 1

Nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao nên ngành thương mại điện tử thu hút nhiều sinh viên trường nghề theo học.

Nhiều chuyên gia trong ngành bán lẻ khẳng định thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các ngành nghề bị đình trệ thì ngành thương mại điện tử liên tục bứt phá và cho thấy nhiều tiềm năng.

Sinh viên ngành thương mại điện tử ra trường có thể làm rất nhiều công việc như nhân viên kinh doanh, chuyên viên marketing, chuyên viên quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh trực tuyến tại các doanh nghiệp, điều hành shop online…

Ông Trần Công Nam nhận định, ngành thương mại điện tử đang rất "hot" vì nhân lực ở lĩnh vực này được các doanh nghiệp săn đón liên tục. Với thị trường ngày càng mở rộng, khởi nghiệp từ ngành này cũng có nhiều cơ hội thành công hơn.

Vì sao chọn học thương mại điện tử ở trường nghề?

Theo Phó hiệu trưởng BKC, nhiều người chọn học ngành thương mại điện tử tại các trường nghề là vì trường nghề dạy từng kỹ năng cụ thể, dễ ứng dụng thực tế và thời gian học ngắn hơn học đại học. Với chương trình trung cấp và cao đẳng, sinh viên được dạy các kỹ năng thực hành đến 70% thời lượng đào tạo.

Đây là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực như: kinh doanh, vận chuyển, công nghệ thông tin… Chương trình đào tạo ngành này chú trọng nhiều về kỹ năng thực hành, bám sát thực tế phát triển công nghệ nên rất phù hợp với đặc thù đào tạo của các trường nghề.

Học ở trường nghề, sinh viên được tiếp cận trực tiếp với nghề, học tập kỹ năng nghề nghiệp từ sớm và tham gia nhiều kỳ kiến tập tại các doanh nghiệp. Nhờ đó, kỹ năng nghề của sinh viên sẽ sát thực tế và có thể làm việc được ngay cả khi chưa ra trường.

Cam kết có việc làm sau khi ra trường của các trường nghề cũng là một trong những điều thu hút sinh viên - ông Trần Công Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, ngoài các kỹ năng cần thiết để làm nghề, sinh viên học hệ cao đẳng còn được dạy nhiều kiến thức chuyên môn nền tảng như: Tổ chức hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội; Khai thác thông tin, mở rộng thị trường kinh doanh, nghiệp vụ kinh doanh; Phát triển và xây dựng nội dung kinh doanh trên nền tảng Facebook, Google, Youtube…

Nhờ các kiến thức nền tảng này, sinh viên ra trường có thể học thêm nâng cao trình độ; hoặc tự ra riêng, khởi sự lập nghiệp bằng các hình thức như: Mở công ty dịch vụ cung cấp hàng hóa hay vận chuyển; Mở shop mua bán trên các sàn điện tử và mạng xã hội; Lập website thương mại điện tử…

Tuy nhiên, Phó hiệu trưởng BKC khuyên sinh viên mới ra trường nên làm thuê một thời gian để tích lũy vốn, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. Sau đó, vận dụng những kinh nghiệm trong quá trình học và ứng dụng thực tế để lên kế hoạch khởi nghiệp cho bản thân.