Chăm sóc sắc đẹp là nghề chính quy, có thể học liên thông bậc đại học
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh cho rằng chăm sóc sắc đẹp, làm tóc... là "nghề dạy nghề", không cần học "trường lớp" Thực tế không hẳn vậy, chăm sóc sắc đẹp là nghề chính quy, có thể học liên thông đến bậc đại học.
Ngành được đào tạo chính quy tại các trường nghề
Nhiều năm theo nghề chăm sóc sắc đẹp, chuyên gia trang điểm Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Học viện Trang điểm Kim Tuyến trăn trở khi nhiều phụ huynh đánh giá người làm nghề này thấp kém, không có bằng cấp, tương lai khó phát triển, không được tôn vinh như các nghề khác...
Chính bản thân chuyên gia Kim Tuyến khi mới vào nghề cũng từng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Nhưng nhiều năm kiên trì làm nghề, đạt được nhiều thành công với hệ thống kinh doanh riêng, bà nhận định nghề chăm sóc sắc đẹp là nghề có thể "hái ra tiền", giúp các bạn nữ độc lập tài chính.
"Mục tiêu của mỗi người đều là tìm một công việc ổn định, có khả năng phát triển tốt để kiếm một vị trí trong xã hội chứ không phải là cái bằng để khoe khoang" - chuyên gia Kim Tuyến đánh giá.
Chuyên gia Kim Tuyến nhận định việc đào tạo nghề làm đẹp đã khác xưa, không còn là nghề truyền nghề mà trở thành một ngành được đào tạo chính thống tại các trường nghề, có bằng cấp đàng hoàng và nhiều cấp bậc trình độ nghề để thăng tiến.
"Do đó, các em theo nghề nên yên tâm, ngành làm đẹp cũng là ngành chính quy được cấp bằng, được liên thông lên đại học để các bạn được chính danh, có vinh dự như các ngành nghề khác", bà Kim Tuyến nói.
Theo cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Chăm sóc sắc đẹp và thời trang trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, dù ngành chăm sóc sắc đẹp chưa được xem trọng ở các trình độ cao nhưng ở bậc sơ cấp và trung cấp rất phát triển, hầu như trường nghề nào cũng đào tạo.
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp như trường Nguyễn Tất Thành đã có chương trình liên kết với các đại học ở Hàn Quốc, cao đẳng cộng đồng ở Mỹ và Úc để giúp các em học trung cấp ngành chăm sóc sắc đẹp có thể liên thông lên bậc cao đẳng, đại học.
Người hành nghề phải có bằng cấp chuyên môn
Chuyên gia làm đẹp Nguyễn Kim Oanh, Phó Chủ tịch Hội đào tạo phát triển nghề làm đẹp Việt Nam cho biết, tại các nước như Mỹ, Hàn Quốc… thì ngành chăm sóc sắc đẹp đã phát triển thành chuỗi khép kín từ nghiên cứu, bào chế mỹ phẩm, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho đến trang điểm, chăm sóc cơ thể.
Nhưng ở Việt Nam, ngành này vẫn còn sơ khai, manh mún với nhiều cơ sở dịch vụ làm đẹp chưa đạt chuẩn, người làm nghề chưa được đào tạo bài bản.
Theo bà Oanh, sắp tới nhà nước cần phải có chính sách phát triển các trường nghề có giấy phép đào tạo chuẩn mực để đảm bảo chất lượng đầu ra, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành này.
Thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trung cấp Nguyễn Tất Thành cũng bày tỏ băn khoăn khi ngành này chưa được quan tâm đúng mức, cơ quan quản lý chưa chặt chẽ nên người làm nghề ít chú ý đến việc học nghề bài bản tại các trường nghề chính quy. Theo ông, chính vì quản lý không chặt chẽ nên nhiều cơ sở làm đẹp không có chuyên môn cũng thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, gây ra hàng loạt tai biến nguy hiểm trong thời gian qua.
Thạc sĩ Hoàng Quốc Long cho rằng, không thể để các cơ sở làm đẹp phát triển tự phát, không quan tâm đến sức khỏe của khách hàng, cần phải có quy chế rõ ràng, hành nghề phải có bằng cấp chuyên môn...
Thạc sĩ - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc bệnh viện Giao thông vận tải TPHCM cũng đồng tình. Ông cho rằng, cơ sở làm đẹp cũng cần được quản lý y tế, nhân viên phải có bằng cấp, qua đào tạo bài bản, được giám sát chất lượng...
"Làm đẹp không phải như nghề truyền thống ngày xưa, cần có bằng cấp khi hành nghề vì nó ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sức khỏe con người", bác sĩ Nguyễn Quốc Việt nói.
Thạc sĩ Hoàng Quốc Long cho rằng, làm đẹp thường gắn liền với trị liệu, cần kiến thức y khoa nên phải quản lý chặt để hạn chế các cơ sở làm đẹp không đạt tiêu chuẩn an toàn.
Theo ông Long, dịch vụ đơn giản nhất như trang điểm cũng cần kiến thức chuyên môn để phân biệt, lựa chọn mỹ phẩm nào tốt, an toàn cho khách chứ không phải nhìn đẹp là được.