Vì sao học sinh ngày nay dễ bị tổn thương tâm lý?

Nguyễn Hoàng Hà

(Dân trí) - "Học sinh ngày nay đang thiếu khả năng thích ứng trước những thay đổi, biến cố trong cuộc sống nên dễ bị tổn thương tâm lý", ThS Trịnh Thị Điệp chia sẻ.

Nguyên nhân dẫn đến tổn thương tâm lý

Chia sẻ với Dân trí, ThS Trịnh Thị Điệp - chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh dễ bị tổn thương tâm lý là do thiếu khả năng thích ứng trước những thay đổi, biến cố trong cuộc sống.

Khi thường xuyên gặp phải những tình huống bất ngờ, khó khăn sẽ làm họ trở nên căng thẳng, lo lắng và tự ti. Lâu dần, họ sẽ cảm thấy tâm trạng ủ rũ, tuyệt vọng, không còn năng lượng hay hứng thú để làm bất kỳ việc gì.

Cùng với đó, khi trải qua những biến cố nghiêm trọng sẽ khiến họ thêm lo lắng, có những suy nghĩ phóng đại tiêu cực về mọi thứ xung quanh.

Vì sao học sinh ngày nay dễ bị tổn thương tâm lý? - 1
ThS Trịnh Thị Điệp - chuyên gia tâm lý giáo dục (Ảnh: NVCC).

Theo ThS Trịnh Thị Điệp, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân khiến cho học sinh dễ bị tổn thương vì phải chịu áp lực lớn từ việc đạt kết quả cao trong học tập. Nếu không đáp ứng được mong muốn, họ có thể cảm thấy thất bại, tuyệt vọng và mất hứng thú với cuộc sống.

Sự quan tâm, chăm sóc chưa đúng từ gia đình ảnh hưởng rất lớn trong quá trình học sinh phát triển về mặt tâm lý. Tuy nhiên, tình trạng học sinh bị bỏ rơi, thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ phía gia đình sẽ khiến họ dễ bị tổn thương dẫn đến sống khép mình, cảm thấy cô đơn và mất hứng thú với cuộc sống.

Ngược lại, nếu gia đình quá bao bọc hay nuông chiều, họ sẽ thiếu đi sự thích nghi, giảm khả năng ứng phó với những khó khăn và biến cố trong cuộc sống.

Cô Điệp cho biết thêm, những sự đổ vỡ trong các mối quan hệ xã hội cũng là nguyên nhân gây rối loạn tâm lý. Ngoài sự gắn bó trong mối quan hệ gia đình, mối quan hệ với thầy cô, bạn bè thì mối quan hệ tình cảm xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của học sinh. Những sự mất mát từ những mối quan hệ này cũng gây tổn thương tâm lý, mang lại cảm giác đau khổ, tuyệt vọng và có thể dẫn đến những hành vi bồng bột làm hại bản thân.

Tác động của mạng xã hội cũng mang lại nhiều tác động tiêu cực như làm tăng cảm giác cô đơn, gây căng thẳng. Mạng xã hội cũng có thể là nơi diễn ra bạo lực tinh thần, tiếp tục tăng lên sự bất bình đẳng trong xã hội, mang đến cảm giác cô đơn và kém tự tin. Những tác động này có thể khiến cho tình trạng tâm lý không ổn định và dễ bị tổn thương.

Vì sao học sinh ngày nay dễ bị tổn thương tâm lý? - 2
Có rất nhiều nguyên nhân khiến học sinh dễ bị tổn thương tâm lý (Ảnh: Getty Images).

Cần phải đầu tư hơn về giáo dục tâm lý

Cô Điệp đánh giá, tư vấn giáo dục tâm lý tại trường học cho học sinh ở Việt Nam hiện nay còn hạn chế, chưa được triển khai rộng rãi. Cô cho rằng, cần phải đưa ra giải pháp để hỗ trợ tư vấn giáo dục tâm lý cho học sinh.

Theo cô Điệp, cần xây dựng môi trường sống tích cực trong gia đình, nhà trường và xã hội cho học sinh, tạo điều kiện để họ thể hiện bản thân và phát triển tài năng. Gia đình và thầy cô cần có sự quan tâm đúng mức để giúp họ có khả năng thích ứng với những sự thay đổi trong cuộc sống.

Chương trình giáo dục cần giảm tải áp lực học tập và bổ sung các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ quan tâm đến tình nguyện, nghệ thuật, thể thao.

"Tất cả mọi người nên được đào tạo và nâng cao nhận thức về tâm lý học để có thể nhận ra các dấu hiệu của người bị bệnh tâm lý để truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức này cho những người khác.

Cần tăng cường đầu tư cho các dịch vụ tư vấn tâm lý học như tâm lý trị liệu, tham vấn và chăm sóc tâm lý. Các trường học cần cung cấp dịch vụ tâm lý học cho học sinh, bao gồm các phòng tham vấn cá nhân và nhất là các chương trình giáo dục tâm lý học để các em hiểu bản thân mình, kết nối với mọi người tốt hơn, xây dựng một tư duy tích cực lạc quan yêu thương mọi người xung quanh và tăng khả năng đương đầu với những thử thách trong cuộc sống.

Các trang mạng xã hội cần có các chính sách để ngăn chặn sự lạm dụng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Những nội dung có tính chất xấu, tiêu cực cần được kiểm duyệt để đảm bảo không ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của người dùng, đặc biệt là học sinh", ThS Trịnh Thị Điệp chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm