Bạn đọc viết:
Vì sao giáo viên thích dạy thêm ở ngoài trường?
(Dân trí) - Hiện nay ở không ít trường phổ thông đều tổ chức dạy thêm cho học sinh dưới hình thức dạy tăng tiết hoặc phụ đạo các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ, kể cả môn Văn.
Người thầy dạy thêm có tâm huyết với nghề và có lòng tự trọng, trong lớp học thêm họ giúp học trò bổ sung, củng cố và nâng cao kiến thức đã học, họ không dạy trước chương trình, không gợi ý hoặc không dùng điểm kiểm tra để “ép buộc” học sinh học thêm ở nhà riêng của họ, nhiều người trong số họ qua dạy thêm tay nghề được nâng cao, vừa có thu nhập thêm đáng kể, nhiều học sinh học thêm có kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia để tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.
Điều đáng nói và đáng trách là dù ở nhà trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày, có trường còn tổ chức cho thầy cô dạy thêm tại trường sau buổi học thứ hai trong ngày, nhưng vẫn có thầy lại dạy thêm ở ngoài trường mà phần lớn là ở nhà riêng của họ.
Ngoại trừ những thầy cô có tay nghề cao, học sinh mới tự tìm đến để học thêm; còn phần đông đi học thêm là học sinh từ lớp học chính khóa của họ và từ sự “gợi ý” của người thầy bằng nhiều cách trên lớp.
Trong lớp dạy thêm ở ngoài trường, phần lớn họ dạy trước chương trình, bởi lẽ nếu như đến lớp học thêm để được nhắc lại kiến thức đã học ở lớp thì có thể sẽ không có nhiều học sinh đi học thêm, còn nếu như phải giảng lại bài học hoặc làm bài tập có thể là do trong lớp họ “không có điều kiện” để thực hiện hết kiến thức cần truyền đạt; những bài tập ở lớp dạy thêm thường là những bài mà thầy sẽ cho kiểm tra, nếu không học thêm khi làm bài kiểm tra học sinh khó đạt điểm cao .
Họ dạy thêm như thế, không được sự cho phép và không có sự quản lý của Ban giám hiệu nhà trường, rõ ràng là dạy không đúng với Quy định về dạy thêm, học thêm, ban hành kèm theo Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đó là: “Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện và được gia đình đồng ý, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình và học sinh học thêm, không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường”.
Vì sao người thầy lại “thích” dạy thêm không đúng quy định như thế? Dù được học tập các văn bản của ngành GD&ĐT về dạy thêm - học thêm và họ cũng “sợ” Thanh tra của Sở GD&ĐT. Nhưng họ vẫn dạy, họ cho rằng, dạy thêm ở ngoài nhà trường, ngoài việc không bị gò bó trong “khuôn khổ” các quy định về chuyên môn của nhà trường (không phải thực hiện: các loại điểm kiểm tra, đủ các bước lên lớp và đủ hồ sơ sổ sách trong đó có giáo án…).
Họ còn được những tiện ích: không lệ thuộc vào thời gian của tiết dạy như ở trường; không sợ “cháy” giáo án; có thể cùng lúc dạy 2 lớp; còn được chọn học sinh để dạy (không nhận những học sinh yếu kém), lại được thu tiền học thêm của học sinh theo “thỏa thuận” (học phí có thể đóng trước theo khóa học hoặc thu theo từng buổi học), lại còn được hưởng trọn số tiền đó (dạy thêm trong trường chỉ hưởng 80% do phải nộp 20% cho nhà trường) và có thể không phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu không bị phát hiện; không phải đi lại, được thoải mái trong sinh hoạt cá nhân, còn người thân được làm “dịch vụ” phục vụ cho học sinh học thêm.
Họ vừa dạy thêm trong trường, rồi dạy thêm ở ngoài trường, thế nên không ít người trong số họ giàu lên từ việc dạy thêm; so với thầy cô các bộ môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ, Thể dục... chỉ sống bằng tiền lương.
Tổ chức dạy thêm không đúng quy định như thế, họ không thể không biết Thông tư số: 17 /2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Quy định về dạy thêm, học thêm, đó là: “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”; Quyết định số: 16/2008/QĐ- BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Quy định về đạo đức nhà giáo, ghi rõ: “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định"; Luật Giáo dục số: 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005 và Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, theo đó các hành vi nhà giáo không được làm: “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”.
Nhưng họ vẫn dạy, chỉ có điều họ quên, dạy thêm như thế là dạy thêm không đúng quy định, thì làm sao họ có thể giáo dục học trò được đức tính trung thực, một phẩm chất hàng đầu của nhân cách con người mà lẽ ra họ phải giáo dục tốt cho học sinh của mình.
Trần Vũ
(Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!