Bạn đọc viết:
Cần phải tuyên chiến với nạn dạy thêm, học thêm
(Dân trí) - Hãy thử đặt câu hỏi, trước đây trong điều kiện khó khăn, các thế hệ học sinh trước có ai học thêm đâu, có thầy cô nào dạy thêm đâu mà học trò vẫn cứ giỏi như thường, ngành Giáo dục đào tạo ra nhiều bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học tài năng đóng góp cho đất nước?
Và hãy nhìn ra thế giới, học sinh các nước như Nhật Bản, Hàn, Mỹ, Úc.. và đặc biệt như Malaysia, Thái Lan... có học thêm đâu, họ vẫn học tốt, đặc biệt là thành công khi ra trường, có hiệu quả cao trong công việc, thích ứng tốt với cuộc sống?
Sự học là tự giác tích cực, tư duy sáng tạo, tự lĩnh hội kiến thức, dưới sự giúp đỡ của giáo viên. Khi dạy thêm, các giáo viên thường bắt học sinh làm nhiều bài tập, làm lại các bài tập, lắp rắp công thức có sẵn, nhồi nhét kiến thức, tính tính toán toán, có thể làm tăng điểm số cho các em học sinh…Tuy nhiên, đó không phải là nỗ lực của các em mà có, mà đó là sự nhồi nhét kiến thức, bắt các em ghi nhớ máy móc, rập khuôn - điều này làm cho học sinh mệt mỏi, gây sự nhàm chán và triệt tiêu tính sáng tạo, tính chủ động của học sinh. Chính dạy thêm làm cho học sinh mất hứng thú khi học ở lớp, thiếu tính tự giác, thụ động, lười tư duy. Chúng ta cần đào tạo ra các thế hệ học sinh tích cực, tự giác, năng động, sáng tạo, có sức khoẻ, có thẩm mỹ và đạo đức tốt. Tôi tin rằng hầu hết phụ huynh đều mong muốn con mình sau thời gian học chính khóa ở trường, có thời gian tham gia hoạt động thể dục thể thao, hoạt động xã hội, tham gia các chương trình tình nguyện… hay thậm chí là giúp bố mẹ làm việc nhà.
Quay trở lại với vấn đề bùng phát tình trạng dạy thêm tràn lan, theo tôi đó chỉ là nhu cầu kiếm tiền của giáo viên. Các giáo viên dạy thêm lúc nào cũng viện dẫn lý do chương trình nặng, lương giáo viên thấp... Tại sao các môn khác như Giáo dục Công dân, Lịch sử Địa lý, Văn học..., các giáo viên vẫn dạy tốt, vẫn dạy đầy đủ chương trình, hăng say đam mê với công việc. Nói thật là giáo viên dạy thêm chỉ vì tiền…
Tại sao không dẹp được nạn dạy thêm? Là vì nó gắn bó lợi ích với giáo viên, ngoài ra hiệu trưởng các trường cũng thu được tiền, gọi tắt mỹ miều là tiền quản lý... Trưởng phòng, giám đốc các sở cũng thu được lợi ích, qua cái gọi là cấp giấy phép dạy thêm... Nói tóm lại họ kiếm chác được nên chả bao giờ họ cấm dạy thêm cả. Số tiền đó giáo viên dạy thêm tính tất tần tật vào đầu phụ huynh.
Cũng chính vì dạy thêm, nên giáo viên các môn dạy thêm, lên lớp thường dạy qua loa, học sinh không hiểu phải đi học thêm, đôi khi còn ép buộc…, còn giáo viên dưỡng sức để về nhà dạy thêm.
Nếu giáo viên nào muốn dạy thêm, xin rời khỏi biên chế, tránh tình trạng tay ngoài dài hơn tay trong, dạy trường thì nhác, dạy thêm thì siêng, nhân danh giáo viên để o ép, bắt buộc học sinh học thêm… Chính điều này làm giảm sút niềm tin của học sinh, phụ huynh, xã hội vào giáo viên. Tôi xin chắc rằng chỉ một bộ phận nhỏ giáo viên dạy thêm thôi, tuy nhiên mà đã làm xói mòn niềm tin của học sinh, của phụ huynh, của xã hội vào nền giáo dục Việt Nam. Tôi biết rằng có rất, rất nhiều giáo viên tâm huyết, tận tuỵ với nghề, tuy nhiên họ cũng bị vẫn đục bởi do các giáo viên dạy thêm.
Tuy nhiên, cần phải có chính sách tăng lương cho giáo viên, có chế độ đãi ngộ tốt, tạo môi trường công bằng cho giáo viên tất cả các môn trong nhà trường. Nếu ngân sách nhà nước hiện giờ chưa đáp ứng, thì cần phải có chính sách tăng học phí, vì phụ huynh phải đóng rất nhiều tiền cho học thêm, và việc đưa đón con quá mệt mỏi, quá nhiều hệ luỵ. Bên cạnh chính sách tăng học phí, phải xây dựng chính sách miễn giảm đối với các đối tượng khó khăn, hộ nghèo, học sinh tự lực học giỏi. Có như thế tâm lý của tất cả các giáo viên của tất cả các môn học có sự bình đẳng, họ sẽ có lòng nhiệt huyết, đam mê, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Thiết nghĩ, để dẹp được nạn dạy thêm, chúng ta phải làm đồng bộ, quyết liệt. Giáo viên biên chế nếu bị phát hiện dạy thêm cần phải kỷ luật, thậm chí đuổi việc. Hiệu trưởng, trưởng phòng để các giáo viên thuộc trách nhiêm của mình quản lý có tổ chức dạy thêm phải liên đới trách nhiệm. Phụ huynh, nhà trường, các tổ chức đoàn thể, xã hội và đặc biệt báo chí đều phải vào cuộc.
Kính thưa Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, lịch sử sẽ gọi tên ông, nếu ông xóa bỏ được nạn dạy thêm, học thêm, chấn hưng được nền giáo dục nước nhà!
Dương Văn Hậu
(Đà Nẵng)