Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:

Không thể giải quyết bài toán dạy thêm chỉ bằng biện pháp hành chính

(Dân trí) - Tại buổi họp báo quý III ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Giải quyết dạy thêm không chỉ bằng biện pháp hành chính mà phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc tuyên truyền để phụ huynh thay đổi quan điểm về giáo dục.

Thứ trưởng Hiển cũng thừa nhận vấn đề dạy thêm hiện nay đang khiến người dân rất bức xúc. Ngành Giáo dục cũng đã có rất nhiều văn bản, quy định về vấn đề này, nhất là cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, khi đa số học sinh học 2 buổi/ngày.

Trước vấn đề Dân trí nêu ra, mục đích của ngành là cấm dạy thêm học tràn lan, cấm các hành vi giáo viên dùng “thủ thuật” để bắt ép học sinh đi học thêm… Tuy nhiên thực tế hiện nay là có gia đình mong muốn cho con được đi học thêm để bồi dưỡng, nâng cao năng lực… Vậy việc cấm một cách cứng nhắc đối với bậc tiểu học có phải là tiền đề khiến giáo viên phải “lách luật” để phục vụ cho những phụ huynh có nhu cầu gửi con thực sự?

Chuyên viên của Bộ GD-ĐT xuống trực tiếp với học để trò chuyện, trao đổi với học sinh về tình trạng giao bài tập về nhà; dạy thêm, học thêm
Chuyên viên của Bộ GD-ĐT xuống trực tiếp với học để trò chuyện, trao đổi với học sinh về tình trạng giao bài tập về nhà; dạy thêm, học thêm

Bày tỏ rõ quan điểm của Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Đối với học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày thì không phải học thêm. Người dân cần nhận thức lại chất lượng giáo dục là thế nào? Học sinh không chỉ cần các môn Toán, Tiếng Việt điểm cao mà còn nhiều yếu tố khác, cần giáo dục toàn diện. Nếu chúng ta quan niệm như vậy thì nhu cầu dạy thêm sẽ ít đi.

“Theo quan điểm của tôi, ở bậc tiểu học nếu em nào có nhu cầu thì giáo viên nên gợi ý cho các em tự học ở nhà. Giáo dục không chỉ đến trường mà ở mọi lúc, mọi nơi, chơi cũng là học, học trong từng câu chuyện hàng ngày. Chẳng hạn, bà ngồi kể chuyện cho cháu nghe cũng là giáo dục. Nếu quan niệm thay đổi thì học thêm sẽ ít đi” – Thứ trưởng Hiển chia sẻ.

Làm rõ thêm về việc dạy thêm, học thêm hiện nay, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học bày tỏ: Nguyên nhân của việc dạy thêm hiện nay một phần do tâm lý phụ huynh luôn muốn con mình phải tiến nhanh hơn các bạn trong khi giáo viên cũng có các hình thức tác động vào.

“Việc Bộ ban hành Thông tư 30 về việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học là một giải pháp để tránh giáo viên dùng điểm số gây áp lực cho học sinh và phụ huynh, gián tiếp góp phần giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó các quy định về quản lý dạy thêm, học thêm đã có nhưng việc thực thi còn phụ thuộc vào công tác kiểm tra ở các cơ sở. Ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhưng không thể triệt để, trên diện rộng buộc chính quyền phải tham gia” – ông Định nói.

Liên quan đến vấn đề “lạm thu” đầu năm học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay: Trong thời gian qua có nhiều bậc phụ huynh đã trực tiếp gửi thư phản ánh về Bộ GD-ĐT về tình trạng “lạm thu” ở một số địa phương. Tiếp nhận những thông tin này Bộ GD-ĐT một phần chuyển thông tin cho địa phương xử lý, một phần trực tiếp Bộ đi kiểm tra. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các địa phương đã ban hành quy định về thu chi, nhưng hiện tượng này vẫn còn. Những nơi nào có “lạm thu” thì đều có kiểm tra và yêu cầu trả lại cho phụ huynh.

Ông Bùi Hồng Quang – Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết thêm: “Từ năm 2010 Bộ GD-ĐT liên tục có văn bản quy định, chấn chỉnh việc lạm thu. Hai năm gần đây đều nêu vấn đến này trong nhiệm vụ năm học nhưng sự quản lý của địa phương chưa sâu sát đặc biệt là khu vực thành phố. Thời gian tới Bộ sẽ phải rà soát, xem xét sửa đổi lại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh”.

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, năm nay việc lạm thu ở các địa phương giảm bớt hơn so với mọi năm. Đây là một tín hiệu khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn )