Vì sao 62 ngành Đại học được tuyển sinh trở lại?

(Dân trí) - Chỉ sau hơn 1 tháng ra quyết định cảnh báo 207 ngành Đại học có nguy cơ bị đình chỉ tuyển sinh năm 2014, Bộ GD-ĐT vừa “xóa án” cho 62 ngành. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc 62 ngành Đại học được tuyển sinh trở lại?

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đã có cuộc trao đổi dành riêng cho báo điện tử Dân trí xung quanh về vấn đề này

Thưa ông, trước hết xin cho biết việc Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh 207 ngành ĐH trước đây dựa trên cơ sở nào?

Ông Bùi Anh Tuấn: Quyết định dừng tuyển sinh các ngành đào tạo đại học công bố tháng 1/2014 của Bộ GDĐT là dựa trên Báo cáo rà soát các ngành đào tạo trình độ đại học của các cơ sở giáo dục đại học trong phạm vi cả nước. Căn cứ pháp lý là Điều 7 của Thông tư số 08/2011/TT- BGDĐT ngày 17/2/2011 Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và các quy định hiện hành khác như Luật Giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học.

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT).
Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT).

Về đội ngũ giảng viên, pháp luật quy định mở ngành đại học, nhà trường phải bảo đảm có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất một giảng viên có trình độ tiến sĩ và ba giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Với ngành đào tạo trình độ cao đẳng, điều kiện đội ngũ cũng phải bảo đảm có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Nếu trong quá trình đào tạo có biến động nhân sự, nhà trường chậm kiện toàn, bổ sung đội ngũ thì phải dừng tuyển sinh để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng trước khi tuyển sinh trở lại.

Chỉ sau hơn một tháng cảnh báo 207 ngành có nguy cơ bị đình chỉ tuyển sinh năm 2014 thì vừa qua Bộ đã cho phép một số ngành được tuyển sinh trở lại. Vậy lý do là gì, thưa ông? Còn nhiều ngành vẫn chưa được tuyển sinh lý do vì sao? Nếu tình trạng không được khắc phục thì Bộ xử lý như thế nào?

Ông Bùi Anh Tuấn: Vừa qua Bộ đã cho phép một số ngành được đào tạo trở lại, với những lý do chủ yếu sau: Nhà trường chủ động bố trí lại đội ngũ; Trường tuyển dụng được thêm giảng viên; Một số thầy cô giáo mới tốt nghiệp nhận bằng thạc sĩ, tiến sĩ; Một số trường đã rà soát lại cơ cấu ngành đào tạo, dừng một số ngành để tập trung cho những ngành là thế mạnh và đủ lực lượng của trường; Một số trường trước đây báo cáo không chính xác đội ngũ giảng viên ở một số ngành nay báo cáo giải trình lại.

Đối với ngành nghệ thuật, ngành ngôn ngữ nước ngoài cho phép áp dụng biện pháp linh hoạt, đặc thù để huy động đội ngũ giảng viên trong giai đoạn quá độ (huy động đội ngũ giảng viên chứ không phải hạ thấp điều kiện đảm bảo chất lượng).

Tất cả các báo cáo, giải trình đều phải có minh chứng cụ thể về từng giảng viên. Bộ không chấp nhận một giảng viên đăng ký cơ hữu ở nhiều trường.

Thực tế, hầu hết các trường có ngành bị dừng tuyển sinh đều có báo cáo giải trình nhưng Bộ mới chỉ chấp nhận những ngành nào đủ điều kiện, có minh chứng rõ ràng. Còn một số ngành vẫn chưa được tuyển sinh trở lại do các trường đã điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo, không tiếp tục kiện toàn để tuyển sinh trong giai đoạn này hoặc chưa có căn cứ chứng minh đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đã được quy định. Trong thời gian từ nay đến hết năm 2015, các trường vẫn tiếp tục kiện toàn đội ngũ, báo cáo để được xem xét tuyển sinh trở lại theo đúng yêu cầu.

Nếu đến hết năm 2015, trường nào không khắc phục được, Bộ sẽ kiên quyết thu hồi quyết định cho phép mở ngành đào tạo theo đúng quy định tại Điều 8, Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT. Năm 2012, Bộ GD-ĐT cũng đã thu hồi quyết định mở ngành đối với 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ.

Thưa ông, vừa qua có một số trường thừa nhận việc tổng hợp số liệu và chuẩn bị báo cáo không đúng với hướng dẫn của Bộ hoặc chưa cập nhật về số liệu; một số trường đã có báo cáo giải trình. Bộ GD-ĐT đã giải quyết cho các trường này thế nào?

Ông Bùi Anh Tuấn: Quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý nghiêm các trường chưa đảm bảo đủ những điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là về số lượng tối thiểu giảng viên cơ hữu nhưng vẫn tạo điều kiện cho các trường đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến dừng tuyển sinh. Ngay trong Công văn số 452/BGDĐT-GDĐH ngày 25/1/2014 về Thông báo kết quả rà soát của Bộ GD-ĐT cũng đã nêu rõ: “Chậm nhất đến ngày 31/12/2015, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của các ngành nêu trên được khắc phục, cơ sở đào tạo báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại”.

Chỉ cho phép các ngành tuyển sinh trở lại khi khắc phục được nguyên
Chỉ cho phép các ngành tuyển sinh trở lại khi khắc phục được nguyên nhân bị đình chỉ.

Những trường đã nộp báo cáo không chính xác về số liệu giảng viên hoặc đã kiện toàn đội ngũ đều phải báo cáo lại và kèm theo báo cáo là minh chứng hợp lệ đối với từng trường hợp bổ sung. Trên cơ sở báo cáo lần 2 của các trường, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét từng ngành cụ thể để cho phép tiếp tục tuyển sinh trở lại từ năm 2014.

Đối với các ngành được các cơ sở đào tạo và các Bộ, Ngành chủ quản đề nghị xem xét là đặc thù như các nhóm ngành thuộc khối nghệ thuật hoặc ngôn ngữ, Bộ đã có quan điểm và giải pháp cụ thể như thế nào? Liệu việc dừng tuyển sinh có phải là vô lý và Bộ có hạ thấp các điều kiện không?

Ông Bùi Anh Tuấn: Quan điểm của Bộ là nghiêm túc và kiên quyết trong vấn đề đảm bảo chất lượng, đặc biệt là việc phát triển đội ngũ giảng viên, không hạ thấp các điều kiện.

Đối với các ngành ngôn ngữ, theo đề nghị của một số trường và một số đại sứ quán của nước có ngôn ngữ được giảng dạy, Bộ GD-ĐT thừa nhận người nước ngoài (nước nói ngôn ngữ được giảng dạy), có minh chứng bằng hợp đồng lao động hoặc bằng quyết định cử giảng viên sang hỗ trợ của cơ quan hữu quan của nước đó... là giảng viên cơ hữu.

Đối với các ngành nghệ thuật, theo đề nghị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc xác định tính đặc thù trong việc tuyển sinh của các ngành nghệ thuật (thuộc mã ngành 5221) Bộ GD-ĐT đã có công văn số 831/BGDĐT-GDĐH ngày 26/2/2014 về việc cho phép áp dụng linh hoạt các điều kiện đặc thù của ngành để huy động giảng viên cơ hữu trong giai đoạn quá độ từ 2014 - 2017; cụ thể đối với các trường hợp sau: Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành đã nghỉ hưu, có ký hợp đồng dài hạn, làm việc toàn phần với cơ sở đào tạo (được áp dụng như đối với cơ sở đào tạo ngoài công lập); Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành, đang công tác ở cơ quan khác tham gia giảng dạy, có ý kiến của thủ trưởng cơ quan nơi đang làm việc về việc đồng ý và tạo điều kiện về thời gian cho tham gia giảng dạy được tính tối đa bằng 50% giảng viên cơ hữu (cơ sở đào tạo đảm bảo các điều kiện khác theo quy định đối với giảng viên thỉnh giảng);

Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ ngành gần có ít nhất 2 công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến ngành, chuyên ngành giảng dạy (cách xác định, tính điểm công trình khoa học theo cách tính và quy đổi của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành) và chỉ được tính là giảng viên cơ hữu trong một chuyên ngành đào tạo.

Tuy nhiên, giáo dục đại học khác đào tạo nghề là cần phải có giảng viên dẫn dắt đầu tàu về phương pháp luận, về học thuật để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật… có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo như mục tiêu đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học… và giảng viên có trình độ tiến sĩ chính là người đảm nhận vai trò này. Vì vậy, chúng ta không thể hạ thấp tiêu chuẩn, cũng không thể kéo dài mãi giai đoạn quá độ mà các trường cần phải có kế hoạch, lộ trình phù hợp phát triển đội ngũ giảng viên theo chuẩn đã được quy định để vươn lên, tự khẳng định và phát triển.

Vậy thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ có những giải pháp nào để quản lý và hỗ trợ các trường đại học vượt qua khó khăn hiện nay?

Ông Bùi Anh Tuấn: Việc Bộ yêu cầu các trường báo cáo để rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng cũng là một biện pháp để thường xuyên nhắc nhở các trường phải duy trì, đảm bảo và nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín, “thương hiệu” trong đào tạo. Vì vậy, việc dừng tuyển sinh tuy không tránh khỏi những thắc mắc nhưng là biện pháp cần thiết để chấn chỉnh chất lượng đào tạo đối với các cơ sở chưa đảm bảo, nâng cao uy tín, niềm tin đối với hệ thống giáo dục đại học nói chung.

Những ngành học cần thiết phải đào tạo nhưng do tính đặc thù mà chưa chuẩn bị được đội ngũ theo quy định chung thì Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ chủ quản xác định các điều kiện đặc thù, thời gian quá độ cần thiết áp dụng điều kiện đặc thù trước khi áp dụng đúng tiêu chuẩn chung… để tháo gỡ các khó khăn trước mắt.

Từ năm 2014, Bộ sẽ yêu cầu các trường đại học phải công bố công khai danh sách đội ngũ giảng viên để không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà cả xã hội cùng giám sát chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên nhằm siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng đào tạo của bậc học này.

Bộ GDĐT cũng đã và đang thực hiện đề án 911 đến năm 2020 gửi đi đào tạo tại nước ngoài 20.000 tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước. Từ năm 2013 tiếp tục thực hiện Quyết định 599/QĐ/TTg ngày 17/4/20113 về phê duyệt đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020 nhằm hỗ trợ cho các trường trong việc đào tạo bổ sung cho đội ngũ giảng viên đại học.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm