Vì áp lực, giáo viên “ép” trò thành... vẹt

(Dân trí) - Giáo viên hiểu rõ hơn ai hết về tệ hại của việc học thuộc lòng, học tủ. Vậy nhưng vì áp lực chỉ tiêu, thành tích, sĩ số học sinh cùng với cách đánh giá cũ..., nhiều giáo viên vẫn chọn cách ôn tập “học như vẹt” cho học trò.

Gọi là ôn tập nhưng thật ra cách ôn tập trước các kỳ thi học kỳ của học sinh, nhất là ở khối tiểu học noi đúng ra là... học thuộc lòng. Các môn khoa học xã hội, các em được giáo viên “khoanh vùng” ôn tập, yêu cầu về học thuộc một số bài học, nội dung rất cụ thể. Hay như môn Văn, học sinh còn được “giao” sẵn một số bài văn mẫu về đọc thuộc, luyện chép... để thi học kỳ.

Thế nên, dịp con ôn thi học kỳ, phụ huynh sẽ dễ dàng thấy con ngồi luyện bằng cách... cầm sách đọc thuộc làu làu, thậm chí đến từng dấu phẩy, dấu chấm.

Vì áp lực, giáo viên “ép” trò thành... vẹt - 1

Chị Phan Thanh Nhân có con học lớp 3 cho hay, trước kỳ thi, con chị chỉ học thuộc bài nhất định, vì không nắm được tổng thể, gặp câu hỏi mà chút tư duy là cháu ú vớ. Riêng môn tiếng Việt, cháu cầm về 5 bài văn mẫu đọc và chép đi chép lại để nhớ. Tìm hiểu chị mới biết, giáo viên không lấy những bài trong văn mẫu mà “cao tay” hơn, cô ra một số đề bài yêu cầu học sinh làm. Qua đó, chọn ra các bài hay của một số em để làm “đề cương học thuộc” cho từng nhóm trong lớp.

“Tôi nói cháu hãy làm theo cách của mình, gắn liền với mình nhưng cháu không chịu. Đối với việc học, nhất là kiểm tra, thi cử thì lời thầy cô nặng cả ngàn tấn, mẹ nói lại không nổi. Tôi thấy các cháu không phải đang làm văn mà là chép văn", chị Nhân nói và cho hay việc ôn luyện, thi cử nếu đúng như vậy thì quá mất thời gian, công sức chỉ để lấy những con điểm không thực chất mà các em còn có thể huyễn hoặc vào bản thân khi ai cũng... giỏi.

Giáo viên cho ôn bài theo đề cương, bài mẫu, học thuộc lòng... trong các kỳ thi, nhất là thi học kỳ. Giai đoạn trước kỳ thi, để các em thuộc bài, nắm bài, nhiều giáo viên liên tục bắt các em làm bài vào giờ ra chơi, sau giờ học cũng như giao bài về nhà. Việc ôn thi của học trò cũng vì thế mà trở nên căng thẳng, áp lực.

Một giáo viên tiểu học ở Củ Chi, TPHCM cho hay, thực chất kỳ thi cuối kỳ không quá áp lực, căng thẳng nhưng vấn đề ở chỉ tiêu thành tích nhà trường áp xuống cho lớp, giữa lớp này với lớp khác, giữa trường này với trường kia. Cộng thêm áp lực “con tôi phải giỏi” từ phụ huynh xuống giáo viên.

Những áp lực này của người thầy lại chỉ được giải quyết thông qua học sinh nên thành ra các em gánh hết. Rồi lớp đông, khó để phát huy năng lực từng em nên giáo viên học ôn theo kiểu “đồng phục”. Trước mắt là tốt cho tất cả còn hậu quả về sau thế nào thì là chuyện của tương lai.

Thầy N.L.Th., giáo viên Văn THCS ở TPHCM cho hay, giáo viên hiểu rõ hơn ai hết tai hại của việc học thuộc lòng nhưng vì áp lực chỉ tiêu từ trên xuống, nhiều người vẫn ép các em học hay bắt học sinh học thuộc luôn cả bài văn mẫu.

Thầy nói, khối lớp 9 mà thầy dạy nếu tỷ lệ đạt 85% học sinh trên Trung bình mà tỷ lệ 5 trường trong quận tính từ trường có tỷ lệ thấp nhất đến trường xếp thứ 5 đạt 90% thì thầy sẽ bị trừ điểm thi đua.

Trong các hội thảo về giáo dục, một hiệu trưởng ở TPHCM đã nhiều lần thốt lên rằng, nhiều giáo viên rất sáng tạo, thăng hoa trong dạy học nhưng họ chỉ dám thực phương pháp này như là “hoạt động phụ”. Còn để các em ứng phó được với các kỳ thi như hiện này thì thầy vẫn phải “gò” học sinh trong cách học, cách ôn.


Học sinh gánh rất nhiều áp lực trong thi cử vì chỉ tiêu, thành tích của... người lớn? (ảnh minh họa)

Học sinh gánh rất nhiều áp lực trong thi cử vì chỉ tiêu, thành tích của... người lớn? (ảnh minh họa)

Việc học thi của học trò nằm trong sợi dây chằng trói nhau, từ Sở xuống Phòng, Phòng đến các trường, các trường xuống giáo viên và giáo viên xuống học sinh. Tất cả cùng làm khổ nhau để cho ra bằng được kết quả chưa chắc đã thực chất.

Bất ổn lớn nhất hiện nay, theo nhiều giáo viên chính là phải thay đổi cách đánh giá. Chúng ta đang dựa vào kết quả bài thi để đánh giá giáo viên, học sinh nên dẫn đến tình trạng học vẹt, ôn mẫu. Giáo viên đang chọn cách học, cách ôn làm thui chột khả năng của trẻ nhưng lại đảm bảo sự “an toàn của học sinh” trong việc thi cử - đồng nghĩa với việc đảm bảo an toàn cho chính mình.

Việc đánh giá cần tập trung vào chính đứa trẻ, tạo động lực học tập, hứng thú thì câu hỏi trong đề thi cũng cần “nới” hơn, giáo viên đỡ bị áp lực và hơn hết kỳ vọng, chỉ tiêu về những điểm 9, điểm 10 phải ít đi.

Nói như một giáo viên, việc thi cử cần chấp nhận kết quả khách quan, người lớn phải kiên nhẫn hơn với sự tiến bộ của trẻ, đánh giá cao việc học thật - thi thật thì tỷ lệ học sinh giỏi sẽ giảm đi nhưng đổi lại, con người giỏi thật sẽ tăng lên.

Hoài Nam