Học trò tiểu học ôn thi học kỳ như... con vẹt
(Dân trí) - Học trò ở các bậc học đang ở giai đoạn “về đích” kỳ thi học kỳ 2. Nhiều em ôn luyện không ngơi nghỉ, học thuộc lòng như một con vẹt... để đạt kết quả tốt nhất.
Chở con học thêm tại nhà cô giáo, chị Trần Thị Vinh, có con học lớp 4 tại quận Bình Thạnh, TPHCM cho hay, chỉ còn hai môn nữa cháu sẽ kết thúc kỳ thi học kỳ 2. Lực học cháu tốt, các môn trước đều ổn, nếu sơ sẩy để một môn thi không đạt 10 điểm thì cháu sẽ bị rớt kết quả “hoàn thành xuất sắc” nên việc ôn thi cũng phải rất cẩn trọng.
“Các cháu trải qua các môn thi như Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin. Cũng xếp số phòng, số báo danh như thi đại học vậy. Trước đó, giáo viên cũng ôn cho các em rất kỹ lưỡng, giao nhiều bài về cho các em ôn tập”, chị Vinh nói.
Đưa bé nhỏ 4 tuổi xuống khi vui chơi của khu chung cư, anh Lê Đức Anh, ngụ ở Linh Đông, Thủ Đức cho biết cậu con trai học tiểu học vắng mặt vì gần tháng nay cháu phải “cai” các hoạt động giải trí vui chơi để tập trung ôn luyện thi cuối năm.
Theo anh Đức Anh, chương trình Toán ở tiểu học còn quá nhiều bài vở đánh đố, nâng cao mà đến người lớn cũng sợ; còn các môn xã hội thì nặng về học thuộc lòng, cô giao ôn bài thì các cháu cầm sách đọc thuộc bài đó. Thành ra các cháu phải tập trung ôn luyện rất nhiều nhưng hiểu bài chắc chẳng được là bao.
Anh Đức Anh nói thật tình, con anh trong nhóm học sinh giỏi của lớp, làm bài thi thường đạt điểm cao nhưng kiến thức rất lơ mơ, thậm chí khù khờ. Anh kể: “Có hôm cháu trả lời Campuchia là thủ đô của... Pháp lộn tùng phèo lên. Khi học Địa lí, Lịch sử cháu đọc trôi chảy như sách nhưng chỉ cần hỏi ngược lại là ú ớ ngay. Đôi khi tôi cũng tự hỏi tại sao con mình lại được đánh giá là học sinh giỏi”.
Cũng chung tình cảnh, mọi người cứ vui chơi, sinh hoạt... còn trẻ ôn luyện, chị Việt Hà, ở Tân Bình cho biết, buổi tối cả nhà quây quần ăn trái cây, ăn chè thì đứa cháu chị đang vật lộn nhồi nhét môn Lịch sử để chuẩn bị thi.
Không cho rằng việc học thi của trẻ nhỏ áp lực nhưng chị Hà băn khoăn với cách dạy, cách học còn quá nặng vì mục đích thi cử chứ chưa quan tâm đến việc phát triển năng lực bản thân.
“Ôn tập mà cô bảo học thuộc chỗ nào là các cháu học thuộc chỗ đó. Tôi đề nghị cháu tổng hợp bài học theo cách hiểu của mình, yêu cầu cháu đọc các bài trước để liên kết rồi tự đặt câu hỏi, câu trả lời. Cháu lắc đầu không chịu, nói chỉ cần học thuộc bài này, phần này theo chỉ dẫn của cô”, chị Hà bộc bạch và cho hay, các em học và ôn tập không khác nào một con vẹt.
Chị đưa ra ví dụ, cô giáo dặn học thuộc phần nhà Nguyễn cháu đọc vách vách không sót một dấu phẩy. Nhưng chỉ cần chị hỏi trước nhà Nguyễn là nhà nào thì anh chàng chịu hoặc trả lời bừa.
Theo chị Hà, đây là tình trạng chung của nhiều học sinh, dường như giáo viên cũng chỉ muốn học sinh thuộc chủ đề đã chuẩn bị sẵn để làm sao cho tốt. Còn các em hiểu sự kiện, lập luận, tư duy thế nào họ không mấy bận tâm nên học sinh có thể được đánh giá là giỏi, khá nhưng rất ngây ngô.
Từ khi bậc tiểu học thay đổi đánh giá từ điểm số sang đánh giá nhận xét đã ít nhiều giảm được áp lực điểm số trong năm học cho học sinh. Dường như áp lực về điểm số lại dồn hết vào cuối học kỳ nên giáo viên, học sinh vẫn phải “chạy đua” làm sao để điểm thi học kỳ tốt nhất.
Về kỳ thi học kỳ ở bậc tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM nhiều lần yêu cầu và nhắc nhở giáo viên không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh trước kỳ kiểm tra. Trong đó, xem việc kiểm tra là việc bình thường, nhẹ nhàng để nắm bắt tình hình học sinh chứ không vì áp lực và chạy đua thành tích điểm số. Trong quá trình ôn tập, Sở yêu cầu giáo viên không bắt học sinh học thuộc lòng bài tủ, không giao quá nhiều bài mẫu, làm quá nhiều bài tập…
Nhưng thực tế trên nói vậy, dưới làm khác, thầy trò vẫn chạy theo mục tiêu làm sao để các em đạt điểm thi cao nhất mà chưa chú trọng vào việc nắm bắt năng lực thật sự của các em. Đối với học sinh lớp 5 còn căng thẳng hơn nhiều khi điểm cuối năm học còn dùng để xét tuyển vào lớp 6.
Thi thế nào học thế ấy, cách thi cử, cách ra đề khuôn mẫu nên thầy trò vẫn ôn luyện theo cách... làm bài sẵn. Hầu hết giáo viên vẫn “gò” học sinh theo bài mẫu để vào thi các em chỉ việc chép lại sẽ dễ đạt điểm cao. Nhất là khi giáo viên gánh áp lực chỉ tiêu từ nhà trường, còn học sinh "đeo" kỳ vọng của cha mẹ.
Lê Đăng Đạt