“Vết chân tròn” trên bến sông
Sau vụ tai nạn giao thông khi chưa đầy 3 tuổi, cậu bé Lin Văn Liệu (sinh 1999) bị mất một chân. Từ đó, việc đi lại đối với cậu là cả một sự gắng gượng mệt mỏi, đau đớn. Điều đáng nói là tuy chỉ còn một chân, gia đình lại nghèo khó nhưng cậu bé người Khơ mú này vẫn bền bỉ trên hành trình đi tìm con chữ, đến với tri thức.
Chúng tôi tìm đến bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vào một ngày đầu năm học mới, khi các em nhỏ đang bước lên thuyền vượt sông để đến trường. Nhóm học sinh lên thuyền đợt đầu khoảng 7-8 em, trong đó có Lin Văn Liệu. Chiếc gậy tre thay chân đã mất, cậu bé di chuyển thoăn thoắt trên con đường từ bản ra bến thuyền. Nhưng bước lên thuyền là một việc khá khó khăn đối với cậu, bởi con thuyền này rất nhỏ, luôn chòng chành, lắc lư mỗi khi có lực tác động.
Theo bước chân Liệu, chúng tôi tìm đến Trường THCS bán trú Chiêu Lưu mong biết rõ hơn hoàn cảnh và sự nỗ lực của cậu bé này. Chờ buổi học kết thúc, Liệu bước về phòng trọ ở khu nội trú, chúng tôi tìm đến để chuyện trò. Hỏi về nguồn cơn của nỗi bất hạnh, cậu bé học sinh lớp 9B này trả lời: “Em không còn nhớ rõ, vì khi ấy em còn rất nhỏ. Bố mẹ nói lại là bị tai nạn ở cầu Khe Thoong, bị xe cán lên chân, phải cưa...”. Rồi Lin Văn Liệu kể về việc tập đi khi chỉ còn một chân. Lúc đầu, cậu phải bò. Lớn thêm tý nữa, thấy mọi người đều đứng thẳng, cậu quyết định gượng lên, không thể bò mãi được. Không thể kể hết những gian khổ, thậm chí là đau đớn khi tập đi bằng một chân còn lại. Không ít lần cậu đã té nhào giữa sàn nhà, rồi lại tiếp tục đứng lên đi tiếp.
Khi những đứa bạn cùng trang lứa được bố mẹ mua sắm sách vở, áo quần để vào lớp 1, Liệu cũng ước ao được như thế. Với bà con Khơ mú ở Lưu Tiến, kiếm đủ cái ăn hàng ngày là cả một mối lo, một nỗ lực lớn chứ chưa nói đến việc lo cho một đứa trẻ tật nguyền đến lớp. Cậu bé ấy đã khóc vì sự tủi thân, khóc vì bản thân mình phải gánh chịu bao nỗi thiệt thòi. Những giọt nước mắt của Liệu đã làm lay chuyển bố mẹ, người mẹ đã ôm lấy cậu mà khóc, còn bố thì lặng lẽ buông ánh nhìn về phía dãy núi xa xa. Ngày hôm sau, cậu được theo các bạn đến lớp.
Khác với 5 năm trước đó, lần này bố mẹ của Liệu không còn ngần ngại, băn khoăn khi quyết định để con trai tiếp tục học lên THCS. Chỉ có điều, giờ đây trường mới không đóng ở bản, mà phải lên thuyền vượt sông, rồi tiếp tục ngược hơn 5km lên trung tâm xã. Điều ấy có nghĩa là hành trình đi tìm con chữ của Lin Văn Liệu sẽ xa hơn và vất vả, cực nhọc hơn nhiều lần. Nếu khôn có sự trợ giúp của người khác, việc lên xuống thuyền sẽ là một nỗi gian nan, cơ cực đối với người tật nguyền như cậu.
Hằng ngày, Liệu đến trường bằng cách ngồi sau xe bạn hoặc em trai. Cậu bộc bạch: “Thằng Kìm em cháu người nhỏ, sức yếu. Những lúc ngồi sau xe, thấy nó phải rướn người để đạp lên dốc, cháu chỉ muốn nhảy xuống xe đi bộ về. Không hiểu vì sao nước mắt cứ trào ra...”. Một thời gian sau, thấy việc đi học của Liệu quá vất vả, cực nhọc, bố quyết định thuê một căn phòng gần trường cho cậu trọ học. Liệu bước vào lớp 8, trường được thực hiện chế độ bán trú cho học sinh ở xa. Liệu thuộc diện được ưu tiên theo chế độ bán trú, tức là có phòng ở và được nhà nước hỗ trợ tiền ăn. Chuyện thiếu gạo, thiếu tiền và chuyện đường xa, lên thuyền vượt sông không còn là nỗi lo ngại.
Chúng tôi lại xuôi về Lưu Tiến, tìm đến nhà vợ chồng anh Lin Văn Tuấn và chị Kha Thị Sanh- bố mẹ của Liệu. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ nằm ở cuối bản, anh Tuấn kể nhiều chuyện về đứa con trai tật nguyền với một niềm tự hào khôn xiết: “Nó là một thằng rất ham học, cho dù bị mất một chân, đường đến trường thì xa...”. Qua câu chuyện của anh, chúng tôi hiểu rõ hơn những khó khăn, vất vả của gia đình. Hiện tại, ngoài anh em Liệu, bố mẹ còn phải chăm nuôi phụng dưỡng ông bà nội đã già, ông nội 2 năm nay đau nằm liệt giường.