Về Tam Sơn nghe chuyện “Dòng họ học tập” Ngô Duy
(Dân trí) - Từ sâu trong tiềm thức của những người con dân trong dòng họ Ngô Duy, việc học đã trở thành một lệ ước dòng tộc thiêng liêng mà mỗi người đều phải cố gắng phấn đấu để thay đổi cuộc sống thuần nông.
Dòng họ Ngô Duy nguồn gốc là họ Bùi Đình ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông. Cách đây 160 năm, dòng họ Ngô Duy chuyển về sinh sống tại xã Tam Sơn và Văn Bán, huyện Cẩm Khê. Cho đến nay, hơn 8 đời của dòng họ đã sinh sống và gắn bó với mảnh đất này. Hiện nay cả dòng họ có 205 hộ với gần 1.018 nhân khẩu. Cả họ được chia làm 5 chi họ, có hội đồng gia tộc và ban liên lạc, có quy ước chung để hoạt động.
Từ lâu đời, con cháu dòng họ Ngô Duy đã có truyền thống hiếu học. Mọi thành viên trong họ đều được vận động cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước. Các lão làng của họ luôn vận động mọi thành viên chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương, thôn xóm với mong muốn luôn duy trì truyền thống tốt đẹp của dòng họ cho con cháu các thế hệ mai sau.
Sau khi có Chỉ thị 11 của Bộ chính trị về công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; dòng họ Ngô Duy đã là một trong những dòng họ đi đầu hưởng ứng phong trào này. Cả họ đã xây dựng quy ước cụ thể để động viên, khuyến khích con em cố gắng phấn đấu học tập để đạt được thành tích tốt.
Năm 2016, toàn họ có 92% số hộ gia đình trong dòng họ đăng ký phấn đấu gia đình học tập, có 80% số gia đình đăng ký được công nhận gia đình học tập.
Được sự định hướng của Hội khuyến học xã, mọi người trong họ đều xác định rất rõ ràng hướng phấn đấu thoát nghèo tận gốc đều xuất phát từ sự học, tức là lấy tri thức, nhận thức để thay đổi cách sống, cách làm việc qua đó thay đổi cả cuộc đời.
Nhờ có sự đồng lòng của cả họ từ trên xuống dưới, cùng với quyết tâm duy trì, gìn giữ truyền thống tốt đẹp lâu đời mà tính trong vòng 10 năm gần đây toàn họ có 205 con, cháu, chắt có bằng Đại học; có 4 con, cháu có bằng thạc sỹ và nhiều con cháu có các bằng Trung cấp, dạy nghề; đại đa số những người trong họ đều có việc làm với thu nhập ổn định, kinh tế phát triển, đời sống khá giả.
Dòng họ Ngô Duy là một trong những “dòng họ học tập” tiêu biểu trên địa bàn xã Tam Sơn nói riêng và huyện Cẩm Khê nói chung. Không những thế, đây còn là dòng họ đi đầu trong việc xác định đúng đắn hướng đi, cách thức đáp ứng với những yêu cầu hội nhập trong thời đại mới bằng việc học và khuyến học.
Theo ông Ngô Duy Tài – trưởng ban hội đồng gia tộc họ Ngô Duy chia sẻ để đạt được sự nhất trí, đồng lòng, ủng hộ cao trong toàn thể dòng họ đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài cho con, em trong họ thì điều quan trọng nhất là tuyên truyền cho con, em trong họ hiểu rõ được ý nghĩa thực sự của việc học.
Ông Tài cho biết: "Trong dòng họ, các thế hệ tiếp nối luôn được các thế hệ đi trước răn dạy rằng “học là để biết, để đối nhân xử thế, để làm người và làm việc”; tức là học trước hết là để rèn luyện nhân cách rồi sau mới là để nâng cao trí tuệ. Thêm vào đó, học quan trọng nhất là học thực chất, kể cả là học kiến thức hay là học nghề; vậy nên cần phải khắc phục suy nghĩ tư tưởng cho rằng học cốt để vào đại học mà học là để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống".
Để khích lệ, động viên các trường hợp con em trong họ có thành tích xuất sắc trong học tập, hàng năm dòng họ Ngô Duy đều lấy ngày 15/1 âm lịch – ngày giỗ Tổ họ làm ngày hội khuyến học để tổng kết năm học, tuyên dương và trao thưởng cho các con em để các em có thêm động lực tiếp tục cố gắng phấn đấu hơn nữa.
Để khuyến khích, thúc đẩy “sự học”, con em họ Ngô Duy cùng nhau đóng góp 40 triệu đồng vào quỹ của họ; số tiền quỹ sẽ được trích ra để khen thưởng cho con, em có thành tích học tập tốt, cho các hộ gia đình gặp khó khăn vay để phát triển kinh tế nhằm đảm bảo điều kiện cho con, em được học tập.
Nhờ phát huy tốt truyền thống hiếu học lâu đời cùng với phối hợp, làm theo các kế hoạch, chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền, Hội khuyến học xã mà phong trào học tập tại dòng họ Ngô Duy vẫn đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Từ sâu trong tiềm thức của những người con dân trong dòng họ, việc học đã trở thành một lệ ước dòng tộc thiêng liêng mà mỗi người đều phải cố gắng phấn đấu để thay đổi cuộc sống thuần nông, vươn lên trở thành những người con có ích cho xã hội.
Trà My – Thùy Phương