Bộ GD-ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam kí kết phối hợp xây dựng Xã hội học tập
(Dân trí) - Chiều 20/9, Lễ ký kết Chương trình phối hợp Hoạt động khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam giai đoạn 2017-2020 diễn ra tại Hà Nội.
Chương trình phối hợp công tác nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam trong việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu theo Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã được Chính phủ ban hành.
Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học Việt Nam trong việc liên kết, phối hợp, thúc đẩy các tổ chức, các lực lượng xã hội đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ chính trị (khóa X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”; Quyết định số 281/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ.
5 nội dung phối hợp công tác giai đoạn 2017 - 2020
Trong giai đoạn 2017 - 2020, hai cơ quan tăng cường phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả 5 nội dung. Gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; Xây dựng, kiểm tra, đánh giá, xếp loại các mô hình học tập; Phát triển hội viên và tổ chức Hội, nâng cao năng lực hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Đáng chú ý, nội dung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đặt ở vị trí hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về học tập.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đẩy mạnh tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các hội nghị, hội thảo; biên soạn và phát hành bản tin, các tài liệu về xây dựng xã hội học tập; hướng dẫn các địa phương tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, tổ chức ngày Sách Việt Nam hàng năm.
Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập thông qua hệ thống mạng lưới hội khuyến học các cấp, các trang web của Hội, Báo Khuyến học và Dân trí, Báo Dân trí điện tử và Bản tin khuyến học của các tỉnh, thành, hội.
Báo Dân trí tăng cường đưa tin tích cực về các hoạt động, sự kiện của Bộ GD&ĐT nói riêng, ngành Giáo dục nói chung để xã hội hiểu rõ về chỉ đạo, điều hành, hoạt động của Bộ GD&ĐT trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT; giới thiệu các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy, học và quản lý của ngành Giáo dục, qua đó tạo sự lan tỏa, khích lệ trong toàn ngành.
Hai cơ quan cũng sẽ bắt tay nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí “Thành phố học tập” và “Công dân học tập” ở Việt Nam; Nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá công nhận “Đơn vị học tập” dành riêng cho các trường đại học, cao đẳng; Tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Thông tư số 44 của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá, xếp loại "Cộng đồng học tập" cấp xã. Đồng thời, phối hợp trao đổi với Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thành lập Ban khuyến học tại các bộ, ban, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kiến nghị tăng quyền lực cho Vụ Giáo dục thường xuyên
Phát biểu ý kiến tại Lễ ký kết, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có mối quan hệ rất tốt trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ và mục tiêu của giáo dục chính quy cũng như không chính quy từ trước đến nay”.
GS.TS Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam hi vọng hai cơ quan sẽ phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ Chương trình kí kết.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Doan, đến nay, công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Hai cơ quan đã phối kết hợp tốt trong việc tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, phối hợp cùng nhau xây dựng các bộ tiêu chí, mô hình và chỉ đạo thực hiện các mô hình, bộ tiêu chí đó cũng như kiểm tra đánh giá thường xuyên. Phối hợp tổ chức tốt các các hội thảo, hội nghị về bình đẳng giới ở trung tâm giáo dục cộng đồng, người lớn học tập, tổ chức mạng lưới hội khuyến học…
“Chúng tôi hết sức cảm ơn Bộ GD&ĐT trong suốt thời gian qua đã phối hợp tốt với TƯ Hội Khuyến học Việt Nam để chỉ đạo và thực hiện thực hiện chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ. Để tham mưu cho Bộ trưởng, Vụ Giáo dục thường xuyên đã thường xuyên liên hệ với Hội khuyến học. Chúng tôi rất cảm ơn và hoan nghênh Bộ GD&ĐT vì sự nghiệp giáo dục đào tạo của cả nước đã quan tâm toàn diện các nội dung. Điều đó chứng tỏ đồng chí Bộ trưởng rất am hiểu và quan tâm thúc đẩy khuyến học khuyến tài, xã hội học tập”, GS.TS Nguyễn Thị Doan bày tỏ.
GS.TS Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị: “Vấn đề giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập và học tâp của người lớn vô cùng quan trọng. Do vậy nếu được, Bộ GD&ĐT có thể tăng quyền lực cho Vụ Giáo dục thường xuyên”.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, sắp tới có nhiều công việc trong văn bản kí kết cần thực hiện, đề nghị Bộ trưởng và Vụ giáo dục thường xuyên liên kết chặt chẽ hơn nữa với Hội Khuyến học Việt Nam để thực hiện hiệu quả mục tiêu, triển khai tốt chương trình phối hợp.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trân trọng cảm ơn Hội Khuyến học Việt Nam thời gian qua đã quan tâm tới giáo dục thường xuyên, thể hiện vai trò to lớn trong việc thúc đẩy phong trào học tập người lớn, phong trào gia đình, xã hội học tập, phong trào khuyến học, khuyến tài.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây Bộ và Hội Khuyến học sẽ có nhiều chương trình phối hợp hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn nữa.
Phát huy mối quan hệ hợp tác hiệu quả thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây giữa Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam sẽ còn nhiều chương trình phối hợp thiết thực và hiệu quả hơn nữa.
Trong đó, có việc Hội Khuyến học sẽ tham gia tư vấn sâu hơn cho Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực các vấn đề của giáo dục thường xuyên như rà soát mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng hiện nay để có giải pháp quy hoạch hiệu quả; xây dựng nội dung chương trình học tập cho các trung tâm để có được nội dung chương trình học tập tốt, chương trình liên thông phù hợp.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng về vai trò của giáo dục thường xuyên cũng như các kiến thức, kỹ năng nhằm tiến tới xóa mù chữ bền vững, đẩy mạnh, tạo điều kiện hơn nữa cho mọi người được quyền học tập, học tập suốt đời một cách bình đẳng.
Lệ Thu
Ảnh: Bá Hải