Vay tiền ăn học, sao phải xấu hổ?

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT có thể sẽ ghi rõ diện HSSV được vay vốn trên các văn bản để sau khi ra trường, các đơn vị tiếp nhận đôn đốc họ thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều sinh viên.

Lý giải về sự “ngại” này, một sinh viên ĐH Xây dựng cho biết: “Thường, mỗi sinh viên khi tốt nghiệp, dù nghèo đến mấy cũng phải chuẩn bị cho mình một bộ dạng bảnh bao, chỉn chu để tham dự các cuộc phỏng vấn tìm việc. Thế mà phải chìa ra mảnh bằng có ghi “còn đang nợ” thì... mất điểm quá!”

 

Ý kiến của một sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì cho rằng: “Chuyện cho vay là của ngân hàng, thì chuyện đòi nợ cũng phải là việc của ngân hàng. Ngành giáo dục không cần phải can thiệp như thế làm gì. Ai lại biến bằng cấp của HSSV thành biên lai ghi nợ!”

 

Từ khi có Chỉ thị 21 của Chính phủ, số lượng sinh viên vay vốn để học tập tăng vọt. Chỉ riêng 3 tháng vừa qua, đã có hơn 500 nghìn HSSV nghèo được vay vốn với tổng số tiền là hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu không có biện pháp thu hồi thì sẽ lại tạo một “lỗ hổng” mới cho ngân sách và chồng thêm khó khăn trong hoạt động của hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội.

 

Theo thống kê của Ngân hàng chính sách Trung ương, từ năm 2003 đến tháng 7/2007, có 144.335 HSSV vay vốn, nhưng mới chỉ 47.191 người trả được nợ và tổng số dư nợ là 297 tỷ đồng.

 

Có một thực tế là, nhiều SV ra trường đã không có ý thức trả nợ vì cho rằng đó là tiền chung, tiền của Nhà nước. Để “đòi nợ”, Ngân hàng đã liên hệ đến tận gia đình theo địa chỉ mà SV cung cấp nhưng rất nhiều địa chỉ đã thay đổi, hoặc có địa chỉ gia đình nhưng họ từ chối trách nhiệm thanh toán khoản nợ vay.

 

Hiện nay, khi mức mỗi SV được vay lên đến 800 nghìn/ tháng thì số tiền mà SV sẽ phải trả sau khi tốt nghiệp sẽ lên đến 40 triệu đồng, cộng với chính sách cho vay mới “cởi mở” hơn thì khả năng “quỵt nợ” là điều càng dễ xảy ra hơn.

 

Từ trước đến nay, đối với vốn vay tín dụng đào tạo chưa có biện pháp nào để ràng buộc chặt chẽ người vay thực hiện trách nhiệm trả nợ. Khi mở rộng chính sách cho vay tín dụng với cơ chế thông thoáng hơn, lãi suất ưu đãi hơn, Nhà nước đã phải tăng đầu tư cho tín dụng đào tạo lên tới hàng ngàn tỉ đồng... Vì vậy, việc Nhà nước phải có biện pháp để quản lý, bảo vệ duy trì nguồn vốn, tiếp tục tạo cơ hội cho những thế hệ sau là một việc không thể không làm.

 

Theo lý giải của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để thực hiện công việc này thì có rất nhiều hình thức phong phú. Cách kèm theo bảng điểm, hồ sơ của SV đó một văn bản chứng nhận hay xác nhận SV đó đã vay vốn tín dụng ưu đãi, thời gian cần hoàn trả… là một cách để thể hiện được SV là đối tượng có vay vốn và có căn cứ để người sử dụng lao động cùng phối hợp với nhà nước thu hồi vốn vay là một trong những cách đang được nghiên cứu và xem xét.

 

Ông Nhân chia sẻ: “Đứng từ góc độ quản lý, Nhà nước đem tiền cho SV vay, tất nhiên tin cậy các em sẽ trả lại như cam kết. Nhưng, Nhà nước cũng phải có công cụ quản lý và chế tài. Bản thân người vay cũng nên thấy rõ trách nhiệm có vay có trả, có trách nhiệm với chính sách ưu đãi của Nhà nước để các thế hệ sau có cơ hội được đi học như mình.

 

Khi vay tiền, các em cùng với gia đình cũng tự nguyện cam kết sẽ trả nợ. Lòng tự trọng phải thể hiện ở việc các em có quyết tâm học tập, làm việc và trả nợ hay không chứ không phải ở việc giấu giếm mình đã vay tín dụng học tập. Vay tiền, mà vay của Nhà nước để ăn học, tại sao lại là một việc đáng xấu hổ?”

 

Mai Minh