Uỷ ban Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT xem lại việc cấp bằng cử nhân thay kỹ sư
(Dân trí) - Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT báo cáo về việc cấp bằng tốt nghiệp của các chương trình đào tạo kỹ sư.
Văn bản này nêu rõ, qua giám sát việc triển khai thực hiện luật Giáo dục ĐH, Thường trực Ủy ban nhận được phản ánh, kiến nghị của một số cơ sở giáo dục ĐH về việc cấp bằng kỹ sư đối với các khóa học đã tuyển sinh trước khi luật số 34 (luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
Theo đó, hiện một số cơ sở giáo dục ĐH băn khoăn về Thông tư 27/2019 của Bộ quy định nội dung ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục ĐH chưa rõ.
Có cơ sở giáo dục ĐH nhận được chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT: Từ ngày 1/3/2020 cấp bằng cử nhân cho người tốt nghiệp các chương trình đào tạo trình độ ĐH có khối lượng học tập dưới 150 tín chỉ (áp dụng chung cho tất cả các chương trình đào tạo kỹ sư, kể cả các chương trình đào tạo đã tuyển sinh trước ngày luật số 34, Nghị định 99 có hiệu lực thi hành).
Thường trực Ủy ban nhận thấy, Luật số 34 có quy định về hệ thống văn bằng giáo dục ĐH gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương; Giao trách nhiệm cho Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục ĐH, quy định văn bằng, chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù và không có quy định chuyển tiếp hoặc hồi tố về nội dung này.
Do vậy, nội dung văn bản hướng dẫn thi hành cũng như văn bản chỉ đạo điều hành của cơ quan có thẩm quyền cũng không được vi phạm vào nguyên tắc không hồi tố.
Nhưng cũng theo văn bản này, Điều 152 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Chỉ trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.
Đồng thời, luật cũng nghiêm cấm việc quy định hiệu lực trở về trước với các trường hợp: quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý; quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.
Vì vậy, đối với trường hợp cơ sở giáo dục ĐH đã thực hiện tuyển sinh và đào tạo các trình giáo dục ĐH theo chương trình đào tạo cũ trước khi luật số 34 có hiệu lực thi hành thì vẫn được tiếp tục thực hiện đào tạo, cấp văn bằng tốt nghiệp theo quy định cũ. Các trường hợp tuyển sinh, tổ chức đào tạo sau ngày luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 phải thực hiện theo quy định mới.
Trong văn bản này, Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ GD-ĐT có văn bản báo cáo gửi về Ủy ban, trong đó thể hiện rõ quan điểm của Bộ về nội dung này. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể và thống nhất trong toàn hệ thống về việc cấp bằng trình độ tương đương và nội dung chính ghi trên văn bằng tốt nghiệp các trình độ đào tạo chuyên sâu, đặc thù, trình độ tương đương đối với các trường hợp đã tuyển sinh và đào tạo trước thời điểm luật số 34 có hiệu lực thi hành, đảm bảo đúng quy định pháp luật và quyền lợi sinh viên.
Theo một vị là trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH tại TPHCM chia sẻ cho đến nay trường này đã hoàn tất việc xét tốt nghiệp nhưng vẫn chưa biết cấp bằng kỹ sư hay cử nhân cho sinh viên. Vị này cho biết, nếu cấp bằng cử nhân sẽ rất thiệt thòi cho sinh viên bởi chương trình đào tạo kỹ sư của trường từ khóa 2014 là 142 tín chỉ, tuy chưa đủ 150 tín chỉ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với chương trình cử nhân 120 tín chỉ.
Một cán bộ làm công tác đào tạo ở một trường ĐH chuyên đào tạo về kỹ thuật cũng cho rằng “trước đây khi tuyển sinh chúng tôi cam kết cấp bằng kỹ sư với nhiều ngành kỹ thuật, giờ cấp bằng cử nhân sinh viên sẽ không đồng ý. Đó là điều không thỏa đáng với sinh viên khối kỹ thuật bởi tốt nghiệp CĐ cũng được cấp bằng cử nhân”.