Hà Tĩnh:
Ước mơ nhỏ bé của “người mẹ hiền” 20 năm cắm bản trồng người
(Dân trí) - Có thừa nhiệt huyết, niềm thương với lũ trẻ người Chứt ở bản Rào Tre, nên trước những thiếu thốn của lũ trẻ dân tộc Chứt, nhiều lúc cô giáo Hoàng Thị Hương đã lặng thầm bật khóc. Có những ước muốn nhỏ bé, giản dị của cô nếu thành sự thật sẽ có thể giúp những đứa trẻ nơi bản nghèo thêm tiếng cười…
Quên cả bệnh tật vì các em
Từng đi qua bao nhiêu ngôi trường ở mảnh đất miền Trung “chảo lửa, túi mưa”, đã gặp gỡ, chứng kiến nhiều cô giáo vượt lên số phận, khó khăn trong hành trình gieo chữ, nhưng có lẽ cô giáo Hương là một trong những người để lại trong tôi và nhiều đồng nghiệp những rung cảm, xúc động đặc biệt. Chỉ mỗi chuyện chiến thắng bệnh tật để tiếp tục đến với lũ trẻ người dân tộc Chứt của cô Hương cũng đã lấy đi nước mắt của bao người.
Nhìn bên ngoài là người phốp pháp, khỏe mạnh, nhưng cô Hương lại đang phải vật lộn với chứng bệnh ung thư tuyến giáp. Làm cô nuôi ở một lớp học mầm non bình thường đã vất vả, nhiệm vụ của cô Hương ở một lớp học gộp các cháu từ 2 - 4 tuổi con em dân tộc nhiều bỡ ngỡ lại càng nặng nề, vất vả hơn. Để lớp học ổn định là chuyện không hề đơn giản. Cô phải nói, nói rất nhiều. Giọng cô đã khàn đi với lũ trẻ.
Cách đây vài năm, giọng nói của cô Hương đã khàn hơn, kèm triệu chứng ho nhiều, nuốt khó. Người mẹ của bao đứa trẻ ở bản nghèo không biết rằng, những triệu chứng ấy là chứng bệnh ung thư tuyến giáp, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
20 năm cắm bản, khí hậu, đi lại khó khăn, công việc nặng nề, nhưng chưa một lần ngã xuống vì bệnh tật, nên cô Hương nghĩ những triệu chứng ấy chỉ cần điều chỉnh các hoạt động ở lớp sẽ khỏi. Mỗi ngày trôi qua cô lại lặng thầm với công việc của 20 năm qua. Sáng sớm cô ngược bản đến từng nhà đón lũ trẻ. Tới lớp cô lại hăng, say rộn ràng tiếng ca với chúng. Rồi khi mặt trời sắp khuất sau đỉnh núi, cô lại chở, đưa các em về với gia đình.
Có lần vì ho nhiều, cô Hương xin phép nghỉ dạy ít hôm để đi khám bệnh. Nhưng rồi cứ nghĩ đến việc đã thành quen của lũ trẻ “không cô Hương, không đến lớp”, nghĩ đến cảnh chúng ở nhà lăn lê với con suối, núi đồi là cô Hương lại thôi ý nghĩ xuống phố.
“Nhiều hôm buổi tối thấy cô xin phép nghỉ dạy để xuống phố, nhưng đến sáng lại thấy gọi điện báo không đi nữa. Cô bảo em khỏe, mà đi rồi các cháu lại nghỉ học, lại mất cái nếp đã đến lớp lâu nay thì rất tội. Vậy là cô lại lên lớp với các cháu” - cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên cho biết.
Cô giáo Hoàng Thị Hương bên "đàn con thơ".
Cứ như thế cho đến một ngày cách đây mấy tháng, tranh thủ nghỉ hè cô Hương mới có dịp xuống thành phố để khám bệnh. Rồi cô được chẩn đoán ung thư tuyến giáp.
Ngày biết chứng bệnh của cô Hương, bà con dân bản, các cô giáo ở Trường Mầm non Hương Liên, chính quyền xã Hương Liên, Phòng Giáo dục huyện Hương Khê rất buồn. Bao năm cô Hương bám bản gieo chữ, gieo niềm thương cho lũ trẻ người Chứt cô và người chồng là giáo viên tiểu học chưa tích góp được gì, lại phải nuôi thêm con ăn học. Vậy là các cô trong trường đã quyên góp chút ít hỗ trợ người mẹ của con trẻ của bản Rào Tre ra bệnh viện K (Hà Nội) điều trị.
Một ngày ở lại với lớp học của cô Hương, tôi cảm nhận được tình yêu mà cô dành cho lũ trẻ người Chứt là lớn như thế nào.
Ngày rời bản, cô Hương đã khiến đồng nghiệp và những người lính biên phòng cảm động với câu nói: “Lần này em phải quyết tâm đi điều trị, đi để còn kịp về khai giảng năm học mới với các cháu”.
Trời thương, ca mỗ u tuyến giáp thành công. Đầu năm học rồi, dẫu chưa khỏe hẳn, cô Hương vẫn xin trở lại với lớp học. Những đứa trẻ của bà con bản Rào Tre không biết rằng, người mẹ đang ngày ngày vui đùa với chúng hiện vẫn đang phải định kỳ đến viện vì bệnh tật chưa khỏi hẳn.
Ước vọng bé nhỏ của cô Hương
Một ngày ở lại với điểm trường mầm non ở bản Rào Tre, tôi thật ái ngại trước những thiếu thốn, thiệt thòi của những đứa trẻ ở đây khi cơ sở vật chất quá thiếu thốn. Học sinh học ở bản đã hình thành hàng chục năm nay nhưng lớp học vẫn phái tạm bợ ở hội quán chật chội đã xuống cấp trầm trọng. Đã thế ngôi nhà lại còn nhiều không, trong đó có “hai không” có thể được xếp vào loại đặc biệt: không công trình phụ (nhà vệ sinh) và không có sân chơi cho trẻ nhỏ.
“Thiếu gì cũng được, nhưng thiếu công trình phụ thì khổ cho giáo viên nuôi dạy các cháu vô cùng. Có những chuyện tế nhị và tội lắm anh ạ” - cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoa rầu lòng nói với tôi.
Nỗi vất vả của cô giáo phụ trách điểm trường mà cô Hoa nói tôi đã được tận mắt chứng kiến, ghi lại. Ấy là mỗi lần các cháu học ở điểm trường thiếu thốn này đau bụng, đi tiểu, cô Hương phải bố trí những cái bô bằng nhựa. Các cháu đi vệ sinh xong, cô Hương lại phải xách từng bô xếp ở phía sau. Tan học, chở các cháu về nhà, cô Hương lại phải quay trở lại lớp đánh xe đưa đi đổ.
Điểm trường không có công trình phụ, cô Hương phải xách từng bô các cháu đi vệ sinh đi đổ.
Đấy là ngày nắng, còn những ngày mưa gió, như cô Hương nói, việc thiếu công trình phụ là cả một nỗi gian truân của cô và trò. “Các cháu thì có bô còn đỡ, còn các cô và ai đến thăm khi có việc thì chỉ còn biết… chịu thôi!” - cô Hoa nói một cách đầy ái ngại.
Điều không đặc biệt thứ hai là điểm trường của các cháu không có sân chơi. Đây là thiệt thòi mà cô Hương nói rằng, đã nhiều lần cô bật khóc vì thương các em nhỏ nơi đây.
Mấy chục phút vui cùng các cháu nhỏ nơi lớp học thiếu thốn, thật buồn cho các em, gần 20 cháu nhỏ chỉ có thể nô đùa trong căn phòng bé nhỏ khoảng hơn 20m2. Sân trước nhà hội quán làm điểm học của các em bé xíu, lại không có mái che. Những hôm trời râm mát, cô Hương có thể cho các em ra ngoài cái sân bé xíu để chơi đùa. Còn lại nắng nóng, mưa gió thì cô trò cùng phải tá túc, vui đùa trong căn phòng bé nhỏ.
“Mới rồi thương các các cháu nhỏ quá thiếu thốn có đơn vị lên thăm đã quyên góp, vận động giúp đỡ cho các cháu một số đồ chơi bằng cầu trượt, bấp bệnh. Tấm lòng của các đơn vị, cá nhân ở miền xuôi mang lên chúng tôi và bà con cảm động lắm, nhưng thiếu mặt bằng, thiếu mái che nên thiệt thòi cho các cháu rất nhiều” - cô Hương chỉ tay vào những đồ chơi đặt giữa trời chạnh lòng nói.
Cũng vì thiệt thòi ấy của lũ trẻ, hiểu được khó khăn của một địa phương còn quá khó khăn như xã biên giới Hương Liên, mà cô Hương không có những ước vọng bé nhỏ, thậm chí cô nói rằng ước vọng ấy nếu đạt được còn lớn hơn, còn quý hơn những phần thưởng cá nhân mà Bộ GD&ĐT, tỉnh Hà Tĩnh dành cho cô.
“Đã chọn lên với con em của bản thì tôi không có nguyện vòng gì cho bản thân, hạnh phúc, niềm vui lớn nhất của tôi là thấy các cháu được đến lớp, được nở nụ cười, được biết con chữ. Bởi vậy, tôi ước cho các cháu có được một công trình phụ đủ để các cháu thuận tiện hơn, sạch sẽ hơn khi ở trên lớp học. Tôi ước cho các cháu có được cái mái che, cái sân chơi để các cháu có chỗ vui đùa, để các cháu quên đi hốc đá, con suối kia, để lớp học luôn rộn ràng tiếng cười của trẻ” - giọng cô Hương đượm buồn khi nói về những ước vọng bé nhỏ.
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với cô giáo Hoàng Thị Hương, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại: 0972 219 757, số tài khoản: 3707215022610, chủ tài khoản: Hoàng Thị Hương, ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) chi nhánh Hương Khê, Hà Tĩnh.
Văn Dũng