Ước mơ của 2 nữ sinh ưu tú người thiểu số ở miền Tây Khánh Hòa

(Dân trí) - Mang theo hoài bão khác nhau nhưng hai nữ sinh người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh, thuộc miền Tây tỉnh Khánh Hòa đều có mong muốn được đem kiến thức, kỹ năng phục vụ cho bản làng, quê hương…


Em Đồng Thị Hương Lan, học sinh lớp 12A, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Khánh Hòa.

Em Đồng Thị Hương Lan, học sinh lớp 12A, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Khánh Hòa.

Nữ sinh người Tày và khát khao cống hiến cho buôn làng

Đó là ước mơ của em Đồng Thị Hương Lan, học sinh lớp 12A, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Khánh Hòa. Năm học lớp 11, em Lan là học sinh giỏi toàn diện. Điều đặc biệt ở nữ sinh người dân tộc Tày là rất yêu thích môn Sinh học và nằm trong đội học sinh giỏi của trường. Cô học trò trường nội trú chia sẻ, lý do yêu thích môn Sinh là do môn này có nhiều kiến thức liên quan đến thực tế, cuộc sống và ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Nói về “bí quyết” học môn Sinh, em chia sẻ: “Muốn học được môn Sinh phải nắm chắc kiến thức, không học vẹt vì học vẹt sẽ nhanh quên và không làm được các bài tập khó. Ngoài ra, em cũng mượn sách thư viện để học các phương pháp giải nhanh nhằm rút ngắn thời gian làm bài”.

Vì yêu thích môn Sinh nên Lan chia sẻ, sắp tới thi đại học sẽ chọn thi khối B, gồm các môn Toán, Hóa và Sinh. Là học sinh dân tộc thiểu số, Lan cho biết không có điều kiện mua những cuốn sách đắt tiền ở bên ngoài hay luyện thi ở các trung tâm mà lấy tinh thần “tự học là chính”. Hiện nay sắp thi đại học, em đang tự ôn luyện ở một số trang mạng có uy tín.

Chia sẻ về ước mơ, nữ sinh quê ở thôn Giồng Cạo, xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) thổ lộ: “Bố mẹ em cũng hay đau ốm và mỗi lần như thế, em thấy rất thương. Em muốn làm bác sỹ để sau này có thể chữa bệnh cho nhiều người, trong đó có bố mẹ và người dân nơi em sinh ra”.

Em Lan (bìa trái) trong một tiết học ở trên lớp
Em Lan (bìa trái) trong một tiết học ở trên lớp

Nữ sinh Raglai lấy thơ Xuân Diệu làm “cảm hứng sống”

Em Cao Diễm Diễm, học sinh lớp 11A, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Khánh Hòa tâm sự rằng, nhiều bài thơ của thi sĩ Xuân Diệu, trong đó bài “Vội vàng” đã làm cho em cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống, trân trọng nhưng gì mình đang có để nỗ lực trong học tập. Năm lớp 10 và học kỳ I lớp 11, em là học sinh giỏi toàn diện, một điều hiếm hoi với học sinh người Raglai.

Được nuôi dưỡng và lớn lên bằng những lời ca, vần thơ cách mạng bên nhà rông, nhà cộng đồng… ở thôn Đa Râm (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh) nên thuở bé Diễm đã sớm tiếp xúc với thơ ca. Lên phổ thông, em được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn của trường.

“Trong thơ ca đã được học thì có lẽ em thích nhất là bài thơ Vội vàng vì nhiều lý do khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là bài thơ đã làm cho em cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn”, nữ sinh người Raglai chia sẻ.

Em Cao Diễm Diễm, nữ sinh người đồng bào Raglai
Em Cao Diễm Diễm, nữ sinh người đồng bào Raglai

Mặc dù được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi Văn, nhưng Diễm lại cho biết, ước mơ sau này của em là trở thành một cô giáo dạy Toán.

“Bố em là giáo viên nên em sẽ tiếp bước bố! Em thấy mình cần làm giáo viên để truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ trong thôn bản của mình. Điều đó rất cần thiết vì bản làng nơi em sinh ra, các em còn thiếu nhiều kiến thức”, Diễm bộc bạch. “Đi thi môn Văn nhưng em vẫn rất thích môn Toán! Mỗi khi giải được toán thì em mừng lắm, cảm giác rất thú vị và cứ thích tìm giải những bài toán khác”, em nói thêm.

Không chỉ học giỏi, nữ sinh người Raglai còn được biết đến là một MC có tiếng ở trường. Làm MC là một trong những thế mạnh của Diễm ở các hội thi văn nghệ, bắt đầu từ năm em học lớp 7. “Là người đồng bào thiểu số nên em tự nhủ là luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng. Bác Mấu Văn Phi, Phó Chủ tịch huyện Khánh Vĩnh hiện nay, luôn là tấm gương của em. Bác ấy quê cùng xã với em, từ nhỏ gia đình bác ấy rất khó khăn nhưng bác ấy đã học hành và trở thành như hôm nay. Em hâm mộ bác ấy lắm…”, nữ sinh người Raglai xúc động.

Ông Lê Thanh Cát, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hàng năm nhà trường tuyển khoảng 70 em học sinh đến từ các dân tộc thiểu số như: Êđê, Raglai, Tày, Nùng, Mường… trong đó có 2/3 là người đồng bào Raglai, một dân tộc bản địa ở Khánh Hòa.

“Hai em Lan và Diễm là học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu của nhà trường cũng như của tỉnh. Kết quả học tập, rèn luyện của các em rất tốt, là tấm gương cho các học sinh khác noi theo”, ông Cát chia sẻ.

Thủy Nguyên