Ứng viên giáo sư mới 25 tuổi?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Danh sách công khai ứng viên giáo sư, phó giáo sư được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh năm 2023 có một ứng viên giáo sư sinh năm 1998.

Ứng viên giáo sư mới 25 tuổi? 

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 695 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Đáng chú ý, tại ngành luật học, có ứng viên Vũ Công Giao (sinh ngày 5/5/1998, quê quán Từ Sơn, Bắc Ninh), làm việc tại Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ứng viên giáo sư mới 25 tuổi? - 1

Danh sách ứng viên đề nghị công nhận giáo sư ngành luật có 2 người (Ảnh chụp màn hình).

Xem chi tiết danh sách các ứng viên TẠI ĐÂY.

Thông tin trên ngay lập tức được chú ý bởi nếu chính xác, ứng viên giáo sư năm nay mới chỉ 25 tuổi.

Tuy nhiên, đây chỉ là một... lỗi đánh máy, bởi hồ sơ chi tiết của ứng viên này được đính kèm theo thể hiện năm sinh 1968. 

Đó là ứng viên Vũ Công Giao đã được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2015. Ông Giao hiện là giảng viên cao cấp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người - Quyền công dân thuộc Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trước đó ông từng đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn/Khoa Luật Hiến pháp và Luật Hành chính.

Năm 2023, có tổng số 695 ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Số lượng này tăng gần 250 người so với năm ngoái và cao nhất trong 5 năm qua. 

Ứng viên trẻ nhất trong danh sách đề nghị xét công nhận chức danh giáo sư sinh năm 1984, phó giáo sư sinh năm 1990.

Ứng viên giáo sư mới 25 tuổi? - 2

Số lượng ứng viên đề nghị xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 tăng đột biến (Biểu đồ: Huyên Nguyễn).

2019 là năm đầu tiên việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo hướng nâng chuẩn (Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Do vậy, những năm đầu tiên số lượng hồ sơ khá ít do không đạt chuẩn.

Một vài năm gần đây, số lượng hồ sơ đăng ký công nhận đã tăng dần qua từng năm. 

Theo quy trình công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, các đại học thành lập Hội đồng cơ sở để xét duyệt hồ sơ. Sau khi thông qua danh sách ứng viên đủ điều kiện, Hội đồng cơ sở gửi kết quả lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Danh sách này sau đó được giao cho Hội đồng ngành, liên ngành thẩm định và loại những người không đạt. Bước tiếp theo, Hội đồng Giáo sư Nhà nước xem xét và thông qua danh sách đạt tiêu chuẩn, thường công bố vào tháng 11, 12 hàng năm.

Nhiệm kỳ bổ nhiệm 5 năm 

Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau khi Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn sẽ tới quy trình xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.

Cụ thể, cơ sở giáo dục đại học tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; phân loại theo ngành, chuyên ngành khoa học. Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm chức danh này.

Ứng viên giáo sư mới 25 tuổi? - 3

Hội đồng Giáo sư Nhà nước họp phiên thứ VII (Ảnh: HĐGSNN).

Thành viên Hội đồng trao đổi, thảo luận công khai đối với từng hồ sơ của ứng viên. Mỗi hồ sơ phải được trên 1/2 tổng số thành viên Hội đồng nhất trí đưa vào danh sách bổ nhiệm. Kết quả xét phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học.

Sau thời hạn 15 ngày công khai kết quả xét bổ nhiệm, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với ứng viên có đủ điều kiện, phù hợp với cơ cấu vị trí cần bổ nhiệm.

Trong quyết định bổ nhiệm phải nêu rõ ngành hoặc chuyên ngành khoa học của ứng viên và tên cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. Ứng viên chỉ được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư sau khi có quyết định bổ nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học. 

Nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là 5 năm. Kết thúc nhiệm kỳ, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học tổ chức rà soát, đánh giá theo các quy định về cơ cấu vị trí, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư để quyết định việc bổ nhiệm lại.

Việc đánh giá hàng năm đối với giáo sư, phó giáo sư thực hiện như quy định hiện hành đối với giảng viên.

Giảng viên là viên chức của cơ sở giáo dục đại học công lập sau khi được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư được xem xét, bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy và thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức theo quy định của pháp luật.

Cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập quy định cụ thể việc bổ nhiệm, chế độ đãi ngộ và các điều kiện làm việc đối với giáo sư, phó giáo sư.