Đầu năm học, mẹ đóng các loại phí cho ba đứa con hết... một chiếc xe Vision

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Các loại đóng góp đầu năm học ngoài học phí ngày càng trở thành gánh nặng với phụ huynh.

Một ngày đóng học cho con hết sạch thu nhập một tháng

Sau buổi họp phụ huynh, chị P.T.V.K. (Cầu Giấy, Hà Nội) nhìn số dư trong tài khoản mà nghẹn ngào. 

Chị K. có ba con, con lớn vừa vào lớp 10 công lập, hai con nhỏ học tiểu học tư thục. "Dù là công hay tư, gánh nặng đóng góp đầu năm đều nhiều như nhau", chị K. tâm sự.

Học phí là một khoản cố định được biết trước nên chị K. để dành tiền riêng. Thêm vào đó, vì hai con nhỏ học tư thục nên chị K. thường chuẩn bị số tiền đóng cho cả năm để được chiết khấu 5%.

Còn lại là các khoản phí đầu năm, tưởng nhỏ mà không hề nhỏ. Nhất là khi nguồn tài chính cho những khoản này nằm trong danh mục chi tiêu hàng tháng của gia đình vì không còn quỹ tiết kiệm nào khác.

Đầu năm học, mẹ đóng các loại phí cho ba đứa con hết... một chiếc xe Vision - 1

Một tiết học tiếng Việt của học sinh tiểu học tại Phú Thọ (Ảnh: Mỹ Hà).

Theo thống kê của chị K., số tiền đóng góp đầu năm ngoài học phí cho cả ba con lên đến hơn 30 triệu đồng.

Cụ thể, tiền đồng phục của hai con nhỏ là 4,4 triệu đồng, đồng phục con lớn là 1,2 triệu đồng. Tiền quỹ lớp của ba con là 3 triệu đồng. Tiền sách giáo khoa cho ba con xấp xỉ 2 triệu đồng. Tiền bảo hiểm y tế bắt buộc 2 triệu đồng. Tiền quỹ xây dựng trường, tiền tham quan dã ngoại, quỹ hội phụ huynh trường, chi phí học liệu của hai con nhỏ hơn 10 triệu đồng. 

Với con lớn, vì là đầu cấp, rất nhiều chi phí được phụ huynh lớp thống nhất đóng góp như: mua điều hòa mới, máy chiếu mới, cây nước nóng lạnh, thay micro cho cô, sắm thêm một số vật dụng trang trí lớp… Cộng các khoản quỹ khuyến học, tiền photo tài liệu, tiền học tiếng Anh liên kết, tiền học tăng cường 3 môn theo tổ hợp…, chi phí chị K. phải đóng lên đến gần 4 triệu đồng.

Ngoài chi phí đóng cho nhà trường và ban phụ huynh, chị K. vẫn phải mua thêm dụng cụ học tập cho con từ vở viết, bút, màu vẽ, bộ dụng cụ kỹ thuật… Tổng số tiền khoảng 1 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cả ba con đều tham gia một câu lạc bộ ở trường, chi phí tham gia gần 1 triệu/tháng, tổng là 3 triệu đồng.

Chị nhẩm tính, chỉ trong 1 ngày, chị đã chuyển khoản đóng góp cho con hết sạch thu nhập một tháng và gần tương đương mua mới... một chiếc xe Vision. Cũng có nghĩa, toàn bộ chi tiêu của gia đình trong thời gian tới phải siết lại.

Đầu năm học, mẹ đóng các loại phí cho ba đứa con hết... một chiếc xe Vision - 2

Bữa ăn bán trú của học sinh tiểu học tại TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Tại ngoại thành Hà Nội, chi phí đầu năm học của trường công cũng là một khoản lớn với cha mẹ bình dân, đặc biệt là nhóm cha mẹ có con vào đầu cấp.

Chị H.T.H. (Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ, dù chưa đến lịch họp phụ huynh, chị đã tham khảo các bố mẹ khác và ước tính số tiền phải đóng ngoài học phí là 6 triệu cho hai con lớp 1 và lớp 6.

"Đó là khoản tiền lớn với gia đình tôi", chị H. tâm sự. Số tiền trên có đến 1/3 là tiền đồng phục, 1/3 là sách giáo khoa và vở bút, 1/3 còn lại là bảo hiểm y tế, quỹ lớp. 

"Vẫn còn một khoản tiền khác phải lo là học phí chương trình liên kết tiếng Anh, toán tiếng Anh. Tiền học các chương trình này cộng với học phí và tiền ăn bán trú là gần 2 triệu/tháng. Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, lương tháng nào tiêu tháng đó, không có tiền dự phòng. Hai con đi học tiêu hết gần một nửa lương của cả bố lẫn mẹ", chị H. giãi bày.

Không lạm thu vẫn quá tải vì những khoản "chính danh"

Cô P.L.A. - giáo viên THCS tại Hà Nội - đồng cảm với gánh nặng phí chồng phí đầu năm học của phụ huynh học sinh. "Là giáo viên, nhưng tôi cũng là một phụ huynh, tôi hiểu nỗi lo lắng trăn trở của các cha mẹ khác đầu năm học, ngay cả với gia đình có kinh tế ổn định", cô L.A. tâm sự.

Theo cô L.A., hầu hết các trường đều siết chặt các khoản đóng góp đầu năm để tránh lạm thu. Nhưng chỉ riêng những khoản thu theo quy định cộng dồn lại đã là số tiền lớn với cha mẹ học sinh.

"Tiền đồng phục, tiền sách giáo khoa và tiền bảo hiểm y tế bắt buộc là ba khoản cố định có tổng chi hơn 2 triệu đồng. Tôi tự đặt câu hỏi, việc mỗi trường một loại đồng phục như hiện nay và đồng phục cả quần cả áo, cả trang phục thể dục có thực sự cần thiết hay không?

Những năm 90, học sinh cả nước mặc đồng phục là quần xanh, áo trắng. Phụ huynh đặt mua, đặt may ở đâu cũng được và chi phí rất rẻ. Trang phục sạch sẽ, lịch sự. Nếu cần phân biệt học sinh trường này hay trường khác, chỉ cần may thêm phù hiệu trường trước ngực áo. 

Tuy nhiên từ cuối những năm 2000, phong trào mỗi trường một kiểu đồng phục trở nên phổ biến. Từ đồng phục thường ngày dành cho cả năm, các trường có thêm đồng phục mùa đông, rồi đồng phục thể dục, khiến chi phí cho đồng phục quá cao, nhưng không ai dám nói đó là khoản "lạm thu"", cô L.A. phân tích.

Cô L.A. chia sẻ thêm, có năm cô đề nghị phụ huynh để các con tự mang nước uống đến trường để giảm tiền nước uống, đồng thời đề xuất ban giám hiệu cắt bỏ chi phí này, yêu cầu học sinh toàn trường tự mang nước đi học. Tuy nhiên, sau khi nhà trường hỏi ý kiến ban phụ huynh trường, phụ huynh lại thống nhất vẫn nộp tiền nước uống.

"Ý kiến của đa số đôi khi làm ảnh hưởng đến thiểu số. Dù vài chục ngàn đồng/tháng không nhiều, nhưng cộng cả năm và cộng dồn với các khoản khác sẽ trở thành số tiền lớn, gây khó khăn cho những gia đình bình dân.

Kể từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các con cấp 2 học hai buổi một ngày dẫn tới chi phí học tập của mỗi gia đình tăng lên vì bán trú. Chưa kể trường nào cũng tổ chức học thêm tiếng Anh liên kết. 

Tôi biết có những phụ huynh còn không dám phản đối các khoản thu thêm ngoài học phí, thắt lưng buộc bụng để đóng góp cho con vì không muốn con trở nên khác biệt", cô L.A. ngậm ngùi.

Cô L.A. cũng từng từ chối đề nghị đóng tiền mua máy in của ban phụ huynh lớp. Theo cô, một chiếc máy in gần 3 triệu dùng cho 4 năm có vẻ tiết kiệm, nhưng đó là chưa tính tiền đổ mực in, tiền bảo dưỡng nếu xảy ra sự cố. Trong khi đó, tiền photo bài tập cho các con có thể không đến 3 triệu cho 4 năm.

"Tôi chỉ mong khi tính đến bất kỳ khoản đóng góp nào, nhà trường và phụ huynh cũng nghĩ đến lợi ích của nhóm gia đình không có điều kiện kinh tế tốt hoặc đông con.

Bớt đi một chút tiện nghi các con vẫn học tốt, nhưng thêm một chút tiện nghi thì các con chưa chắc đã học tốt hơn. Mà đằng sau đó là sự vất vả, nhọc nhằn của nhiều cha mẹ", cô L.A. chia sẻ.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, có 7 khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm:

- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;

- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm