Nam sinh 23 tuổi chưa có căn cước công dân đã được vào đại học
(Dân trí) - Đã 23 tuổi, nhưng Trần Văn Tình (SN 2000, quận 1, TPHCM) chỉ mới được đăng ký khai sinh từ năm ngoái. Với sự giúp đỡ của nhà trường, em đã trở thành tân sinh viên dù chưa được cấp căn cước công dân.
Quyết tâm vượt lên số phận
Trần Văn Tình (SN 2000, quận 1, TPHCM) là nhân vật trong phóng sự "Thí sinh không giấy tờ tùy thân trước kỳ thi vì cháy nhà" được phóng viên Dân trí phản ánh ngày 28/6.
Không hộ khẩu, không căn cước công dân... khiến nam sinh nơm nớp lo sợ cơ hội vào đại học.
Cầm quyết định trúng tuyển trong tay, Tình hồi hộp đến bàn tiếp nhận hồ sơ tân sinh viên của Trường Đại học Gia Định (GDU).
"Có giấy khai sinh và được công nhận tốt nghiệp THPT nhưng em vẫn hồi hộp. Em sợ trường không chấp nhận cho em nhập học. Rất may là mọi thứ diễn ra suôn sẻ", nam sinh bày tỏ.
Đến làm thủ tục nhập học GDU, nam sinh mặc chiếc áo đồng phục đã cũ của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7.
Sinh ra trong gia đình đông con, không có nhà cửa, đất đai, bố mẹ làm không đủ cho cuộc sống, vì thế, cũng không thể lo cho con ăn học đầy đủ. Nam sinh xin bố mẹ cho đi học và có thể đến trường nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.
Đón nhận tân sinh viên đặc biệt đến nhập học, ông Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, chia sẻ: "Tôi cảm mến những nỗ lực của em Trần Văn Tình, dù hoàn cảnh khó khăn, không có đủ giấy tờ nhưng vẫn quyết tâm đi học và trúng tuyển với số điểm khá cao".
Ông Chung cho biết, hiện nhà trường đã nhận hồ sơ của Tình nhưng còn một vài thủ tục về nhân thân khác sẽ cần hoàn thiện. GDU sẽ tạo mọi điều kiện và hỗ trợ để nam sinh có thể vào học một cách thuận lợi nhất.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, qua tìm hiểu hoàn cảnh của Tình qua thông tin của báo Dân trí, vì không có căn cước công dân nên em chưa thể làm thẻ ngân hàng hay thi bằng lái xe... Thậm chí, việc xin làm thêm hay đi thuê nhà cũng khó khăn vì không có giấy tờ.
Nhằm giúp sinh viên trang trải chi phí học tập, GDU trao tặng học bổng 10 triệu đồng cho em để bước đầu an tâm vào học, ThS Trịnh Hữu Chung thông tin.
Mong hoàn thành cử nhân trong 3 năm
Nhận học bổng, tân sinh viên chia sẻ: "Em rất bất ngờ và xúc động vì đã nhận được học bổng của trường. Học bổng này giúp em đóng học phí để được học đại học".
Đạt số điểm 24,4 để xét tuyển đại học, Tình có nhiều lựa chọn để vào các trường nhưng em quyết định chọn ngành kỹ thuật phần mềm của GDU. Tình cho hay chọn ngành học này vì em thích những thứ liên quan đến kỹ thuật, thích viết code. Với em, đó cũng là sự sáng tạo.
Nguyện vọng 1 của em mong muốn vào ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM nhưng điểm chuẩn quá cao.
"Em xin gửi lời cảm ơn tới các nhà hảo tâm, các thầy cô của Trường Tình thương Ánh Linh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7, Trường Đại học Gia Định, các cơ quan ban ngành của TPHCM đã giúp đỡ cho em có thể tiếp tục đi học.
Nhờ có sự thông tin và hỗ trợ của báo Dân trí, em mới có thể hoàn tất thủ tục nhập học và nhận học bổng này", nam sinh Trần Văn Tình bày tỏ.
Do đó, em chọn học tại GDU vì có học phí thấp, truyền thống đào tạo về công nghệ thông tin và chỉ học trong 3 năm.
Nam sinh bày tỏ quyết tâm sẽ học tập thật tốt để ra trường đúng hạn được đi làm sớm hơn 1 năm để nuôi sống bản thân mình và cảm ơn những người đã hỗ trợ em.
"Hiện tại em đi làm thêm tại một quán cafe dành cho những người nói tiếng Anh để vừa kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt vừa hỗ trợ cho học tập.
Công việc có thể xoay ca nên em sắp xếp được việc học và việc làm. Dù có thế nào, em luôn đặt việc học lên hàng đầu", Tình cũng chia sẻ.
Việc làm thêm cũng giúp nam sinh phát huy lợi thế ngoại ngữ khi từng đạt Huy chương Bạc môn tiếng Anh tại hội thi Olympic tháng 4 TPHCM mở rộng.
Trước khi Tình ra đời, năm 1998, nhà bị cháy nên bố mẹ không thể giữ bất kỳ giấy tờ nào. Vì nhiều lý do, gia đình chưa thể đăng ký hộ khẩu. Cũng từ đó, các chị em Tình không có giấy khai sinh và cũng không thể làm căn cước công dân.
Tuy khó khăn nhưng em vẫn quyết xin mẹ được đến trường. Học hết lớp 9, tại Trường Tình thương Ánh Linh (quận 7), Tình đứng giữa ngã ba đường.
"Lúc tốt nghiệp lớp 9, em không biết mình nên nghỉ hay đi học tiếp. Nếu đi học thì ai sẽ nhận em? Các thầy cô ở Trường Tình thương Ánh Linh khuyên em cứ sang gặp Ban giám đốc của Trung tâm giáo dục trình bày hoàn cảnh. Rất may mắn là em đã được nhận vào học", Tình kể lại.
Không chỉ được đến trường, suốt 3 năm ròng rã, Tình được bà Hồ Thị Phước Thọ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7 hỗ trợ để làm thủ tục, giấy tờ tùy thân.
Mãi đến tháng 5/2022, em mới chính thức được khai sinh với cái tên "Trần Văn Tình".
"Em không thể nào quên ngày 18/5/2022, cả 4 anh chị em đều được nhận giấy khai sinh. Cảm xúc lúc đó vỡ òa. Mỗi người đăng ký lấy 10 bản sao để cất giữ vì sợ nếu chỉ lấy một hai bản mà bị mất nữa sẽ không biết phải làm như thế nào", Tình kể.
Mặc dù đã có giấy khai sinh, có mã định danh cá nhân nhưng vì không có hộ khẩu thường trú gốc, không có nhà cư trú,... nên đến nay, Tình vẫn chưa thể làm căn cước công dân.
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nam sinh gặp chút trục trặc bởi trên giấy khai sinh chỉ có mã định danh cá nhân mà không hề có bất cứ tấm ảnh nào để chứng minh nhân thân.
Song, dưới sự hướng dẫn của Hội đồng thi, sự xác nhận của nhà trường, Trần Văn Tình đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và đạt số điểm khá cao để xét tuyển đại học.
Sau khi báo Dân trí có bài viết phản ánh về trường hợp của em Trần Văn Tình, Thành ủy TPHCM đã công văn khẩn gửi Đảng ủy Công an Thành phố rà soát, chỉ đạo hỗ trợ đăng ký và cấp căn cước công dân cho em Trần Văn Tình.
Hiện tại, mọi thủ tục vẫn đang trong quá trình triển khai.