Tuyển sinh ĐH dần “thoát ly” kết quả thi THPT

Cùng với việc tự chủ, các trường ĐH bắt đầu đưa ra phương án tuyển sinh theo hướng dần “thoát ly” khỏi sự phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.

Theo tuyên bố của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia cơ bản sẽ giữ ổn định đến năm  2020. Mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và kết quả thi là cơ sở quan trọng các trường ĐH có thể lựa chọn để tuyển sinh. Cùng với việc tự chủ, năm 2019, các trường ĐH bắt đầu đưa ra phương án tuyển sinh của mình và cho thấy, họ có chủ trương dần “thoát ly” khỏi sự phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.

Làn sóng thoát ly mạnh mẽ nhất phải kể đến các trường ĐH khu vực phía Nam. Năm 2019, ĐH Quốc gia TPHCM  tiếp tục sử dụng các phương thức tuyển sinh đã thực hiện trước đó, gồm tuyển thẳng và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH này; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia; sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tự tổ chức. Ngoài ra, năm nay ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển trực tiếp thí sinh từ các chứng chỉ quốc tế dành cho các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các chứng chỉ được xét như kết quả thi tú tài quốc tế và một số kết quả tuyển sinh chung của thế giới.

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được tổ chức 2 đợt: đợt 1 trước kỳ thi THPT quốc gia, ngày 31/3/2019 và đợt 2 sau kỳ thi THPT quốc gia, ngày 7/7/2019. Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức  lấy kết quả kỳ thi này dao động trong khoảng từ 25-40% tổng chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu ĐH Quốc gia TP.HCM khoảng 16.000 thí sinh.

Tuyển sinh ĐH dần “thoát ly” kết quả thi THPT - Ảnh 1.

Thí sinh ngày càng có nhiều cơ hội để vào học ĐH. (Ảnh: Nghiêm Huê)



Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM cũng có nhiều điểm mới trong tuyển sinh. Trường này sẽ tuyển sinh theo bốn phương thức gồm: Tuyển thẳng theo quy định; Xét tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 có kết quả học tập THPT 3 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi; hoặc có kết quả cao trong quá trình học THPT đối với các môn trong tổ hợp xét tuyển của trường (đại học: A00, A01, D01, D96; cao đẳng: A00, A01, C00, D01, D78, D96; Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019.

Năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục sử dụng phương án dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH chính quy, đồng thời mở rộng phương thức xét tuyển thẳng. Năm 2018,  ĐH tuyển sinh theo các phương thức như xét tuyển thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐH Quốc gia Hà Nội  quy định; Xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng đạt từ 70/140 điểm trở lên và chưa nhập học vào bất kỳ đơn vị đào tạo nào của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge (Cambridge International Examinations A-Level, UK); Xét tuyển thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên mới đủ điều kiện đăng ký để xét tuyển.

Chủ động tìm đến người học

Theo nhận định của một chuyên gia làm công tác tuyển sinh tại một trường ĐH thì từ năm 2018, các trường ĐH, nhất là khối các trường ĐH công lập, đã bắt đầu dần “thoát ly” việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT để tuyển sinh. Các trường đã chủ động đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh cho thí sinh lựa chọn.

Vì vậy, kết quả thi THPT quốc gia không còn là cánh cửa duy nhất để thí sinh bước vào ĐH. Vị chuyên gia này phân tích, thứ nhất, các trường ĐH bắt đầu nhận thấy tuyển sinh ngày càng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến “nồi cơm” của trường. Thứ hai, các trường cũng đã nhận thức được quyền tự chủ của mình. Chính vì vậy, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh để tạo điều kiện cho thí sinh nhưng đồng thời cũng là tạo điều kiện cho chính các trường.

PGS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết  dù gì thì các trường cũng có một cách thức để đánh giá thí sinh vào trường. Tuy nhiên, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH quốc gia có thể coi là điển hình.  Cách làm của ĐH quốc gia Hà Nội rất khó thành công.  Lấy ví dụ như ĐH Bách khoa Hà Nội, từ kết quả xét tuyển kỳ thi chung, thấy được chất lượng sinh viên vào trường mình như thế nào so với cả nước.

Còn nếu thi riêng thì khó đánh giá được như thế nào.  Mặc dù vậy, PGS. Trần Văn Tớp khẳng định việc lựa chọn phương án xét tuyển sinh như thế nào phụ thuộc vào mục tiêu giáo dục của mỗi trường ĐH. “Hiện nay, tất cả các trường ĐH đều đang tìm cách để tăng quyền tự chủ của mình trong tuyển sinh, giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia để tiến tới tự chủ hoàn toàn theo quy định sau  năm 2020” - PGS. Trần Văn Tớp cho hay.

PGS. Trần Văn Tớp thông tin thêm, để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2019, trường chủ động kéo thí sinh về phía mình. Như tổ chức các tour trải nghiệm tại trường hoặc  tổ chức theo “đơn đặt hàng” của các trường phổ thông. Học sinh của trường đến ĐH Bách khoa như một hoạt động trải nghiệm của họ. Dự kiến, từ nay đến trước mùa tuyển sinh 2019, trường sẽ tổ chức khoảng 20 sự kiện để tạo cơ hội cho các thí sinh được trải nghiệm tại trường. Đây là một điểm rất mới trong kế hoạch truyền thông tuyển sinh của trường so với những năm vừa qua.

Theo Nghiêm Huê

Tiền Phong