Từ vụ nữ sinh nhảy lầu sau khi bị thu điện thoại: Ứng xử sao cho phù hợp?

Phạm Hồng Hải

(Dân trí) - Sau vụ việc nữ sinh lớp 8 ở Hạ Long nhảy lầu với nguyên nhân được cho là bị thu điện thoại, vấn đề ứng xử đối với học sinh sử dụng đồ công nghệ trong trường sao cho phù hợp lại được đặt ra.

Học sinh nhảy lầu sau khi bị thu điện thoại

Mới đây, nữ sinh của một trường THCS ở Quảng Ninh sử dụng điện thoại trong tiết Vật lý và bị cô giáo tịch thu. Sau đó, giáo viên đã gọi cô chủ nhiệm lên lập biên bản sự việc. Vào giờ ra chơi, nữ sinh này đã đi lên tầng 4 (dãy thực hành) rồi trèo qua lan can bất ngờ nhảy xuống sân trường.

Vụ việc tương tự từng xảy ra tại Ninh Bình vào năm 2017. Cụ thể, nam sinh tại trường THCS thuộc huyện Nho Quan cầm điện thoại di động trong giờ ra chơi thì bị cô giáo tịch thu và mời phụ huynh tới trường để làm việc. Khi giáo viên đang trao đổi với phụ huynh, Q. đã nhảy từ tầng 3 của trường xuống đất dẫn đến bị gãy chân phải.

Có thể nói, điện thoại thông minh đang trở nên thông dụng không chỉ với người đi làm mà ngay cả đối với học sinh. Các em có thể trao đổi học tập, cập nhật thông tin nhóm lớp, liên lạc với gia đình… 

Từ vụ nữ sinh nhảy lầu sau khi bị thu điện thoại: Ứng xử sao cho phù hợp? - 1

Không ít học sinh lạm dụng điện thoại di động vào những việc khác ngay khi trên trường như chơi game online, đọc truyện, buôn chuyện khiến việc học bị xao nhãng (Ảnh minh họa: Hồng Hải).

Em M.A., trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) chia sẻ, em dùng điện thoại để tiện đặt xe đưa đón đi học.

"Do tính chất công việc bận rộn, bố mẹ không thể đưa đi hay đón về nên em mang điện thoại tới trường để tiện cho việc đặt xe grab đưa đi và đón về. Ngoài ra, trên trường, em sử dụng điện thoại để liên lạc với gia đình khi có việc đột xuất, tra cứu tài liệu, làm bài tập nhóm nếu cần…", M.A., cho biết.

Bên cạnh những lý do chính đáng, cũng không ít học sinh lạm dụng điện thoại di động vào những việc khác ngay khi trên trường như chơi game online, đọc truyện, buôn chuyện khiến việc học bị xao nhãng...

Em V.H., học sinh một trường THPT ở Hưng Yên thừa nhận, dù ở trường có quy định cấm học sinh dùng điện thoại trong thời gian trên lớp, em cũng như một số bạn có lúc vẫn sử dụng vào giờ ra chơi.

"Em dùng điện thoại vào giờ ra chơi để giải tỏa căng thẳng sau mỗi tiết học. Có những lúc ngại nói chuyện trực tiếp, em thường nhắn tin qua zalo hoặc messenger cho bạn bè. Các bạn nam thì chơi game online, thậm chí đôi khi vì ham mê quá còn chơi trong giờ học", Hằng nói.

Thực tế cho thấy, dù nhiều trường có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, tuy nhiên với sự tò mò, ham chơi của tuổi mới lớn, một số học sinh dần trở thành "sâu" điện thoại ngay trên trường học.

Vậy giáo viên, những người tiếp xúc gần gũi, nắm bắt được tâm tư tình cảm của học sinh nghĩ sao về việc xử lý học sinh cố tình sử dụng điện thoại trong giờ học?

Từ vụ nữ sinh nhảy lầu sau khi bị thu điện thoại: Ứng xử sao cho phù hợp? - 2

Nếu cấm sử dụng điện thoại một cách máy móc, các em sẽ cảm thấy buồn bực, không được giao lưu và giải trí với bạn bè (Ảnh minh họa: Hồng Hải).

Cần khéo léo, áp dụng kỷ luật tự thân

Bày tỏ quan điểm về vấn đề sử dụng điện thoại trong trường học, cô Lê Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1, trường THCS Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) cho biết nếu cấm sử dụng điện thoại một cách máy móc, các em sẽ cảm thấy buồn bực, không được giao lưu và giải trí với bạn bè.

"Học sinh cấp 2 là lứa tuổi khá ẩm ương, các em ít chia sẻ với bố mẹ về tâm tư tình cảm của mình. Các em thích tâm sự với bạn bè, thầy cô hơn, đôi khi khó nói sẽ gửi tin nhắn qua điện thoại.

Ở trường THCS Phúc Xá, nhà trường cho phép học sinh được mang điện thoại đến trường nhưng sử dụng trước và sau giờ học. Hoặc trong các giờ đổi mới phương pháp học tập, học sinh có thể dùng điện thoại để làm việc nhóm khi giáo viên cho phép.

Trước đây, từng có trường hợp học sinh sử dụng điện thoại trộm trong giờ và bị tôi bắt được. Khi tịch thu, tôi cũng phải theo dõi biểu hiện cảm xúc của học sinh và đặt câu hỏi như "cô thu điện thoại con cảm thấy thế nào?" hoặc hỏi ý kiến thể hiện thái độ tôn trọng học sinh. Ban đầu em khá buồn, nhưng sau khi nghe tôi giải thích, phân tích đã ngoan ngoãn chấp hành", cô Lan tâm sự.

Đồng quan điểm với cô Lan, cô Ngô Thị Nhiên, giáo viên trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ học sinh có thể sử dụng điện thoại một cách phù hợp và đem lại hiệu quả, bởi đó là sự tiến bộ của công nghệ, chúng ta có thể khai thác chúng, ứng dụng vào việc dạy và học.

"Tuy là dạy học môn Ngữ văn nhưng tôi cho học sinh sử dụng điện thoại vào các bài học để thực hiện các mục tiêu: rèn kĩ năng tìm kiếm, chọn lọc thông tin, thiết kế các sản phẩm học tập,...

Điện thoại thông minh không có lỗi, quan trọng là cách chúng ta sử dụng nó để phục vụ cho đời sống của con người thêm tốt hơn", cô Nhiên khẳng định.

Từ vụ nữ sinh nhảy lầu sau khi bị thu điện thoại: Ứng xử sao cho phù hợp? - 3

Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang, TPHCM từng làm bài kiểm tra trên điện thoại (Ảnh: Hoài Nam).

Cần sự giám sát chặt chẽ từ gia đình, nhà trường

Qua sự việc nữ sinh lớp 8 ở Quảng Ninh nhảy lầu sau khi bị giáo viên bộ môn tịch thu điện thoại, TS Nguyễn Thanh Nga, giảng viên môn Tâm lý học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết phụ huynh và nhà trường nên quản lý sát sao việc học sinh sử dụng điện thoại. Đặc biệt, quan tâm đến cảm xúc và không nên cấm các em sử dụng điện thoại một cách cực đoan.

Học sinh, đặc biệt học sinh cấp 2, là giai đoạn thay đổi nhiều về mặt tâm sinh lý. Đây cũng là giai đoạn, học sinh muốn thể hiện bản thân, tập làm người lớn và đôi khi rất bướng bỉnh nên thường khép mình lại, ít chia sẻ với bố mẹ. Chính vì điều này, một số em coi điện thoại như tài sản quý giá, người bạn chia sẻ tâm tư tình cảm.

TS Nguyễn Thanh Nga cũng chia sẻ một số biện pháp, giúp gia đình và nhà trường có thể quản lý học sinh sử dụng điện thoại hiệu quả.

Trước hết, phụ huynh và học sinh nên có sự thẳng thắn với nhau về thời gian, mục đích sử dụng điện thoại. Phụ huynh nên nhẹ nhàng, trao đổi với con như những người bạn rằng, con có thể dùng điện thoại để tra cứu tài liệu, giao lưu bạn bè chứ tuyệt đối không được truy cập vào các hội nhóm, trang mạng chứa thông tin tiêu cực, đồi trụy.

Bên phía nhà trường, TS Nga cho rằng cần có sự thống nhất giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Ở trường học, quy định rõ ràng về giờ sử dụng điện thoại, nếu vi phạm sẽ tịch thu điện thoại và yêu cầu học sinh viết bản cam kết.

Trong suốt quá trình này, giáo viên sẽ là người theo dõi học sinh về mặt tâm lý, để có hướng giải quyết phù hợp, không gây ra cảm xúc tiêu cực cho các em.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm