Từ học kỳ II, học sinh lớp 12 có nguy cơ không được ôn thi trong trường
(Dân trí) - Thông tư 29 về dạy thêm học thêm quy định nhà trường không được thu tiền với học sinh cuối cấp ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp khiến hoạt động này có thể sẽ phải ngừng tổ chức từ học kỳ II.
Học sinh cuối cấp ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp là 1 trong 3 đối tượng mà các trường được phép tổ chức dạy thêm theo Thông tư mới.
Tuy nhiên, Thông tư mới cũng quy định hoạt động dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh.
Thay vào đó, các trường phải sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Thời điểm Thông tư có hiệu lực là ngày 14/2, tức bắt đầu học kỳ II năm học 2024-2025.
"Quy định mới khiến các trường không biết xoay sở thế nào với việc ôn thi tốt nghiệp của học sinh lớp 12", hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội chia sẻ.
Lâu nay, các trường THPT vẫn tổ chức hoạt động ôn thi này với mức thu dao động từ 7.000 đồng đến 32.000 đồng/học sinh/tiết học, áp dụng theo Quyết định 22 của UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2013.
70% số tiền học thêm nhà trường thu về sẽ dùng để chi trả chi thù lao giáo viên trực tiếp giảng dạy. 15% chi công tác quản lý dạy thêm học thêm của nhà trường và 15% hỗ trợ chi tiền điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Trung bình một trường THPT có 500-700 học sinh lớp 12, mỗi lớp học ôn thi phổ biến 30-40 học sinh/lớp, mức thu là 8.000 đồng/học sinh/tiết học.
Nếu mỗi học sinh học đủ 4 môn thi tốt nghiệp THPT, mỗi môn tối đa 2 tiết/tuần theo quy định mới, số tiền dạy thêm mỗi tuần/học sinh là: 4x2x8 = 64.000 đồng. Số tiền dạy thêm mỗi tháng/học sinh là 256.000 đồng.
Tính chung, tổng số tiền dạy thêm hàng tháng của một trường dao động trong khoảng 128-179,2 triệu đồng. Nếu trường tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp trong suốt năm học, tương đương 9 tháng thực học, số tiền dạy thêm có thể lên đến hơn 16 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách chi thường xuyên của nhà trường đảm bảo dư 16 tỷ đồng để chi trả cho hoạt động ôn thi tốt nghiệp trong bối cảnh quy định mới không cho phép thu tiền của học sinh.
"Thông tư mới áp dụng từ giữa tháng 2. Hoạt động ôn thi tốt nghiệp thông thường sẽ kéo dài đến giữa tháng 6. Nếu các nhà trường vẫn dạy thêm, chúng tôi có 4 tháng tổ chức dạy thêm không thu tiền.
Tổng số tiền mà ngân sách cần có để chi trả cho giáo viên và tiêu hao cơ sở vật chất vào khoảng 7 tỷ đồng.
Ngân sách nhà nước đã cấp từ đầu năm, trong đó không có phần để chi trả cho hoạt động dạy thêm. Nếu không thu tiền của học sinh, chúng tôi không có kinh phí để tổ chức công tác ôn tập, buộc lòng phải đẩy học sinh ra các trung tâm bên ngoài ôn thi.
Từ ra Tết trở đi là cao điểm ôn thi của học sinh lớp 12. Đúng chặng nước rút của các em, vào đúng năm đầu tiên đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu các em không được ôn tập tại trường, chúng tôi không dám nghĩ đến kết quả sẽ như thế nào", vị hiệu trường bày tỏ.
Một hiệu trưởng khác cũng chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Học sinh trong nội thành, các quận trung tâm có nhiều điều kiện học thêm ngoài nhà trường.
Nhưng học sinh ở vùng ven thành phố, huyện ngoại thành hầu như phụ thuộc vào việc ôn thi trong nhà trường do chi phí thấp và chất lượng đảm bảo.
Học sinh ở các trường có điểm chuẩn đầu vào càng thấp càng cần đến sự kèm cặp chặt chẽ của thầy cô tại các lớp học tăng cường trong nhà trường.
Trên thực tế, mỗi môn ôn thi tốt nghiệp THPT chúng tôi dạy 4 tiết/tuần. Cường độ học này mới đảm bảo các em đạt kết quả tốt nghiệp như mong muốn.
Theo quy định mới, nếu mỗi môn chỉ được học tối đa 2 tiết và không được thu tiền, chúng tôi không biết sẽ tổ chức việc ôn tập như thế nào cho hiệu quả".
Nhiều hiệu trưởng chia sẻ họ chưa có phương án tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 trong học kỳ II tới đây.
"Nếu không tổ chức, chúng tôi cảm thấy bất an và có lỗi với học trò. Nếu vẫn tổ chức, vẫn thu tiền, chúng tôi vi phạm quy định.
Nếu vẫn tổ chức và không thu tiền, chúng tôi không có ngân sách, kinh phí để tổ chức, buộc phải trông đợi vào tinh thần tự nguyện của giáo viên.
Tuy nhiên, vì giáo viên tự nguyện dạy miễn phí, nhà trường không có căn cứ và ràng buộc để yêu cầu họ làm việc tận tâm, trách nhiệm, và vì vậy, không có gì đảm bảo cho kết quả đầu ra", một hiệu trưởng khác nói.
Các nhà trường hiện vẫn chờ hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo liên quan tới các nội dung trong Thông tư 29 quy định về dạy thêm học thêm mà Bộ mới ban hành hôm 30/12.