Từ bốn phương trời, du học sinh Việt tha thiết nhớ Tết quê nhà

Lệ Thu Văn Hiền

(Dân trí) - Dù ở phương trời nào nhưng trái tim của những du học sinh Việt vẫn luôn hướng về quê nhà và mong mỏi ngày trở về đoàn viên sum họp bên gia đình.

Dịch Covid-19 khiến nhiều du học sinh Việt không thể về đoàn tụ với gia đình trong thời khắc giao thừa thiêng liêng; các chương trình đón xuân tại quốc gia sở tại cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, nhiều du học sinh Việt Nam vẫn không ngừng cố gắng tạo kỷ niệm "Tết" của riêng mình, duy trì việc học tập hiệu quả.

Đường về nhà sao… xa quá

"3 giờ 32 phút, gấp máy tính cất gọn vào một góc bàn, nhìn đồng hồ, em thở dài. Vậy là hết một ngày...". Đó là tâm sự của Nguyễn Thảo (Đại học Gwangju - Hàn Quốc) khi được hỏi về cảm giác, trải nghiệm những cái tết xa xứ.

Từ bốn phương trời, du học sinh Việt tha thiết nhớ Tết quê nhà - 1

Thông thường, các chương trình đón giao thừa trên truyền hình Việt Nam sẽ khép lại lúc 1 giờ sáng. Nguyễn Thảo vẫn thức đến 1 giờ 32 phút sáng (giờ Việt Nam) thì ở Hàn Quốc đã là 3 giờ 32 phút sáng.

Dù là cái Tết đầu tiên xa nhà, nhưng đến tận bây giờ Thảo vẫn nhớ như in không khí nhộn nhịp sắm Tết ở quê tận hưởng mùi bánh chưng mới vớt, ước được ngồi bên gia đình ăn bữa cơm tất niên, thèm sự yêu thương, thèm hơi ấm của Tết đoàn viên.

Thảo tâm sự: "Cuộc sống của du học sinh Hàn Quốc nào cũng giống nhau, là những chuỗi ngày với sáng đi học, chiều lo đi làm đúng giờ, đêm về tranh thủ hoàn thành nốt những báo cáo còn dang dở. Những ngày sát Tết, cảm giác nhớ nhà càng trỗi dậy, nước mắt như chực trào nhưng chỉ biết ngăn lại để gia đình thêm phần yên tâm. Covid-19 đã lấy đi cả những mục tiêu, những dự định còn dang dở, các em lại phải đón Tết một mình nơi xứ người".

Từ bốn phương trời, du học sinh Việt tha thiết nhớ Tết quê nhà - 2

Mấy ngày này, trên facebook của Thảo ngập tràn check-in vé máy bay của các bạn du học sinh, điều đó càng khiến cô chạnh lòng.

Giao thừa hoặc mùng Một tết, Thảo sẽ cùng các anh chị, bạn bè đồng hương ăn một bữa cơm chúc mừng ngày tết, rồi sáng hôm sau đi học và đi làm.

Đón Tết… trực tuyến

Thời gian trôi nhanh không kịp níu, cuộc sống tự túc của Trinh Nguyễn (hiện học tại Đại học La Trobe, Melbourne, Australia) cũng vì thế mà cuốn theo dòng chảy xô bồ. 

"Đối với người Việt xa quê, những ngày cuối năm là khoảng thời gian dễ chạnh lòng. Nhìn dòng người hối hả trên tàu điện ngầm, nhìn những gia đình quây quần bên trong hàng quán trên phố, mình rất nhớ nhà, rất nhớ bố mẹ", nữ sinh bồi hồi nói. 

Từ bốn phương trời, du học sinh Việt tha thiết nhớ Tết quê nhà - 3

Ngoài nỗi sợ cô đơn vì nhớ nhà, Trinh còn phải đối mặt với dịch Covid-19 và tình trạng không có việc làm, không có tiền.

Trinh cho hay: "Tính đến ngày 21/2, Australia đã ghi nhận 63.941 ca mắc mới, trung bình 7 ngày đã có tới hơn 70.000 ca. Dù đã giảm bớt số ca mới nhưng tốc độ lây lan vẫn tăng chóng mặt.

Do đó, mình chỉ có thể tự tạo những niềm vui nho nhỏ vào ngày Tết như gọi facetime cùng đón tết với gia đình, gửi thiệp chúc mừng năm mới cho bạn bè, người thân mà thôi".

Mang Tết về với châu Âu

Thấu hiểu được nỗi nhớ nhà da diết của tất cả du học sinh tại Bordeaux (Pháp), Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam Sylvye Vongsouthy (cô gái lai Pháp - Việt) đã quyết định sẽ mang trọn hương vị Tết đến Châu Âu.

Từ bốn phương trời, du học sinh Việt tha thiết nhớ Tết quê nhà - 4
Từ gói bánh chưng, viết thư pháp hay biểu diễn văn nghệ đón giao thừa… tất cả đều được Sylvye chuẩn bị một cách chu đáo.

"Mọi người tự phân chia công việc cho buổi tất niên, từ việc làm băng rôn "Chúc mừng năm mới" đến chuẩn bị quốc kỳ Việt Nam. Mình và một số bạn nữ đặt đồ ở chợ của người Việt tại Trung tâm thương mại Thanh Bình ở Paris.

Sau đó tất cả mọi người sẽ cùng ngồi lại gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, mứt dừa tự chế và mâm cơm cúng giao thừa đơn giản gồm nem cuốn, canh măng và một đĩa xào nhỏ. Ngoài ra còn có cành đào handmade từ vải voan và thép", Sylvye hào hứng kể.

Từ bốn phương trời, du học sinh Việt tha thiết nhớ Tết quê nhà - 5

Mỗi người một tay, tất cả đều có chung cảm giác như được trở về với quê hương.

Sylvye đã mời thêm một số du học sinh nữa đến cùng tham dự buổi tất niên. Ngồi kể chuyện về Tết ở Việt Nam và cùng nhau gọi điện về nhà chúc mừng năm mới. Mỗi người một cảm xúc khác nhau nhưng tất cả cùng chia sẻ để làm vơi đi nỗi nhớ nhà.

Giá rét mùa đông càng thêm da diết nhớ nhà

Khi mùa xuân sắp về trên quê hương thì nơi xứ tuyết Canada xa xôi thời tiết -13 độ C, du học sinh người Việt đang trải qua những ngày đông giá buốt. 

Từ bốn phương trời, du học sinh Việt tha thiết nhớ Tết quê nhà - 6

Trong nỗi chạnh lòng vì nhớ nhà, Ngọc Minh (học tại George Brown College, Canada) hy vọng dịch bệnh mau chóng qua đi để mọi người đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình và người thân. 

"Tết năm nay, em sẽ dành một ngày để cùng bạn thân nấu bữa cơm Việt Nam, có bánh chưng xanh, có mâm ngũ quả, có những món ăn thân thuộc nhất. Chúng em sẽ kể cho nhau nghe những kỉ niệm ngày Tết thuở bé, nhắc lại câu chuyện của năm cũ và chia sẻ dự định trong năm mới. Chúng em sẽ tự an ủi vỗ về nhau, chúc nhau năm mới lại học tập tốt và sống vui vẻ hơn", Ngọc Minh nghẹn ngào nói.

Từ bốn phương trời, du học sinh Việt tha thiết nhớ Tết quê nhà - 7

Mâm cơm đơn giản nhưng ấm cúng đã xoa dịu đi phần nào nỗi nhớ nhà của Ngọc Minh và các bạn du học sinh tại Canada.

Du học sinh - những người đáng đổi từng giây phút cô đơn, lạc lõng nơi đất khách để lấy kiến thức và sự trưởng thành. Tết xa xứ không thể có không khí như ở quê hương nhưng chỉ một chút sự chuẩn bị, mỗi người một tay đã tạo nên cái Tết du học đáng nhớ. Cùng với đó, họ mong ước dịch bệnh được khống chế để cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Dù không thể về quê ăn tết, nhưng qua tâm sự và cảm xúc khác nhau của mỗi du học sinh, chúng ta đều thấy được trong lòng những người con xa xứ một tình yêu gia đình và nhớ về quê hương đất nước. 

Quan trọng hơn cả, đổi lại cho những cái Tết trên đất khách là sự trưởng thành, tình yêu thương gia đình được vun đắp và quyết tâm học tập để chờ một ngày không xa quay về tận hưởng Tết đoàn viên.

Ảnh: NVCC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm