Từ bài thơ "Bắt nạt", vì sao giáo dục phải trói buộc vào sách giáo khoa?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - TS Nguyễn Thành Nam trăn trở khi nền giáo dục vẫn còn bị phụ thuộc vào sách giáo khoa, nên chỉ cần có sai sót sẽ dễ bị xáo động. Ông đề xuất chuyển toàn bộ sách giáo khoa thành tài liệu tham khảo.

sach-giao-khoa-huyen-nguyen.jpeg

Nhiều giáo viên vẫn còn lệ thuộc nhiều vào sách giáo khoa (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Giáo viên vẫn bị lệ thuộc vào sách giáo khoa

Dư luận tiếp tục có cuộc tranh cãi gay gắt về bài thơ "Bắt nạt", sách ngữ văn lớp 6, tập 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Sau 4 năm, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai vào nhà trường, câu chuyện về chất lượng sách giáo khoa (SGK) chưa bao giờ hết nóng trên các diễn đàn. Thậm chí, có nhiều "hội nhặt sạn SGK" được lập ra, nhưng nhặt mãi chưa hết sạn.

TS Nguyễn Thành Nam - giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự; TS Vật lý tại Cộng hòa Pháp năm 2007; Chuyên gia giáo dục tại Hệ thống giáo dục Học Mãi - đặt câu hỏi: "Tại sao giáo dục của chúng ta phải "trói mình" vào sách giáo khoa?".

Theo ông Nam, nguyên nhân là do nền giáo dục truyền thống của chúng ta bị buộc rất chặt vào SGK, đa số giáo viên bị phụ thuộc hoàn toàn vào SGK, nên chỉ cần SGK có vấn đề là nền giáo dục sẽ bị xáo động.

Từ bài thơ Bắt nạt, vì sao giáo dục phải trói buộc vào sách giáo khoa? - 2

TS Nguyễn Thành Nam - giảng viên Học viện Kĩ thuật quân sự (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không khó để nhận ra rằng chính việc "trói" các thầy các cô vào bộ SGK trong mấy chục năm qua đã làm thui chột năng lực học tập và khả năng sáng tạo của giáo viên.

Nếu giáo viên vẫn tiếp tục "trói mình" vào SGK, mục tiêu của chương trình GDPT mới sẽ bị làm biến dạng và suy thoái.

Theo TS Nam, chính việc này đã biến nhiều giáo viên thành cái máy đọc SGK, gây hại cho nền giáo dục. Điều này buộc chúng ta phải cải cách nếu không muốn đất nước bị tụt hậu.

"Nếu giáo viên vẫn tiếp tục "trói mình" vào SGK, mục tiêu của chương trình GDPT mới sẽ bị làm biến dạng và suy thoái. Điều đó có thể khiến cho nền giáo dục của chúng ta bị tụt hậu thêm vài thập kỷ", TS Nam nhận định.

Từ bỏ sự lệ thuộc

Để giải quyết vấn đề phụ thuộc quá lớn vào SGK và hướng tới mục tiêu đúng đắn của chương trình GDPT mới là lấy khung chương trình làm chuẩn, TS Nam đề xuất Bộ GD&ĐT nên chuyển toàn bộ SGK thành sách tham khảo.

Cùng với đó, ông cho rằng nên dừng việc bắt buộc các trường phải chọn SGK và học sinh phải mua SGK, tạo điều kiện để người dạy và người học có thể sử dụng bất cứ nguồn tài liệu tham khảo có chất lượng nào có thể tiếp cận. Nếu làm được, việc này giúp tiết kiệm cho người dân và xã hội.

Bộ GD&ĐT cũng không cần chạy theo việc sửa lỗi trong các bộ SGK, vì việc đó xã hội có thể tự làm và thị trường sẽ "bắt" các nhà xuất bản và tác giả các bộ SGK phải tự hoàn thiện.

Thay vì tập trung vào SGK, Nhà nước nên đầu tư nguồn lực để làm chi tiết hóa khung chương trình và hoàn thiện hệ thống kiểm tra đánh giá theo chương trình GDPT mới.

Bởi vì khung chương trình hiện nay chưa đủ chi tiết để giáo viên có thể dựa vào trong quá trình xây dựng kế hoạch dạy học. Cùng với đó, hệ thống kiểm tra, đánh giá cũng chưa đủ hoàn thiện để giáo viên biết được kết quả dạy học đã đáp ứng được mục tiêu đầu ra của chương trình GDPT mới hay chưa.

Ông Nam bày tỏ việc xây dựng chi tiết khung chương trình và hoàn thiện hệ thống kiểm tra đánh giá là quan trọng và cấp thiết hơn nhiều so với việc biên soạn thêm một bộ SGK ở thời điểm hiện tại. Điều này cũng đáp ứng mục tiêu của chương trình GDPT mới.

"Nhiều người sợ rằng nếu không có một bộ SGK chuẩn, giáo viên không biết bám víu vào đâu. Tôi cho rằng, điều này thật vô lý, bởi vì giáo viên hoàn toàn có thể tham khảo tất cả các bộ SGK trên thị trường cùng vô số các loại tài liệu tham khảo có chất lượng khác", TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Từ bài thơ Bắt nạt, vì sao giáo dục phải trói buộc vào sách giáo khoa? - 3

Học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Lí giải thêm, ông nhấn mạnh rằng giáo viên là những người được đào tạo chuyên môn trong trường sư phạm. Đa số thầy cô có kinh nghiệm dạy học lâu năm. Do đó, họ có đủ khả năng tự lựa chọn tài liệu và triển khai việc dạy học mà không phải rập theo bất cứ một cuốn giáo trình, tài liệu nào nếu không bị bắt buộc.

Trong quá trình đó, thầy cô có thể tham khảo các bộ SGK mới, các nguồn tài liệu tham khảo có chất lượng, chương trình giáo dục của các nước phát triển, đồng thời vận dụng kinh nghiệm dạy học lâu năm để xây dựng kế hoạch dạy học.

Song, ông cảnh báo kết quả ban đầu có thể chưa cao, nhưng chắc chắn là không thể kém hơn khi giáo viên dạy chương trình cũ. Điều quan trọng là chất lượng dạy học của giáo viên sẽ được cải thiện dần theo thời gian.

"Việc từ bỏ lệ thuộc vào SGK rất khó. Có thể, nhiều người dân chưa hiểu rõ vấn đề nên sẽ phản đối rất gay gắt. Thậm chí, cũng không ít giáo viên ngại thay đổi. Song, việc bị phản đối là hết sức bình thường trong bất kỳ một cuộc cải cách nào. Chính vì vậy mới cần đến tầm nhìn và bản lĩnh của các cơ quan quản lý hoạt động cải cách giáo dục", TS Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.