TS. Nguyễn Chí Hiếu: “Ngả mũ phát thèm khi xem trường công nghèo ở Mỹ dạy Khoa học"
(Dân trí) - Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu (tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Stanford, lấy bằng MBA ở ĐH Oxford, từng 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng và giảng viên xuất sắc tại ĐH Stanford, một trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006) có những chia sẻ đặc biệt ấn tượng sau khi được trải nghiệm việc dạy và học khoa học ở trường Wake Forest, North Carolina - một trong những trường công thuộc hạng nghèo ở Mỹ.
Dân trí giới thiệu bài viết “Xem trường công nghèo dạy Khoa học, mình phải ngả mũ mà phát thèm” của tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu:
“Hiếu, ngày mai mày cứ thử đến trường này đi, hơi xa một tẹo nhưng rất đáng để xem.”
Giám đốc Sở Giáo Dục của Tiểu bang North Carolina đã mách nước thế khi mình ngỏ ý muốn tìm hiểu về hệ thống trường công lập của tiểu bang đang “táy máy” gì với các môn học STEM.
Sáng hôm sau, mình bắt xe hơn cả tiếng đồng hồ trong cái sương mù dày đặc và gió lạnh của trời Thu đang chuyển dần sang Đông, để đến với một ngôi trường cấp 1-2 nằm nép mình giữa khu ngoại ô hẻo lánh, chỉ mới thành lập được… 4 năm.
Và một ngày “đóng đô” để học cách xây dựng mô hình trường STEM, mình mới ngỡ ngàng: Ôi, đây chỉ thuộc loại trường công nghèo trong một tiểu bang mà gần như mức độ chênh lệch giàu – nghèo thuộc loại cao nhất nước Mỹ. Ấy thế mà người ta đã dạy cho học sinh “vận động tư duy” được đến thế này rồi cơ?
Tất cả bắt đầu từ câu hỏi mở màn mình hỏi cô học trò lớp 7, “Ở đây con học khoa học thế nào?”, để rồi phải “ngả mũ” trước những gì mà thầy cô, nhà trường ở đây đã làm được cho lũ trẻ. Đây là danh sách một vài dự án học tập mà tụi nhỏ phải làm, mà thật ra là được làm thì đúng hơn:
- Lớp 3: chế tạo xe điện gắn động cơ
- Lớp 4: tạo ra môi trường sống cho gấu Bắc Cực
- Lớp 5: lập trình để mã hóa thông tin
- Lớp 6: chế tạo drone để chụp hình cho google map
- Lớp 7: sản xuất cơ quan nội tạng nhân tạo
- Lớp 8: xây dựng hệ thống sinh thái sông ngòi mini
Và mỗi năm là khoảng 3-4 dự án như thế.
Điều đáng nói ở đây là tất cả những sản phẩm tạo ra không phải nằm chết trên giấy tờ, hay những mô hình được sản xuất sẵn, chỉ cần lắp ráp. Tất cả đều là những phiên bản thu nhỏ của một sản phẩm “rất đời” và “rất thật”.
Điều đáng ngưỡng mộ ở đây không chỉ là cấu trúc một tuần học cho tất cả các môn (một tuần 5 ngày, thì 2 ngày học – 3 ngày làm dự án), cơ sở vật chất (bản thiết kế toàn bộ không gian nhà trường để kích hoạt sự sáng tạo), kế hoạch phát triển nhà trường tổng thể trong 5 năm tới từng chi tiết một để thật sự tạo ra một trường học STEM đúng chất.
Điều đáng thán phục và học hỏi nhiều nhất chính là phương pháp giảng dạy người ta đang áp dụng cho những đứa trẻ để thật sự tạo ra những nhà nghiên cứu, nhà kiến tạo và những con người biết tư duy ngay từ khi còn nhỏ. Để càng thấm một “chân lý”: Không phải lúc nào cũng cứ đổ thật nhiều tiền vào mới là làm giáo dục, mà làm giáo dục chân chính thật sự cần đi từ gốc rễ của việc dạy – cách truyền đạt kiến thức, xây dựng kỹ năng, và truyền cảm hứng, tạo điều kiện cho những khối óc được tư duy, vận động.
Và những giáo viên của trường công nghèo này đã làm được điều đó cho những đứa trẻ. Ngồi xem chúng học, trò chuyện cùng chúng, và đứng lớp dạy chúng một tiết học thôi cũng đủ để mình hiểu, đầu óc của chúng… kinh khủng đến mức nào. Bởi vì trong vài năm qua, chúng đã được gieo vào một cách học, cách tư duy quá… chất lừ.
Cùng xem cách cô bé Sia lớp 7 kể về Dự án Sản xuất cơ quan nội tạng nhân tạo, để hiểu những người làm giáo dục ở đây đang “táy máy” với tư duy của tụi nhỏ thế nào vậy.
- - - - -
*** Ask - Hỏi
Sau hai ngày học lý thuyết để đảm bảo chuẩn kiến thức sàn của Tiểu bang, giáo viên tung ra một đề bài to – Sản xuất cơ quan nội tạng nhân tạo, và chia nhóm để học sinh về nhà chọn một cơ quan nội tạng để… nghiên cứu. Trong khi nghiên cứu, chúng cần tạo ra một chùm câu hỏi mà nhóm mình có tìm hiểu cũng không trả lời được, để hỏi lại giáo viên. Trong số đó, hai câu hỏi quan trọng nhất là:
Chính xác vấn đề mà bạn đang muốn giải quyết là gì?
Và vì sao đó lại là một vấn đề?
Mình ngả mũ tập một. Một câu hỏi quá chất, vừa yêu cầu tư duy học sinh phải phân tích được vấn đề cốt lõi, lại vừa mở rộng nâng tầm để học sinh hiểu tầm quan trọng của vấn đề đó. Sự kết hợp tuyệt vời của tư duy lớn và sâu.
*** Imagine - Tưởng tượng
Sau khi đã được giải đáp một phần nào những câu hỏi (những câu chưa trả lời được thỏa đáng thì cứ… neo vào đâu đó, chờ đúng dịp sẽ có người giải đáp), học sinh bắt tay vào… tưởng tượng. Và đây như là một thế giới cổ tích mà học sinh được tư duy sáng tạo hết mức có thể để tìm lời giải cho vấn đề.
Lời giải đó có thể là một thứ mà người ta đã làm rồi, chúng cần tự làm lại (replicate) hoặc có thể là một ý tưởng “điên rồ” mà chỉ có chúng mới nghĩ ra với phương châm mà thầy cô đã dạy cho chúng: Tất cả mọi phát minh trong lịch sử đều bắt đầu từ một ý tưởng được cho là “điên rồ”, đến khi người ta không thể coi nó là “điên rồ” nữa.
Mình ngả mũ lần hai. Ở đây, người ta đẩy cái sức sáng tạo của lũ trẻ vượt ngưỡng biên giới tư duy của chính người dạy. Và tất cả chẳng tốn một đồng xu nào, chỉ đơn giản là thay đổi nhận thức của người làm giáo dục. Và họ – những giáo viên ở một trường công nghèo – đã làm được cái điều mà biết bao thế hệ giáo viên còn đang “cứng đầu” chưa chịu hoặc vẫn đang mịt mờ.
*** Plan - Lập kế hoạch
Xong giai đoạn tưởng tượng là lúc cả nhóm dành mấy tuần để lên kế hoạch thực thi ý tưởng “điên rồ” của mình. Mỗi nhóm được phát cho một bảng theo dõi quy trình kế hoạch được chia ra từng giai đoạn cho từng đầu việc: chuẩn bị, đang tiến hành, hoàn thành, nâng cấp,… Cứ mỗi việc, từ nguyên liệu đến trang thiết bị, hay bộ phận cấu thành của phát minh, là một sticker được dán lên trên bảng kế hoạch, và tụi nhỏ sẽ thay đổi vị trí của sticker trên bảng quy trình tùy theo tiến độ của từng đầu việc.
Đó là lúc chúng tranh biện trong cả nhóm để sắp xếp, phân chia lượng công việc “khổng lồ” theo một bảng kế hoạch hết sức khoa học. Và đó chính là sân chơi cho những thứ như tư duy quy trình hệ thống, quản lý dự án,… cứ thế mà trỗi dậy một cách tự nhiên nhất, nhưng lại rất chất. Mình cũng đành ngả mũ tập ba.
*** Create - Chế tạo
Giai đoạn sản xuất là một giai đoạn chúng vật lộn với những thứ nguyên vật liệu rẻ nhất mà chúng tìm được ở trường, ở nhà hay trong khu phố để tạo ra những phiên bản rẻ nhất, kinh tế nhất mà vẫn đáp ứng được mục tiêu thực tiễn của dự án. Ở đây, chúng được dạy một sự thật ở đời: không phải ở đâu cũng có nhiều tiền để làm ra những điều xa xỉ, và cái chúng tạo ra không nhất thiết lúc nào cũng phải sang và đẹp, chỉ cần đạt được mục tiêu đề ra.
Nghe cô bé lớp 7 kể mà từng câu chữ “lồ lộ” tư duy chất lừ như thế, mình không thể nào không ngả mũ tập bốn. Có nhiều nơi chỉ làm được những sản phẩm mang vẻ bề ngoài trưng bày, còn thực dạy để học sinh thấm được cái giá trị của việc học như thế thì chắc là đếm trên đầu ngón tay. Còn ở đây, những giáo viên ở trường công nghèo, họ đã nghĩ và họ đã làm vào chiều sâu, chứ không thèm ngó ngàng đến bề nổi.
*** Improve - Cải thiện
Chính cái bước cuối cùng này mới là cái mà mình thật sự ngả mũ toàn tập, tâm phục khẩu phục. Phải nói thật, họ là những người làm giáo dục thật sự sâu và quá đỉnh. Việc cải thiện sản phẩm dự án của tụi nhỏ ở đây sẽ được đi qua 3 vòng:
- Vòng một, tụi trẻ sẽ trình bày ý tưởng trong lớp học để bạn bè phản biện, “đập phá” và cả động viên cho những nỗ lực của từng nhóm. Dựa trên những lời góp ý đôi khi “con trẻ” nhưng rất thiết thực, rất đời của những “người tiêu dùng trong tương lai”, mỗi nhóm sẽ về cải tiến sản phẩm để cho ra phiên bản 2.0.
- Vòng hai, chúng sẽ được kết nối với một chuyên gia trong lĩnh vực đó, để “họp” qua Skype 1-2 tiếng đồng hồ, để được đặt câu hỏi, phản biện, góp ý, hay gợi mở những hướng đi, hướng nghĩ mới dựa trên những kiến thức tiên tiến đang diễn ngay tại thời điểm này trong thế giới khoa học thật sự.
“Thế chuyên gia của dự án này là ai?”, tôi hỏi cô bé Sia.
“Là trưởng khoa của bệnh viện John Hopkins”, Sia trả lời và không ngừng kể về cách cả lớp vỡ ra bao nhiêu điều thật “mới lạ, vĩ mô” nâng cấp phiên bản 3.0. Còn tôi thì sững sờ: Ở đây người ta đã ý thức được “mức độ chết” của nhiều nội dung trong trường học phổ thông, để chủ động kết nối tụi nhỏ với những kiến thức hiện đại, tiên tiến nhất. Để tránh việc tụi nhỏ lại đi vào cái lối mòn của bao người làm giáo dục – dạy hoài một thứ bao năm vẫn vậy.
- Vòng ba là vòng “căng thẳng” nhất, tụi trẻ sẽ trình bày trước Ban Giám Hiệu nhà trường để được cân nhắc có đưa ra “sản xuất” với quy mô lớn, hàng loạt hay không. Tất nhiên không phải dự án nào cũng thành công được nhân rộng, nhưng đi bộ quanh trường thì đâu đó cũng thấy dự án của tụi nhỏ thực làm, nhìn ngộ nghĩnh lắm nhưng biết là ẩn dưới sự ngộ nghĩnh đó là cả một quá trình vận động tư duy kinh khủng, cùng bao nhiêu kiến thức và kỹ năng được thấm thật sâu và thật chất.
“Thế dự án của con có được làm không?”, tôi hỏi Sia về bộ phận thận nhân tạo của nhóm cô bé.
“Không được”.
Và cứ như là cô bé đã đọc sẵn được ý nghĩ trong đầu tôi khi đó, nên bổ sung thêm ngay:
“Quan trọng là quá trình, chứ chưa chắc đã là sản phẩm. Cũng khó tạo ra sản phẩm “xịn” khi không có tiền và còn nhiều thứ tụi con chưa biết. Nhưng cái tụi con có được là… biết cách làm ra nó. Mai kia học lên nữa, con tin sẽ làm được bộ phận nhân tạo mà người ta chịu bỏ tiền cho làm”.
Tôi chỉ biết im lặng, suy nghĩ về cái tư duy của cô bé đó: Nó không đến từ không khí, mà đến từ những thứ người ta đã gieo cho lũ trẻ ở đây. Mưa dầm thấm lâu thật.
- - - - -
Cả ngày hôm ấy, tôi không phải chỉ ngả mũ 5 lần đâu. Cũng với cái tư tưởng và phương pháp ấy, người ta đem vào áp dụng cho tất cả các môn học: ngôn ngữ, văn học, lịch sử, địa lý, âm nhạc, nghệ thuật,… Cứ đi đến đâu là tôi đều cảm giác như trong bầu không khí của ngôi trường công nghèo ấy tràn ngập sức sống tươi mới của sự sáng tạo và sự không ngừng vận động mạnh mẽ của tư duy, vì ai ở đó cũng chung một niềm tin, giá trị và cách làm vì lũ trẻ.
Bước ra khỏi trường, lên xe đánh một vòng quanh khuôn viên trước khi ra về, tôi nhìn đâu cũng thấy những dự án của học sinh “tự hào” bước ra ánh sáng, đứng vững giữa cái trời sương mù gió lạnh. Tất cả cứ như là hiện thân của tư duy lũ trẻ – những chiếc bình gốm được nung nấu một cách chắc chắn trong lò suốt một thời gian dài, để ngày bước ra khỏi lò nung ấy và đến với thế giới rộng lớn bao la, đó chính là những chiếc bình gốm tuy có thể không đẹp nhưng nó chắc chắn và bền lâu hơn cả những chiếc bình hoa tuy đẹp nhưng chắc gì đã đủ chất.
Trong lòng chợt thấy có tí sáng vì thấm từng câu từng chữ:
Tất cả mọi phát minh trong lịch sử đều bắt đầu từ một ý tưởng được cho là “điên rồ”, đến khi người ta không thể coi nó là “điên rồ” nữa.
Đôi nét về TS. Nguyễn Chí Hiếu:
- Học bổng toàn phần A-level của trường Cambridge Tutors College (nước Anh) năm 2001.
- Sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004.
- Học bổng toàn phần của Học viện Kinh Tế và Chính Trị London (LSE). Thủ khoa của khoa Kinh tế trong tất cả các năm học khóa 2004-2007.
- Một trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006.
- Thủ khoa tốt nghiệp của toàn trường LSE. Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Kinh tế trong tất cả các trường đại học ở London năm 2007.
- Học bổng nghiên cứu sinh tiến sỹ Đại học Stanford (Mỹ). Học bổng của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) niên khóa 2007-2012.
- 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng và giảng viên xuất sắc tại ĐH Stanford.
- Học bổng toàn phần chương trình MBA, ĐH Oxford.
TS. Nguyễn Chí Hiếu