Trượt lớp 10 công lập, con trai đi làm thêm để phụ mẹ đóng tiền học nghề

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - Không đỗ vào trường trung học phổ thông công lập, con của chị Dung xin đi làm với mức lương 20 nghìn đồng/giờ để phụ mẹ học phí cho con vào học trường nghề.

Không may mắn như nhiều thí sinh khác, con của chị Dung thiếu 2,5 điểm để đỗ vào trường cấp 3 công lập tại TPHCM. Dù hiểu học lực của con và chuẩn bị sẵn tâm lý cho kết quả này từ đầu năm lớp 9 nhưng gia đình chị vẫn không tránh được cảm giác hụt hẫng.

"Chồng tôi rất sốc, như người "mất hồn" khi thấy con trượt, trách con rất nhiều vì điểm thi kém và nói ra những lời hạ thấp con: "Trong đầu con không có gì hả?"; "Nghĩ sao mà chỉ thi được có từng đó điểm?";…

Tôi cũng tranh cãi với chồng vì không muốn để con nghe những lời mắng mỏ, khiến con thêm tự ti", chị Dung nói.

Trượt lớp 10 công lập, con trai đi làm thêm để phụ mẹ đóng tiền học nghề - 1
Thí sinh thi vào 10 tại TPHCM bước vào làm bài thi môn toán (Ảnh: Nam Anh).

Trượt lớp 10 công lập, con trai đi làm thêm để phụ mẹ đóng học phí

Đi kèm với nỗi buồn là sự lo lắng về kinh tế khi con không thể vào học tại một trường công lập. Chị Dung cho biết, công việc của chị không cố định lại có thêm con nhỏ 2 tuổi, thu nhập hàng tháng của gia đình chỉ vào khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Trừ đi các chi phí sinh hoạt của cả gia đình và tiền học cho các con, chị Dung không để dư ra được nhiều.

Nhận thức được hoàn cảnh gia đình và cho rằng "đây là lỗi của mình", con của chị Dung chủ động xin đi làm để phụ mẹ học phí. Trước đó, vào hè năm lớp 8, nam sinh từng đi làm phục vụ ở quán cà phê của người quen của gia đình cho đến năm lớp 9 thì tạm nghỉ để tập trung ôn thi chuyển cấp.

Sau khi hoàn thành kỳ thi, con trai chị Dung đã quay trở lại công việc tại quán cà phê trước đó và được chủ quán quý mến. Chị Dung hiểu được tính cách của con nên đồng ý cho con đi làm từ sớm để con quen việc, hình thành kỹ năng sống và biết quý trọng đồng tiền.

"Tôi đồng ý cho con đi làm để con học hỏi kinh nghiệm chứ không phải chỉ để kiếm mỗi 20 nghìn đồng/giờ. Tôi thường động viên con cố gắng học hành, hiểu được tầm quan trọng của việc đi học để có công việc tốt hơn, để về sau tiền công con đi làm một ngày phải bằng tiền công của một tháng bây giờ".

Kể từ sau khi để con đi làm, chị Dung nhận thấy con của mình trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn so với khoảng thời gian trước đó.

"Con muốn đi học nghề rồi đi xuất khẩu lao động"

Chị Dung đánh giá, con trai của chị là người tháo vát, hiểu chuyện, phù hợp với những công việc gắn với thực hành trong thực tế thay vì những công việc cần phải đào sâu nghiên cứu, thiên về học thuật. Con của chị cũng nhận thức được điều đó nên nói với gia đình: "Không nhất thiết phải học lớp 10 công lập con mới có thể thành công. Con đi học trường nghề cũng có thể lấy được bằng tốt nghiệp trung học phổ thông rồi đi xuất khẩu lao động".

Hiểu được nguyện vọng và khả năng của con, chị Dung chuẩn bị sẵn tâm lý cho con từ trước khi con bước vào kỳ thi chuyển cấp. Ngay sau đó, chị tìm hiểu một số cơ sở đào tạo nghề có hệ 9+ (đào tạo song song văn hóa và chuyên môn để sau khi ra trường học sinh vừa có bằng cao đẳng, vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông) trên địa bàn thành phố.

Trượt lớp 10 công lập, con trai đi làm thêm để phụ mẹ đóng tiền học nghề - 2
Nam sinh 16 tuổi theo học hệ 9+ của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp (Thái Nguyên) trong tiết học thực hành về điện (Ảnh: Quang Trường)

Mẹ bận việc không thể nghỉ làm, con của chị Dung lại một mình ngồi xe buýt đến một trường đào tạo nghề ở quận Bình Tân để khảo sát, nghe tư vấn của thầy cô trên trường. Sau khi tìm hiểu thông tin, chị nhận thấy mức chi phí cho con theo học tại đây quá sức so với gia đình, cộng thêm khoảng cách xa nhà nên chị lại cùng con tìm thêm phương án khác.

Đến giờ, hai mẹ con chị Dung đã tìm được một cơ sở đào tạo nghề phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Đồng thời, con của chị cũng thuộc diện được miễn học phí học nghề theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014.

Tuy nhiên, chồng của chị Dung luôn kỳ vọng con học lớp 10 như những học sinh "bình thường" khác, đồng thời vẫn chưa vượt ra khỏi cú sốc con đã trượt trường công lập. Dù đã tìm được một môi trường phù hợp nhưng chị Dung còn nhiều băn khoăn vì vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung với chồng về việc học của con sau này.

"Trong mỗi cuộc thi, ai cũng muốn mình là người thắng. Nhưng ngay cả khi con đã thua, đây cũng là cơ hội để cho con và bố mẹ tỉnh lại, suy nghĩ và sống có trách nhiệm hơn", chị Dung nói.

Theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014

Điều 62. Chính sách đối với người học

2. Người học được Nhà nước miễn học phí trong các trường hợp sau đây:

a) Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;

b) Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp;

c) Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.