Lo mất hàng trăm triệu đồng khi chọn ngành bị gọi là "vô dụng"

Hoài Nam

(Dân trí) - Cao điểm chọn ngành chọn trường, nhiều thí sinh thi đại học năm nay băn khoăn, có nên bỏ ra hàng trăm triệu đồng để theo học những ngành bị các tiktoker gọi là "vô dụng nhất".

Thời điểm này, hàng loạt trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm.

Những ngày tới, hơn một triệu thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó hầu hết học sinh sẽ sử dụng kết quả từ kỳ thi này để xét tuyển đại học. 

Lo mất hàng trăm triệu đồng khi chọn ngành bị gọi là vô dụng - 1

Thí sinh hoang mang khi chọn ngành học bị cư dân mạng liệt kê trong danh sách "vô dụng" (Ảnh chụp lại màn hình).

Trước giờ G quyết định ngành nghề theo học, vấn đề chọn ngành, chọn trường học trở thành mối quan tâm hàng đầu với nhiều thí sinh. Trong đó, rất nhiều học sinh băn khoăn, hoang mang về việc có nên theo đuổi những ngành nghề bị các tiktoker lan truyền là "vô dụng nhất"

Trần Mạnh Quân, học sinh lớp 12 ở TPHCM cho biết em đã trúng tuyển vào ngành marketing của hai trường đại học khá có tiếng theo phương thức xét tuyển sớm. Nhưng gần đây, Quân hoang mang khi trên mạng xã hội, nhiều tiktoker liên tục nhắc tên những bằng tốt nghiệp mà họ gọi là "vô dụng nhất" có cả ngành marketing mà Quân đang hướng tới. 

Quân thấy những góc nhìn của các tiktoker không hẳn "bậy bạ", vô lý hoàn toàn. Các phân tích đã chỉ ra những "góc khuất" ít được đề cập.

Cậu học trò trở nên bất an về sự lựa chọn của mình cùng băn khoăn liệu có nên đổi sang ngành hành chính công hoặc đi học nghề nằm trong phương án dự phòng. 

"Bây giờ học phí học đại học rất đắt đỏ. 4 năm học dự tính học phí và sinh hoạt phí hết khoảng 300 triệu đồng. Đây là gánh nặng lớn với bố mẹ, gia đình nên em phải cân nhắc thật kỹ, không là... mất đau", Mạnh Quân chia sẻ. 

Cũng như Quân, trên nhiều diễn đàn, thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng băn khoăn về việc quyết định chọn ngành nghề học. Đặc biệt là với những em chọn các ngành đào tạo rơi vào nhóm bị liệt kê là "vô dụng".

"Em đăng ký vào ngành ngôn ngữ Anh mọi người ơi. Vì em rất thích lĩnh vực ngôn ngữ, thích tiếng Anh nhưng thấy chị tiktoker kia gọi đó là ngành học vô dụng, mấy nay em lo mất ngủ luôn", một nữ sinh than thở.

Ngay sau đó, rất nhiều bạn bè của cô nữ sinh cùng vào bình luận bày tỏ băn khoăn, lo lắng trong việc chọn nghề nghiệp. Đi cùng đó là cả nỗi lo cầm tấm bằng mà thất nghiệp trong tương lai như lời tiktoker cảnh báo. 

Trước đó, trên mạng xã hội, hàng loạt clip bắt đầu bằng những lời mở đầu "Sau đây là danh sách những bằng đại học vô dụng", "Danh sách những bằng đại học vô dụng chúng ta không nên đăng ký học", "Sau đây là danh sách 4 bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam"... 

Nhiều ngành nghề được các tiktoker liệt kê nhưng 4 ngành được "gọi tên" nhiều nhất là quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, ngôn ngữ Anh và marketing.

Lo mất hàng trăm triệu đồng khi chọn ngành bị gọi là vô dụng - 2

Thí sinh trong kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM giành suất vào đại học sớm (Ảnh: T.L).

Cụ thể, một tiktoker cho rằng quản trị kinh doanh là tấm bằng đại học vô dụng vì ngành này "học rất chung chung, ra trường chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp là sale và marketing"; ngôn ngữ Anh là ngành học vô dụng vì thời đại này, không ai không biết tiếng Anh, các bạn nên học ngành khác, sau đó học thêm IELTS là được.

Một tiktoker cho rằng thời này không nhất thiết phải có bằng marketing mới làm marketing được; các bạn có thể tự học trên mạng, tự làm để có kinh nghiệm thay vì đại học vì kiến thức marketing được dạy trong trường rất lỗi thời. 

Thiếu rèn luyện thì học ngành gì cũng... vô dụng

Ths Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) chia sẻ, việc một số tiktoker đưa ra nhận định cá nhân về những nghề "vô dụng" ắt hẳn sẽ gây hoang mang, lo lắng cho không ít thí sinh. Tuy nhiên, các em học sinh cần bình tĩnh, suy xét cẩn thận thông tin từ nhiều nguồn để bình tâm với ngành học mình yêu thích và lựa chọn.

Lo mất hàng trăm triệu đồng khi chọn ngành bị gọi là vô dụng - 3

Học sinh tìm hiểu, nộp hồ sơ xét tuyển sớm vào Trường Đại học Công nghệ TPHCM (Ảnh: T.D).

Bà Dung nhấn mạnh, một ngành học được mở ra trước hết là nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế xã hội, nhu cầu đó có thể tăng cao hoặc suy giảm tại những thời điểm khác nhau. Một ngành có thể "hot" vào hiện tại lại có thể giảm nhu cầu tuyển dụng vào 4-5 năm sau và ngược lại.

Thêm vào đó, nhận xét mang tính cá nhân về một ngành học có thể đúng với người này nhưng không đúng với người khác.

Khi ngành học mình chọn có trong danh sách "vô dụng" theo một vài quan điểm cá nhân, bà Dung cho rằng thí sinh không nên quá lo lắng. Các em cần bình tĩnh hệ thống các thông tin về ưu điểm, hạn chế, đặc trưng riêng của từng ngành từ nhiều nguồn để tìm câu trả lời cho mình. 

"Với việc chọn ngành, có nhiều yếu tố cần xem xét, cân nhắc nhưng quan trọng nhất và đóng vai trò quyết định chính là sở thích và năng lực của bản thân. Vì chỉ có thật sự đam mê mới đem lại sự yêu nghề và thành công với nghề mình chọn", bà Dung cho hay. 

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ, trên mạng có không ít clip thường nói về vấn đề tuyển sinh "bậy bạ", nhiều người "tư vấn" về ngành nghề nhưng không hiểu về ngành nghề đó. 

Một số tiktoker nói lên trải nghiệm cá nhân, cũng có thể đúng cho một vài trường hợp nhưng không đúng cho tất cả. Ngành nào cũng sẽ có người thế này thế kia, quan trọng nhất phải có ý thức học tập nghiêm túc, không ngừng trau dồi kiến thức và học đi đôi với hành để rèn luyện các kỹ năng thực tế. Còn thiếu các yếu tố này thì tốt nghiệp bằng nào cũng thành... vô dụng. 

Đối với băn khoăn của nhiều học sinh có nên bỏ hàng trăm triệu đồng để học những ngành nghề bị gọi là "vô dụng", Phó hiệu trưởng một trường đại học ở TPHCM thẳng thắn: "Không ai trả lời được câu hỏi này!". 

Theo ông, chọn ngành nghề nào chính thí sinh phải quyết định dựa trên các yếu tố như năng lực bản thân, đam mê, điều kiện gia đình, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai... 

Lo mất hàng trăm triệu đồng khi chọn ngành bị gọi là vô dụng - 4

Việc chọn ngành nghề cần dựa vào chính việc hiểu năng lực, sở thích của bản thân (Ảnh: T.D).

Vị Phó hiệu trưởng đưa ra góc nhìn, trường đại học chỉ cung cấp các kiến thức, kỹ năng nền tảng về ngành nghề, không lấy gì đảm bảo "học đại học sẽ thành công". Phần lớn vẫn phải nằm ở nỗ lực cá nhân dựa trên những nền tảng kiến thức vững vàng. 

"Bạn có thể không học đại học mà chọn cách đi khác nhưng với tôi, học đại học vẫn là cách để tiếp cận với lĩnh vực mình yêu thích phù hợp với số đông mọi người", ông bày tỏ. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm