Trường “treo”

Trường dạng hình hộp và suốt 17 năm qua vì vướng giải tỏa mặt bằng, nên vẫn nợ học sinh lời hứa đón trường học mới.

Tiền thân của ngôi trường là hai khối nhà ghép lại, cao sáu tầng, xây dựng trước năm 1975 và được sử dụng làm trường học hơn 26 năm nay. Ngôi trường dạng hình hộp chung cư với màu tường xám cũ, những lớp sơn tường bong ra từng mảng. Nếu không có bảng hiệu, không ai nghĩ đây là Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (TPHCM) nằm ngay mặt tiền đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5.

 

Nỗi khổ giờ trò ra chơi

 

Hàng chục năm nay, giờ ra chơi trở thành nỗi ám ảnh với cô trò Trường Huỳnh Mẫn Đạt. Mỗi ngày, khi tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi vang lên cũng là lúc giáo viên, nhân viên của trường tất tả, đứng ngồi không yên vì lo an toàn cho học sinh. Tiếng HS la hét, rồi chen chúc chạy ùa xuống sảnh để xe máy chơi, nhiều em bị té hay va vào nhau là chuyện bình thường. Những tiếng nói “Đi chậm thôi các con!” vang vọng khắp các tầng lầu nhưng cũng không đủ lớn để các em nghe lời vì quá ồn.

 

Khu vực để xe máy ở tầng trệt có lẽ là nơi vui chơi thoải mái và dễ dàng của các em học ở tầng 1 và 2. Các em tầng 4 và 5 sẽ lên tầng 6 vui chơi, đây cũng là nơi hội họp, chào cờ đầu tuần và là sân thể dục duy nhất của HS. Các HS lớp 1, 2 muốn học thể dục cũng phải lên tận tầng 6 mà cũng chỉ là những bài tập thể dục nhẹ nhàng.

 

Học sinh và giáo viên chen chúc đi lại trong giờ ra chơi. (Ảnh: Phạm Anh)
Học sinh và giáo viên chen chúc đi lại trong giờ ra chơi. (Ảnh: Phạm Anh)

 

Trong lớp, nhiều HS chỉ ngồi tại chỗ vì không có chỗ để chơi. Nhà vệ sinh được thiết kế ngay cửa ra vào lớp học và chỉ có hai phòng cho một nam và một nữ. Bàn học của các em rất nhỏ và được đặt sát bàn giáo viên, có bảng đen nhưng bục giảng chỉ rộng khoảng 30 cm, vừa là nơi để tập vở vừa là chỗ đứng viết bảng cho cô và trò.

 

Không biết chờ đến bao giờ

 

Nét mới năm nay là trường được lắp hệ thống PCCC và lắp cầu thang thoát hiểm từ tầng 5 xuống đất khiến không gian trường vốn chật chội nay càng tối tăm hơn. Nhiều giáo viên ở đây hay gọi đùa là “cầu thang giếng trời” vì được thiết kế theo hình xoắn ốc ngay giữa khoảng không duy nhất của tòa nhà. Một giáo viên ngao ngán: “Nhìn cầu thang cheo leo như thế, nếu có chuyện gì thì người lớn còn chưa dám đi nói gì luống cuống như con nít. Vì an toàn nên trường phải xin ngân sách chi để lắp thôi chứ nếu có tai họa gì chưa chắc thoát được”.

 

Cô Huỳnh Thị Bực, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có 19 lớp học với khoảng 600 HS. Mỗi lớp có diện tích 18-20 m2 với sĩ số 30-40 em/lớp. Trường chật và nhỏ nên cái gì cũng nhỏ từ phòng học, nhà vệ sinh, nhà ăn đến bàn học, bục giảng, cầu thang… Trường phải dùng thư viện lưu động ở tầng 6 để phục vụ các em.
 

“Năm nay, HS đăng ký vào lớp 1 lên đến 160 em nhưng tựu trường chỉ có khoảng hơn 100 em, số còn lại chắc thấy trường nghèo quá nên chạy sang trường khác hết rồi. Nhiều lần, khi các em vào lớp 1, trường hứa trong một vài năm sẽ có trường mới nhưng các em lên lớp 3, rồi ra trường vẫn không biết trường mới ở đâu. Đọc những dòng chữ mơ ước có trường mới của các em trong sổ liên lạc, trong giấy lưu bút dán ở góc lớp mà chỉ muốn khóc” - cô Bực ngậm ngùi nói.

 

Khi nói về trường, cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên dạy lớp 3, không khỏi xúc động. Cô kể cô về trường dạy đã 10 năm mà không mấy khi được nghỉ trưa yên bình. Tiếng HS cười đùa vốn đã ồn nhưng trong không gian bị bít kín bởi các bức tường chồng chéo ngăn cách các phòng học lại càng trở nên chói tai hơn.

 

“Ngày nào cũng vậy, dạy học đã mệt, nghỉ trưa hay giữa buổi mà không khác nào ngồi giữa tổ ong, thấy thương mình, thương HS. Có muốn tổ chức học nhóm cho HS cũng không được vì các em phải ngồi san sát nhau, bàn ghế chật chội, thấy mà thương” - cô Thảo vừa gạt nước mắt vừa nói.

“Khu đất để xây dựng mới Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt có quy mô khoảng 1.500 m2 với hai căn nhà. Lúc quận nhận chuyển giao từ Sở Xây dựng, khu đất này vẫn còn tranh chấp giữa hai hộ dân. Khi có dự án xây trường học, quận đã thỏa thuận đền bù, di dời được một căn, riêng căn còn lại có ba hộ sinh sống. Quận đã bố trí một căn nhà khác bên ngoài dự án để ba hộ này ổn định cuộc sống nhưng những người này vẫn không chịu. Quận đã sẵn sàng các phương án đầu tư xây dựng Trường Huỳnh Mẫn Đạt, chỉ chờ di dời xong hộ dân này là có thể bắt tay vào thực hiện. Chúng tôi đang xin ý kiến TP để cưỡng chế các hộ dân còn lại trong thời gian tới”. - Bà Huỳnh Thị Thảo, Chủ tịch UBND quận 5, TPHCM

 

Theo Phạm Anh - Việt Hoa

Pháp luật TPHCM