Quảng Bình:
Trường thu cao, phụ huynh xã nghèo kêu trời
(Dân trí) - Xuân Trạch là xã miền núi 135 đặc biệt khó khăn ở huyện Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 82%. Nhưng các bậc phụ huynh có con đang theo học tại Trường Mầm non xã Xuân Trạch lại đang phải oằn mình đóng đậu với mức thu tăng gần gấp đôi so với năm trước.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/truong-thu-tien-bom-thuoc-muoi-954689.htm'><b> >> Trường thu tiền bơm thuốc muỗi</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tre-mam-non-phai-dong-tien-tra-no-cho-truong-953578.htm'><b> >> Trẻ mầm non phải đóng tiền trả nợ cho trường?</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phu-huynh-khoc-rong-vi-cac-khoan-dong-dau-nam-953481.htm'><b> >> Phụ huynh “khóc ròng” vì các khoản đóng đầu năm</b></a>
“Thắt lưng buộc bụng” cho con đến trường
Một phụ huynh xin được giấu tên kêu trời: “Thu mà cao như ri thì những người nghèo như nhà tui biết lấy mô ra. Hai vợ chồng tui chỉ có vài sào ruộng, nhưng khổ nỗi nước nôi không có nên dường như bỏ hoang quanh năm. Ở cái đất ni, muốn làm thêm nghề chi cũng khó. Hôm trước có mấy người trong xóm rủ chồng tui vô rừng chặt gỗ về bán kiếm tiền nộp tiền học cho con, nhưng vì sợ bị bắt nên tôi không dám cho chồng đi. Thôi đành “thắt lưng buộc bụng” cho con học cho biết cái chữ, sau này có bỏ học đi làm thuê cũng không bị thiên hạ chê trách mù chữ”.
Liên quan đến khoản thu đầu năm học, nếu có ý kiến gì về khoản thu của các trường, bạn đọc có thể phản ánh thông tin tới báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email: dantri@dantri.com.vn Xin trân trọng cảm ơn! |
“Mập mờ” về các khoản thu
Để hiểu rõ hơn về mức thu cao như phụ huynh phản ánh, PV Dân trí đã có cuộc làm việc với bà Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Trạch. Tại cuộc trao đổi, bà Nhung cũng thừa nhận mức thu như vậy là hơi cao.
Tuy nhiên, khi PV đưa ra thông tin, nhiều phụ huynh cho biết, tổng số tiền mà các cháu phải đóng đậu (mức cao nhất 1.880.000 đồng - PV), phụ huynh đều đóng cho giáo viên chủ nhiệm. Sau đó, bà Nhung cho gọi một giáo viên chủ nhiệm của một lớp ra đối chiếu thì phát hiện số tiền mà phụ huynh đóng đậu đều nằm trong danh sách giáo viên này thu.
Khi PV đề cập về khoản thu năm ngoái chưa đến 1 triệu đồng, nhưng năm nay lại cao gần gấp đôi, bà Nhung cho rằng: “Sở dĩ năm nay mức thu cao hơn là do nhà trường đầu tư một số trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ cho các cháu tốt hơn. Đặc biệt, tại điểm trường chính Vĩnh Sơn, nhà trường đang xây dựng nhà ăn bán trú và dự kiến mua thêm sạp ngủ để phục vụ các cháu nên cũng hơi cao so với năm ngoái”.
Trước những khoản thu khiến nhiều bậc phụ huynh bất bình, PV Dân trí đã làm việc với ông Cao Thế Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch. Ông Vĩnh cũng thừa nhận, mức thu như thế là hơi cao so với một xã nghèo, nhưng vì ngân sách của xã còn hạn chế, dù hàng năm xã cũng đã tích cực đầu tư cho các trường học đóng trên địa bàn.
“Mặc dù vẫn biết kinh tế địa phương đang còn rất nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua, UBND xã và nhà trường cũng đã rất nỗ lực trong công tác “xã hội hóa giáo dục” với mong muốn nền giáo dục xã nhà ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu trường có chỗ nào chưa phù hợp về cách làm thì xã sẽ có ý kiến để trường cân nhắc, xem xét và rút kinh nghiệm, còn nếu có sai phạm mà nhà trường giải quyết không dứt điểm thì xã sẽ tiến hành vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm”, ông Vĩnh khẳng định.
Đặng Tài - Phúc Lịnh