Trường ngoài công lập lại đòi đổi mới chính sách tuyển sinh

(Dân trí) - Hôm 1/2, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại phải tiếp tục “họp nóng” với các trường thành viên để thống nhất nội dung kiến nghị Bộ GD-ĐT về đổi mới chính sách tuyển sinh ĐH, CĐ.

Sở dĩ có cuộc “họp nóng” này là do trước đó, ngày 7/1, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiến nghị Bộ sớm trao quyền tự chủ tuyển sinh theo đúng Điều 34 Luật Giáo dục ĐH. Sau khi tiếp nhận công văn này, ngày 18/1, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có công văn trả lời trong đó gợi ý để các trường ĐH, CĐ NCL tự xây dựng đề án thi tuyển sinh riêng cho mình.
 
Các trường NCL lại họp nóng để bàn kiến nghị Bộ GD-ĐT công tác tuyển sinh 2013.

Các trường NCL lại "họp nóng" để bàn kiến nghị Bộ GD-ĐT công tác tuyển sinh 2013.

Theo TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường NCL thì từ hai năm trở lại đây và nhất là trong năm 2012, việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ ngoài NCL cũng như một số trường công lập ở địa phương gặp nhiều khó khăn, hầu hết các trường đều không thực hiện được kế hoạch tuyển sinh riêng. Năm 2012, trong số hơn 80 trường NCL chỉ có một số nhỏ trường tuyển sinh được gần đủ hoặc đủ chỉ tiêu. Phần lớn trường chỉ tuyển được 30-60%, không ít trường chỉ tuyển được 20-30%, thậm chí có trường chỉ tuyển được một lượng nhỏ đáng kể. Trong số hàng loạt trường không tuyển đủ chỉ tiêu có không ít trường ĐH NCL đã được Bộ GD-ĐT kiểm định, nhiều năm nay không thiếu chỉ tiêu, có cơ sở vật chất khá khang trang, có đội ngũ giảng viên là những giáo sư nối tiếng và có đội ngũ lãnh đạo là những người đã từng đảm đương vai trò quản lý chủ chốt trong ngành...

“Theo dự báo của nhiều chuyên gia giáo dục, nếu chính sách tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên như hiện nay thì chỉ vài năm nữa sẽ có hàng loạt trường ĐH, CĐ phải tự giải thể do hết nguồn tuyển” - TS Khuyến nói.

Lãnh đạo Hiệp hội các trường NCL cũng cho rằng, gợi mở đưa ra của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chẳng khác gì đánh đó các trường NCL. Trên thực tế, ngay như các trường công có bề dày truyền thống như hai ĐH Quốc gia thì đến này vẫn chưa được Bộ GD-ĐT chấp nhận đề án tuyển sinh riêng. Trong khi đó Bộ lại không đưa ra tiêu chí cụ thể thì làm sao chấp thuận đề án của trường NCL.

GS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Thăng Long khẳng định: “Để lập được đề án tuyển sinh riêng đòi hỏi trường đó phải đạt kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, cho đến nay số trường được kiểm định rất ít, trường NCL thì lại càng hiếm. Nói cách khác, gợi ý của Bộ trưởng là quá khó cho trường NCL”.

Trước “đường cụt” này, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL chuyển sang hướng phân tích nguyên nhân dẫn đến việc cạn kiệt nguồn tuyển và đề xuất phương án giải quyết trước mắt để “cứu” các trường trong năm 2013.

4 nguyên nhân chính khiến cạn kiệt nguồn tuyển

Hiệp hội các trường NCL cho hay, nghiên cứu ý kiến của các trường ĐH, CĐ NCL và của nhiều chuyên gia hàng đầu về giáo dục thì có thể do nhiều lý do nhưng tâm điểm vẫn là nguyên nhân do nguồn tuyển cạn kiệt. Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến sự cạn kiệt đó.

Một là, từ năm 2012 Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường ĐH, CĐ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy của tất cả các trường công lập đã đạt con số kỷ lục là 504.000, vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ngành (cả công lập lẫn NCL) trước đó 3 năm là 502.000.

Trong khi, tổng số thí sinh dự thi ĐH, CĐ hàng năm tương đối ổn định nên việc tăng thoải mái chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập đã làm hẹp cửa tuyển sinh cho các trường thuộc khu vực NCL.

Hai là, kì thi tuyển sinh “3 chung” của Bộ GD-ĐT trong nhiều năm qua thường cho kết quả rất thấp, nhiều môn thi có kết quả rất yếu, mặc dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT lại cao “chót vót”. Trong nhiều năm tổng điểm 3 môn thi của phần lớn thí sinh chỉ rơi vào khoảng 7 - 8/30 điểm nhưng “điểm sàn” được Bộ chọn lại dao động từ 13-15. Để giải thích điều “lạ thường” đó, người ta có thể đỗ lỗi cho chất lượng học sinh, đội ngũ giáo viên, chương trình.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến điều lạ thường này là đề thi của Bộ hàng năm thường không chuẩn, năm khó năm dễ, môn khó môn dễ. Theo lý luận đánh giá trong giáo dục, chỉ cần nhìn vào phổ điểm ở các môn thi là đủ thấy sự không khách quan và không chuẩn của phần lớn đề thi do Bộ chuẩn bị trong nhiều năm qua.

Ba là, quy định “điểm sàn” theo sáng kiến của Bộ GD-ĐT làm cho nhiều trường ĐH, CĐ NCL và cả các trường của địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh, do nguồn tuyển từ “điểm sàn” trở lên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt khi các trường ĐH công lập “tốp trên” xác định điểm chuẩn vào trường áp sát “điểm sàn” của Bộ.

Mặt khác, quy định xây dựng “điểm sàn” của Bộ GD-ĐT trong nhiều năm qua rất không chính xác. Bên cạnh đó, khái niệm “điểm sàn” lại càng trở nên vô nghĩa khi đề thi không mang tính chất tiêu chuẩn.

Bốn là, kết quả điểm thi tuyển sinh quá thấp và Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ được tự hạ điểm chuẩn và không hạn chế số lần gọi nhập học cho đến gần hết năm trên thực tế sẽ không gây khó khăn (thậm chí còn tạo thêm thuận lợi) cho số ít các trường ĐH công lập thuộc “tốp trên”, nhưng với các trường thuộc “tốp giữa” và “tốp dưới”, trong đó có phần lớn các trường ĐH, CĐ NCL, thì nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu và bị động về thời gian khai giảng trở nên rõ ràng, gây sự lãng phí lớn về cơ sở vật chất và năng lực đào tạo.

Kiến nghị để cứu mùa tuyển sinh 2013

Trước việc Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định chỉ thay đổi tuyển sinh sau năm 2015, điều đó đồng nghĩa từ nay cho đến 2015 vẫn giữ phương thức thi “3 chung” nên các Hiệp hội các trường đã tính đến phương án kiến nghị “dài hơn” và trước mắt.

Về lâu dài Hiệp hội các trường NCL sẽ kiên trì đề nghị Bộ GD-ĐT sớm loại bỏ phương thức thi tuyển “3 chung” đã không phù hợp, khẩn trương chuẩn bị triển khai Đề án sát nhập hai kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ theo đúng tinh thần của Điều 34, Luật giáo dục ĐH. Bộ GD-ĐT không nên đẩy trách nhiệm tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương cũng như kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho từng trường riêng lẻ mà phải xem đó là trách nhiệm chính trị quan trọng của chính mình, bằng mọi giá phải làm tốt.

Trước mắt, trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Hiệp hội đề nghị Bộ GD-ĐT công khai phổ điểm của từng môn thi và phổ tổng điểm của 3 môn thi đối với từng khối thi để xã hội có thể đánh giá tính khách quan và tính tiêu chuẩn của từng đề thi cũng như các bộ đề thi của Bộ GD-ĐT. Đại điện của các trường NCL cho biết, vài năm trở lại đây Bộ GD-ĐT đã không đưa ra phổ điểm này và năm 2012 trong các phương án lựa chọn điểm sàn cũng không thấy đâu. Bộ chỉ đưa ra 3 phương án lựa chọn và sau đó để cho Hội đồng điểm sàn biểu quyết.

Bên cạnh đó, bỏ quy định “điểm sàn” hoặc chí ít phải lấy “điểm sàn tốt thiểu” từ đỉnh phổ điểm của tổng 3 môn thi đối với từng khối thi nếu kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ tiến hành không đạt được các tính chất khách quan và tiêu chuẩn. Có quy định thời hạn cụ thể của chừng 3 đợt gọi tuyển kế tiếp nhau và cho các trường được chủ động đăng ký gọi tuyển chỉ ở một trong ba đợt đó. Trong mỗi đợt, nhà trường được quyền gọi tuyển nhiều lần nhưng không được gọi vượt quá thời gian quy định cho mỗi đợt để tránh gây rối.

Các trường NCL cũng cho rằng, nếu duy trì “điểm sàn” như hiện nay thì cần phải thực hiện cơ chế phân tầng. Các trường ĐH quốc gia, các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH xuất sắc cũng như các trường ĐH trực thuộc Trung ương để thực sự xứng đáng với đẳng cấp của mình, với sự ưu ái của nhà nước, xã hội phải chấp nhận mức “điểm sàn” cao hơn “điểm sàn tối thiểu”. Riêng với các trường ngoài công lập cũng như các trường địa phương, do không nhận ngân sách từ trung ương, nên được quyền chọn mức “điểm sàn” tùy theo tuyên bố sứ mệnh của mình, miễn sao cao hơn “điểm sàn tối thiểu”

Lãnh đạo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết sẽ gửi những kiến nghị này lên Bộ GD-ĐT trước Tết nguyên đán để kịp cho công tác tuyển sinh 2013. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục làm việc và kiến nghị lên các cấp cao hơn để đòi quyền lợi.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm