Họp bàn “cứu” sự tan rã của nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập
(Dân trí) - Sáng nay 5/3, Bộ GD-ĐT đã họp với Hiệp hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập (NCL) theo sự yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về những kiến nghị khẩn cấp của Hiệp hội về nguy cơ tan rã của nhiều trường NCL.
Chủ trì buổi làm việc là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Cuộc họp diễn ra gần 4 giờ đồng hồ với nhiều ý kiến phát biểu của nhiều chuyên gia giáo dục.
Tại buổi họp, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội đã khẳng định sự góp mặt của loại hình trường đại học, cao đẳng NCL vào bức tranh tổng thể giáo dục đại học Việt Nam hơn 20 năm qua đã tạo nên diện mạo mới cho giáo dục - đào tạo Việt Nam. Tuy nhiên, GS Quân cho rằng: “Chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng nhưng chỉ đúng khi chủ trương này có một cơ chế chính sách hợp lí, đối xử công bằng như các trường công lập. Đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương có đánh giá khách quan về tình hình phát triển hệ thống các trường NCL 20 năm qua, những điểm yếu và điểm mạnh để từ đó tìm ra nguyên nhân khắc phục sự nguy cơ đóng cửa của nhiều trường NCL. Đặc biệt, mong muốn Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm chỉnh những văn bản đã ban hành để từ đó có cơ chế chính sách phù hợp, tạo cơ chế công bằng đối với các trường NCL”.
Tiếp thu các ý kiến Hiệp hội đã đề nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Một số điều vượt quá thẩm quyền của Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng sẽ trình Chính phủ quyết. Lộ trình tuyển sinh từ nay tới năm 2015, về cơ bản không có gì thay đổi, nếu thay đổi sẽ thực hiện sau năm 2015”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Luận đề nghị Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cần quán triệt tới các trường lập phương án cụ thể, nếu xét thấy phù hợp sẽ chấp thuận trong những đề nghị về tuyển sinh.
Trước đó, ngày 17/1/2013, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng NCL Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tình hình khẩn cấp của khối các trường đại học, cao đẳng NCL.
Theo Hiệp hội, đến năm 2012 cả nước có 81 trường đại học, cao đẳng NCL, dù đã và đang “gồng” mình lên vượt khó khăn để đào tạo nhưng hàng năm mới chỉ đạt 14% số sinh viên cả nước. Điều hệ trọng cấp bách hiện nay là nếu không có những thay đổi kịp thời thì trong vài năm tới chắc chắn một loạt trường NCL phải đóng cửa, hoặc phá sản; làm nản lòng các nhà giáo và các nhà đầu tư đang hoặc sẽ có ý định tham gia hoạt động giáo dục - đào tạo.
Nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, trong đó nguyên nhân trực tiếp là trong vài năm gần đây chủ trương tuyển sinh tạo những trở ngại làm cho các trường NCL khó tuyển đủ chỉ tiêu. (Nhiều trường công lập ở địa phương, một số ngành như Sư phạm, Khoa học xã hội trong nhiều trường công lập khác cũng khó tuyển sinh nhưng các trường này không phá sản vì là trường công có ngân sách Nhà nước rót xuống).
Vấn đề quan trọng nhất mà Hiệp hội đề nghị là Bộ GD-ĐT thực hiện ngay Luật Giáo dục đại học (GDĐH) có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2013, trong đó có Điều 34 về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh. Theo đó, các “cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. “Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển”(mục 2. Điều 34 Luật GDĐH). Đây là điều khoản tốt trong Luật GDĐH, cần được thực hiện ngay từ mùa thi năm 2013 và đúng tinh thần trên. Bộ GD-ĐT chỉ cần tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn công việc tuyển sinh: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển sinh thì trao quyền tự chủ cho các trường, thực hiện theo đúng Luật GDĐH.
Hồng Hạnh