Trường mầm non ngoài công lập khó với ưu đãi thuế

(Dân trí) - Các tiêu chí để các trường mầm non ngoài công lập được ưu đãi thuế quá cao, với khó tới nên các nhân hay tổ chức đầu tư cho giáo dục không dễ dàng được ưu đãi về thuế.

Những bất cập liên quan đến chính sách thuế đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công được đề cập tại buổi làm việc của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM với Cục Thuế TPHCM.

Ông Đỗ Quốc Tuấn - phó trưởng phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế TPHCM cho biết, các cơ sở giáo dục mầm non do một cá nhân hoặc tổ chức thành lập phải kê khai nộp các loại thuế: môn bài, thuế thu nhập cá nhân (cơ sở do một cá nhân làm chủ) hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp (do tổ chức kinh doanh thành lập).
 
Trường mầm non ngoài công lập khó tiếp cận với chính sách ưu đãi thuế.
Trường mầm non ngoài công lập khó tiếp cận với chính sách ưu đãi thuế.
 
Theo đó, mức thuế mà các cơ sở này phải nộp được tính bằng thu nhập tính thuế cá nhân với thuế suất. Trong đó, mức thuế suất đối với doanh nghiệp hiện nay là 22%, đối với cá nhân khoảng 5-35% tùy theo thu nhập từng năm.

Người này chỉ ra bất cập hiện nay, luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành không quy định ưu đãi với cơ sở giáo dục ngoài công lập nói chung. Còn đối với doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo sẽ được áp dụng ưu đãi thuế suất 10% nhưng phải đáp ứng các tiêu chí của Quyết định 1466 do Thủ tướng chính phủ quy định từ năm 2008.

Cụ thể, với mầm non phải nuôi giữ ít nhất 100 trẻ, số trẻ trong lớp phải đúng chuẩn, diện tích tối thiểu 8m2/trẻ, hoạt động ổn định ít nhất ba năm… Tiểu học cũng yêu cầu những tiêu chí bất hợp lý tương tự.

Ông Đỗ Quốc Tuấn nhấn mạnh, hầu hết các cơ sở đều làm hồ sơ đăng ký theo chính sách ưu đãi nhưng không có cơ sở nào đạt được các tiêu chí của luật đưa ra, nhất là với điều kiện đất chật, người đông. Cơ quan Thuế cũng rất sợ khi nhắc đến thu thuế với các trường mầm non vì đụng đến cơ sở nào thì cơ sở đó nằm trong diện phải truy thu.

Nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM có rất nhiều cơ sở mầm non nhỏ lẻ, nhóm trẻ gia đình do cá nhân làm chủ. Nên chăng, chính sách ưu đãi này nên áp dụng cả với cá nhân, nếu chỉ áp dụng với tổ chức kinh doanh là không hợp lý. Hơn nữa, thuế suất ưu đãi nên chia theo từng nhóm để phù hợp với nhiều loại hình cơ sở, ở nhiều địa bàn như vốn đầu tư nước ngoài, quốc tế, trong khu công nghiệp….

Ông Huỳnh Công Hùng - trưởng ban Văn hóa xã hội - HĐND TPHCM cho rằng, ở TPHCM vì thiếu trường, thiếu lớp, đội ngũ, bậc học mầm non phải nhờ vào xã hội hóa đến 80%. Những cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục này hỗ trợ rất nhiều cho ngành giáo dục, giải quyết chỗ học cho trẻ nhưng hoạt động của họ ít nhiều phải mang tính kinh doanh để cải thiện sức lao động và duy trì các nguồn thu để có thể hoạt động.

Việc kêu gọi xã hội chia sẻ, hỗ trợ, kêu gọi trường ngoài công lập nâng cao chất lượng là không khả thi nếu nhà nước không có chế độ ưu đãi về chính sách để khuyến khích lực lượng này. Nếu để được ưu đãi như quy định trên, với điều kiện như TPHCM sẽ không bao giờ đạt được.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm