Trường học Nhật Bản: Biến nhà vệ sinh thành nơi… thú vị
(Dân trí) - Bẩn, hôi, tối, đáng sợ và hỏng hóc là 5 tính từ thường xuyên được sử dụng để mô tả nhà vệ sinh ở các trường học công ở Nhật Bản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều vùng ở Nhật Bản đã nỗ lực cải tạo nhà vệ sinh ở trường học trở thành một nơi thú vị.
Nhà vệ sinh đẹp như… nơi muốn đến trò chuyện
Bằng cách chuyển đổi từ nhà vệ sinh ngồi xổm sang tiêu chuẩn phương Tây, các nhà vệ sinh kiểu mới có cách trang trí đầy màu sắc và được lắp đặt bàn ghế để học sinh có thể tụ tập cùng nhau trò chuyện.
Theo The Japan Times, chi phí sửa chữa được xem là một trong những trở ngại dẫn đến sự khác nhau về mức độ cải tạo nhà vệ sinh ở các trường học.
Mùa hè năm 2014, trường Tiểu học Kiriharahigashi ở Omihachiman, tỉnh Shiga đã chuyển đổi phần lớn nhà vệ sinh kiểu Nhật thành những phòng đạt tiêu chuẩn phương Tây với chức năng giặt là. Các nhà vệ sinh cũng được trang trí theo chủ đề khác nhau theo từng cấp, từ vũ trụ cho tới rừng già, và được sơn màu trắng.
Theo đó, năm 2015, trường Kiriharahigashi được công nhận là trường học có phòng tắm tốt nhất cả nước.
Trước khi nhà vệ sinh được xây dựng, học sinh của trường được tham gia các buổi học thiết kế và tự tay làm những mảnh ghép cho một trong những bức tường nhà vệ sinh. Saho Yoshioka và Wakaba Yoshida (12 tuổi, học sinh lớp 6) nói rằng các em thấy rất vui vì có toilet mới và hi vọng mọi người luôn giữ chúng sạch sẽ để người khác sử dụng.
Trường Trung học cơ sở (THCS) Đông Hachiman đã lắp đặt băng ghế gần lối vào nhà vệ sinh để học sinh để đồ lên. Bên cạnh đó, các nhà vệ sinh còn được lát gạch trắng, có cửa gỗ ở mỗi gian, vừa mang lại cảm giác sạch sẽ vừa ấm áp. Giữa mỗi phòng vệ sinh cũng có một cái bàn.
“Trong thời gian nghỉ, em muốn đến đây và nói chuyện với bạn bè.” - Kaede Suetsugu, 15 tuổi, học sinh năm thứ 3 trung học chia sẻ.
Chính quyền thành phố Omihachiman cho biết, việc ưu tiên cải tạo nhà vệ sinh trường học giúp tạo ra môi trường học tập tốt hơn. Chính quyền thành phố cũng tin rằng, các nhà vệ sinh không đảm bảo có thể khiến học sinh nghỉ học, bởi nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các em và làm tăng các vụ bắt nạt trong trường học.
Thành phố Toyokawa, tỉnh Aichi, cũng đã kết hợp các thiết kế nhiều màu sắc trên các cánh cửa nhà vệ sinh tại trường tiểu học Tobu. Tương tự, trường THCS Otowa đã sơn các cánh cửa ra vào với màu sắc khác nhau theo từng khối.
Trường tiểu học Koyo ở thành phố Toyama cũng lắp đặt các băng ghế, nhiều bể cá và chậu hoa gần lối vào nhà vệ sinh. Ngoài ra nhà trường còn treo tranh ảnh trước các gian vệ sinh của nữ và bồn đi tiểu của nam.
Chi phí cải tạo nhà vệ sinh lên đến 60 – 70 triệu Yên
Theo Japan Times, 60 – 70 triệu Yên (12 – 14 tỷ VND) là chi phí cần để cải tạo tất cả các nhà vệ sinh ở mỗi trường học. Thành phố Omihachiman đã bắt đầu cải tạo phòng tắm ở 12 trường tiểu học và trung học cơ sở trong năm 2011.
Tuy nhiên, không phải tất cả các đô thị đều có thể thực hiện được công cuộc cải tạo này.
Một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể Thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về tình trạng các nhà vệ sinh của trường tiểu học và trung học công lập cho thấy chỉ có 43.3% nhà vệ sinh được xây dựng theo tiêu chuẩn phương Tây vào tháng 4 năm ngoái.
Các trường học có thể nhận được trợ cấp lên tới 1/3 chi phí cải tạo từ Chính phủ, nhưng họ phải tiến hành đổi mới toàn bộ để đạt yêu cầu về chất lượng. Ngoài ra, tổng chi phí cải tạo cho mỗi trường phải cao hơn 4 triệu Yên mới đủ điều kiện nhận trợ cấp.
Ở thành phố Gifu, thuộc tỉnh Gifu, tỷ lệ chuyển đổi sang phòng vệ sinh tiêu chuẩn phương Tây là 25%. Trong vòng 2 năm, đến cuối năm 2016, thành phố đã lắp đặt ít nhất một nhà vệ sinh đạt chuẩn phương Tây ở tầng một của 69 trường tiểu học và trung học dưới sự quản lý của thành phố.
Trong khi đó, tỷ lệ này đứng ở mức 32.2% đối với thành phố Nagoya (tỉnh Aichi), nơi có kế hoạch cải tạo nhà vệ sinh khi mới bắt đầu công cuộc cải tạo các trường học trên quy mô lớn.
“Chúng tôi muốn xây dựng các trường chịu được động đất, sau đó lắp đặt điều hòa” – một viên chức của thành phố nói – “Chúng tôi muốn tiến hành cải tạo nhà vệ sinh càng sớm càng tốt, nhưng cần có nguồn tài trợ.”
Huyền Vũ
Theo The Japan Times