Trường học hạnh phúc - một trong 10 dấu ấn ngành giáo dục TPHCM năm 2024
(Dân trí) - Năm 2024, ngành giáo dục TPHCM có hàng hoạt dấu ấn với trường học hạnh phúc, được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, trường học số...
1. Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045
Chiến lược đã cụ thể hóa chiến lược phát triển giáo dục quốc gia và gắn các mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, đẩy mạnh tốc độ xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng mới trường lớp, đáp ứng chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số.
Chiến lược góp phần đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
2. TPHCM được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO
Tháng 2/2024, UNESCO công nhận TPHCM được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Đây là kết quả của quá trình tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người dân thành phố; thể hiện sự công nhận của thế giới đối với các chính sách, cam kết, nỗ lực của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong việc đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Công tác triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập gắn với triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và Phong trào thi đua "Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" đạt hiệu quả, thực chất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tình hình của thành phố.
3. Chuyển đổi số - khai thác dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục
Mô hình Trường học số hiện đại được triển khai dựa trên nền tảng quản lý và học tập trực tuyến tiên tiến, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận công nghệ mới nhất. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả và chất lượng giảng dạy, đồng thời hỗ trợ xây dựng một hệ thống giáo dục thông minh và bền vững.
Với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, thành phố đã xây dựng lộ trình cụ thể, liên tục cập nhật để đáp ứng xu hướng công nghệ toàn cầu. Một trong những bước quan trọng là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, làm nền tảng cho việc phân tích, dự báo và ra quyết định.
Việc ứng dụng AI trong giáo dục không chỉ cá nhân hóa việc học tập mà còn hỗ trợ phân luồng học sinh từ sớm, dự báo nhu cầu giáo dục tương lai và tối ưu hóa chiến lược phát triển.
4. Tổng kết 10 năm thực hiện các đề án giáo dục
Năm 2024, TPHCM tổng kết 10 năm thực hiện các đề án giáo dục gồm thí điểm mô hình giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi và đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam".
Đối với thí điểm mô hình giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, qua 10 năm thực hiện, đến nay có 20 quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện mô hình với 241 cơ sở giáo dục mầm non, 272 nhóm trẻ.
Về đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam", sau 10 năm thực hiện đạt được kết quả vượt trội như hiệu suất đào tạo được đảm bảo, chất lượng giáo dục nói chung và kết quả học tập bộ môn tiếng Anh của học sinh ngày càng được nâng cao, đặc biệt là khả năng sử dụng tiếng Anh của học sinh được cải thiện rõ rệt, số học sinh, trường học tham gia tăng qua các năm.
5. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng vượt bậc
Năm học 2023-2024, giáo dục thành phố đạt được những thành tích nổi bật trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia với 4 dự án tham dự đều đạt giải.
Đội tuyển học sinh giỏi thành phố xếp thứ 2 trong Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia, vượt 10 bậc so với kết quả năm học 2022-2023; thành phố liên tục 8 năm liền giữ vững vị trí dẫn đầu điểm thi môn tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
6. Đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ
Năm 2024, 100% đạt chuẩn phổ cập trẻ em 5 tuổi, 100% đạt chuẩn phổ cập bậc tiểu học mức độ 3, 100% đạt chuẩn phổ cập bậc trung học mức độ 3, 100% đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Ngày 20/9/2024, Bộ GD&ĐT ban hành quyết định công nhận THPT đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.
7. Trường học số
Trong năm 2024, ngành đã triển khai Bộ tiêu chuẩn công nhận trường học số như một bước đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Đây không chỉ là công cụ đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục đạt chuẩn trường học số, mà còn là một tiền đề chiến lược để định hướng các giải pháp sáng tạo và đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại.
8. Trường học hạnh phúc
TPHCM là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Từ khi triển khai thực hiện đến nay, mô hình đã đạt được hiệu quả góp phần xây dựng hình ảnh con người thành phố "Sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo"; lan tỏa mối quan hệ tốt đẹp trong mỗi nhà trường, vun đắp tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau, tạo môi trường giáo dục thân thiện, học tập tích cực trong toàn ngành.
9. 10 năm liên tiếp giữ ngôi vị đầu bảng xếp hạng Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc
Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024 tổ chức tại Hải Phòng, có 63 tỉnh thành tham dự. Đoàn thể thao học sinh THPT với hơn 600 thành viên đăng ký tham dự tất cả các nội dung thi đấu của 15 môn thể thao; đạt 275 huy chương vàng, 141 huy chương bạc, 123 huy chương đồng, tổng điểm chung cuộc là 6699 điểm đạt giải nhất toàn quốc.
10. Ký hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành công nghệ thông tin-truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị) giai đoạn 2020-2035 và đại học chia sẻ được TPHCM phê duyệt tháng 7/2021 nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế, góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao, từ đó giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.
Năm 2024 đã nghiệm thu và tổng kết 4 đề án và Sở Khoa học - Công nghệ đã ký bàn giao các đề án này cho Sở GD&ĐT TPHCM để triển khai.