Cứ 5 trường học ở TPHCM có 4 trường không đạt yêu cầu về tiếng ồn
(Dân trí) - Chỉ 18% trường học ở TPHCM đạt yêu cầu về tiếng ồn (≤ 55dBA). Như vậy, trung bình cứ 5 trường học ở thành phố, chỉ khoảng một trường đạt yêu cầu về tiếng ồn.
Chỉ 18% trường học tại TPHCM đạt yêu cầu về tiếng ồn (≤ 55dBA), 28% đạt yêu cầu về ánh sáng (≥ 300 lux) và 28% trường đạt yêu cầu về nồng độ CO2 (≤ 0,1%).
Thông tin được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, Sở Y tế TPHCM, công bố ngày 17/12 trong báo cáo công tác giám sát vệ sinh phòng học và vệ sinh tay năm 2024.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đánh giá, 27/95 trường giám sát đạt ánh sáng, chiếm tỷ lệ 28%; 17/95 trường giám sát đạt tiếng ồn (chiếm tỷ lệ 18%), các trường nằm gần đường giao thông hoặc có khu tập thể dục gần khu phòng học có tiếng ồn cao hơn mức tiêu chuẩn cho phép.
27/95 trường giám sát có nồng độ CO2 đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 28%. Phần lớn các trường có sử dụng máy lạnh nhưng không có quạt hút có nồng độ CO2 cao hơn mức tiêu chuẩn cho phép.
Đặc biệt, theo số liệu kết quả khảo sát, có tới 46/95 trường không đạt yêu cầu về cả ánh sáng, tiếng ồn và nồng độ CO2 trong phòng học, tỷ lệ 48,42%.
Chỉ có 7/95 trường đạt các yêu cầu về giám sát ánh sáng, tiếng ồn và nồng độ CO2, tỷ lệ 7,36%. Đa phần các trường chỉ đạt 1-2 tiêu chí.
Qua kết quả giám sát trường học trên địa bàn thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố kiến nghị phòng GD&ĐT, trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức phối hợp giám sát các chỉ số vệ sinh phòng học như ánh sáng, tiếng ồn, nồng độ CO2 của các trường trên địa bàn hàng năm.
Các trường cần tăng cường ánh sáng trong các phòng học chưa đạt yêu cầu về ánh sáng, tăng cường trao đổi khí tại các phòng học chưa đạt yêu cầu về nồng độ CO2, rà soát bố trí đủ số lượng vòi rửa tay theo đúng quy định, xà phòng và bảng quy trình rửa tay.
Báo cáo được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thực hiện giám sát tại 95 trường học, với 3.355 phòng học và phòng chức năng (3.037 phòng học, 298 phòng tin học và thực hành lý - hóa - sinh) từ ngày 23/9 đến ngày 27/11/2024.
Nội dung giám sát nhằm đánh giá các yếu tố ánh sáng, tiếng ồn, nồng độ CO2 trong các phòng học, phòng công nghệ thông tin, phòng thực hành lý - hóa - sinh của các trường thuộc 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong ba thập niên trở lại đây, nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, nhất là tại các nước đang phát triển.
Ngoài tiếng ồn công nghiệp trong các nhà máy, tiếng ồn phát ra từ xe cộ và từ các hoạt động giải trí trong đời sống, nhất là âm nhạc cường độ lớn cũng làm tổn hại sức khỏe của chúng ta, thường gặp nhất là chứng ù tai, mất tập trung, stress…
Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại TPHCM được đánh giá vượt quy chuẩn quy định.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tại TPHCM, cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận 11.115 tin phản ánh về tiếng ồn. Trung bình các tin báo cáo tình trạng trên rơi vào cuối tuần cao hơn 1,4 lần so với các ngày trong tuần; vào buổi tối 18h-22h cao gấp 3,1 lần và từ 22h đến sáng nhiều hơn 1,5 lần so với khung giờ ban ngày.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong ba thập niên trở lại đây, nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, nhất là tại các nước đang phát triển.
Ngoài tiếng ồn công nghiệp trong các nhà máy, tiếng ồn phát ra từ xe cộ và từ các hoạt động giải trí trong đời sống, nhất là âm nhạc cường độ lớn cũng làm tổn hại sức khỏe con người, thường gặp nhất là chứng ù tai, mất tập trung, stress…