Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2
(Dân trí) - Sáng nay 18/11, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập trường và đón Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã về dự buổi lễ.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định số 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển của Nhà trường lại được bắt đầu từ một sự kiện quan trọng là ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội với nhiệm vụ đào tạo giáo sư Văn khoa ban Trung học.
Sự kiện thành lập Ban Đại học Văn khoa - tổ chức tiền thân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển của ngành sư phạm cách mạng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và sư phạm.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lần có vinh dự được đón Bác về thăm.
Lời căn dặn của Người "Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước" đã trở thành niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu không biết mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường để xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trở thành một trường đại học chuẩn mực như lời Bác dạy.
Với vai trò là trường đại học sư phạm đầu tiên của nền giáo dục thời đại Hồ Chí Minh, cái nôi của ngành sư phạm cả nước, các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã luôn tiên phong và không ngừng sáng tạo trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nhiều người đã trở thành các nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà thơ nổi tiếng, mà tên tuổi của họ mãi làm rạng danh nền học vấn nước nhà như giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Văn Thiêm, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Phạm Huy Thông, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Lân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật...
Hiện nay, trường Đại học Sư phạm Hà Nội là trường trọng điểm, đầu ngành trong hệ thống các trường sư phạm, là trung tâm lớn về đào tạo giáo viên chất lượng cao, chuyên gia xuất sắc, nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến, cung cấp dịch vụ giáo dục và khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thuộc top 10 trong bảng xếp hạng QS Châu Á 2021, top 12 trong bảng xếp hạng URAP 2020 của các trường đại học ở Việt Nam.
70 xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò Trường ĐHSP Hà Nội đã phấn đấu không ngừng và đạt nhiều thành tích vẻ vang. Nhà trường đã nhiều lần vinh dự đón nhận danh hiệu và phần thưởng cao quý của Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ nhất năm 1981; Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ nhất năm 1996, lần thứ hai năm 2016; Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2001 và lần thứ hai năm 2011, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2004.
Nhân kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường lại đón nhận niềm vui lớn, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định tặng thưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: "Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường ĐHSP Hà Nội vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là sự định vị của giáo dục Việt Nam, của đại học Việt Nam, tọa độ của khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới. Quan trọng hơn, chúng ta ý thức sâu sắc rằng, đất nước muốn văn minh phải nâng cao dân trí, phải có người thực tài và người tài phải được tôn trọng đúng nghĩa, được tự do làm việc và cống hiến. Nghĩa vụ của giáo dục là khơi thông dân trí để họ được sống bình đẳng; phát hiện, nuôi dưỡng và bồi dưỡng nhân tài để họ tự do sáng tạo, để phục vụ đất nước.
Điều này đặt ra cho trí thức, cho nhà giáo Việt Nam nhiều câu hỏi lớn. Không chỉ vậy, bài học về tư cách, về bản lĩnh, về tính phụng sự, về việc dùng người luôn là chìa khóa mở đường cho đất nước phát triển.
Nghĩa vụ của chúng ta trong thời đại mới là giáo dục để các thế hệ học sinh giữ vẹn nguyên tâm hồn Việt, bằng cách định hình các giá trị cao quý của dân tộc; tạo dựng những con người có tư duy độc lập, hành động thông minh, có ý chí tự cường, dám dấn thân vì khát vọng cao cả và bản lĩnh đi tới tương lai. Chúng ta nhớ rằng, những gì đang diễn ra trong trường học hôm nay, sẽ là tương lai của xã hội ngày mai".
Chia sẻ với các thầy cô giáo, hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết, trường ĐH Sư phạm Hà Nội phải là mảnh đất cho những ý tưởng mới ươm mầm và trỗi dậy. Chúng ta có nghĩa vụ xác định, giáo dục là tạo động lực, là hình thành cách tư duy và hướng đến hành động hiệu quả. Giáo dục tạo ra sự thay đổi và tiến bộ; chinh phục cái mới, và là "bà đỡ" cho những ý tưởng sáng tạo. Chúng ta có những thuận lợi, nhưng chúng ta phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và khắc nghiệt của thời đại.
"Chúng ta nhớ rằng, ngày nay, sự xâm chiếm của ngoại bang không đơn thuần là súng đạn, mà khi bị bào mòn về bản sắc, về văn hóa, tụt hậu về giáo dục; hệ quả là suy yếu về kinh tế, sẽ tạo ra sự lệ thuộc. Trọng trách của một đại học sư phạm trọng điểm không đơn thuần là giải quyết các nhiệm vụ trước mắt mà phải dự báo được những gì sẽ diễn ra trong tương lai của giáo dục và đưa ra cách thức giải quyết. Chính thế, hãy dám thay đổi, hãy dám làm cái mới, dẫu biết rằng, có lúc phải trả giá, nhưng hãy dấn thân, nếu đó là vì lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc.
Muốn vậy, Nhà trường sẽ phải xây dựng mô hình quản trị mới, cải tiến và cập nhật chương trình đào tạo, cách thức đào tạo hiện đại, trên nền tảng công nghệ số; xây dựng một môi trường học thuật thoáng đãng, văn minh, hiện đại; có các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục, tạo cơ sở lý luận vững chắc để cải thiện chất lượng giáo dục; mạnh dạn đề xuất các cơ chế để những tài năng sư phạm hội tụ về đây được phát triển và cống hiến để đào tạo ra các sinh viên đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời đại mới" - GS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.
Với những thành tích to lớn đóng góp cho phát triển giáo dục và đào tạo cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước Việt Nam:
Huân chương Lao động hạng Nhì (1961), Huân chương Lao động hạng Nhất (1962), Huân chương Độc lập hạng Nhì (1991), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996, 2016), Cờ Thi đua của Chính phủ (1995, 2016, 2020), Huân chương Hồ Chí Minh (2001, 2011), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới (2004).
Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn được tặng Huân chương Tự do (Ixara) hạng Nhất (1987) và Huân chương Lao động hạng Nhất (2001) của Chính phủ CHDCND Lào...