Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở ngành học mới - Kinh doanh Số
(Dân trí) - Dự kiến năm 2019, trường ĐH Kinh tế quốc dân mở chương trình đào tạo "Cử nhân Kinh doanh Số đào tạo bằng tiếng Anh" hệ chính quy.
Ngày 26/12, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tọa đàm khoa học nhằm giới thiệu và lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà tuyển dụng nhằm hoàn thiện đề án xây dựng Chương trình đào tạo "Cử nhân Kinh doanh Số đào tạo bằng tiếng Anh" hệ chính quy, Chương trình đào tạo dự kiến sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm 2019.
Đây là chương trình đào tạo mới và đầu tiên ở Việt Nam, do trường Đại học Kinh tế Quốc dân cấp bằng chính quy, với mục tiêu đào tạo ra những cử nhân quản trị kinh doanh, có khả năng ứng dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin và công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả công việc trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Sinh viên tham gia chương trình sẽ học các môn ngành và chuyên ngành bằng tiếng Anh, được xây dựng dựa trên các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm, có cơ hội được tham quan, giao lưu, học tập ở nước ngoài.
Theo công bố mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 theo tiêu chí về nguồn nhân lực. Do đó, với kiến thức và kỹ năng được trang bị, sinh viên tốt nghiệp Chương trình Kinh doanh Số sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn và khả năng cạnh tranh cao hơn tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong điều kiện chuyển đổi số và CMCN 4.0.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các lĩnh vực mới của công nghệ CMCN 4.0 đòi hỏi các kỹ năng mới từ đội ngũ nhân viên. Các hoạt động mang tính cơ học, chuyên môn hóa sẽ được thực hiện chủ yếu bằng máy móc hoặc robot. Vì vậy, người lao động sẽ chủ yếu phát triển các kỹ năng như sáng tạo, thử nghiệm, đánh giá tình huống, thiết kế và tổ chức thực hiện. Nhà quản lý cũng cần thay đổi cấu trúc tổ chức, tạo ra các hệ thống quản lý nhân tài và sử dụng các chiến lược nguồn nhân lực để theo kịp tốc độ của cuộc CMCN.
Theo bà Hoa, do những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức hoạt động của các doanh nghiệp. CMCN 4.0 đã đặt ra những thách thức đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể như yêu cầu đổi mới công nghệ trong lĩnh vực CNTT; mô hình quản lý, sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh; hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng…
Bà Hoa cho rằng, người lao động trong thời đại công nghệ số hiện nay không chỉ cần những kiến thức chuyên môn hóa như trước đây mà cần nhiều hơn thế, vừa thành thạo các công nghệ vừa am hiểu và có kỹ năng ứng dụng công nghệ mới vào kinh doanh.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đã trao đổi thảo luận về xu hướng phát triển của công nghệ số trong bối cảnh mới đã, đang và sẽ diễn ra như thế nào? ngành gì, công việc gì đang và sẽ phát triển; xu hướng phát triển này đang đặt ra yêu cầu gì về kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với người lao động trong tương lai?; Chương trình Digital Business của trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ đáo ứng các yêu cầu này như thế nào?
Nhật Hồng