Trường dân lập mở ngành y, lo nhất là thiếu thực hành

GS.TS Lê Gia Vinh, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, vừa từ chối tham gia giảng dạy tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Vinh cho biết, lo ngại nhất của ông là các trường dân lập mở ra ngành y, nhưng lại thiếu cơ sở thực hành, nghiên cứu trực thuộc.


GS.TS Lê Gia Vinh, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam.

GS.TS Lê Gia Vinh, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam.

GS Vinh cho hay, trước đây GS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc sở Y Tế Hà Nội, có mời về trường làm. “Tôi mới chỉ cam kết nhưng chưa ký hợp đồng, chưa giảng, chưa nhận lương, chưa làm gì hết và do bị huyết áp cao nên tôi đã báo anh Tuấn vừa xin rút rồi”, ông Vinh nói.

Nhiều người lo ngại về cơ sở vật chất, điều kiện để mở ngành đào tạo y dược tại các trường dân lập. Ông đánh giá gì về điều này?

Hiện nay một số các trường tư thục đã thành lập ngành y học. Về cơ sở vật chất, ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã có họp báo rồi. Đầu tiên nhìn về những tiêu chuẩn, tiêu chí, giảng viên cũng có gần 50 người đăng ký cơ hữu, đang ký hợp đồng, tôi nghĩ khó có thể nói được là trường này có thành công hay không. Tuy nhiên, đào tạo y học thì đầu tiên phải có hệ thống bệnh viện và phải có truyền thống, điều đó thì ai cũng biết. Nhưng mà bây giờ cũng có nhiều trường đào tạo và nó như là trào lưu. Tôi cũng không có căn cứ gì để bảo người ta có thể thành công hay không. Hai Bộ Giáo dục và Y tế cũng đã có thẩm định.

Cơ sở thực hành, bệnh viện quan trọng ra sao với đào tạo ngành y, thưa ông?

Đấy là điều khó khăn. Tôi thấy một số trường đã được thành lập ngành y dược, đã mở bắt đầu đào tạo thì hệ thống bệnh viện cũng chẳng đâu vào đâu. Tôi học trường Y nên tôi thấy đúng là hệ thống bệnh viện rất quan trọng. Sau này tôi làm trong quân y thì cũng thấy thế, các bệnh viện trong Học viện Quân y to lắm, nhiều khoa lắm, truyền thống bao nhiêu năm rồi! Nhưng mà nếu chỉ những trường đó đào tạo mãi thì cũng chưa chắc đã mở mang được, nhu cầu thực tế ở xã hội bây giờ là có. Đúng là tôi băn khoăn, phải nói là ai cũng băn khoăn về yêu cầu thực hành cho sinh viên ngành y.

Vấn đề đặt ra là khi thẩm định, hai Bộ phải siết chặt ngay từ đầu, phải xem xét nếu được thì bảo được nếu không được thì cũng phải kiểm tra các trường xem ra làm sao. Các trường khác cũng phải siết chặt đầy đủ toàn diện ở các nơi, chứ không thể thời điểm này siết chặt thời điểm khác lại không, chỗ này siết chặt chỗ kia thì không...

Cảm ơn ông.

Hầu hết giảng viên là cán bộ đã nghỉ hưu

Trong số 47 giảng viên được ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố thuộc khoa Y đa khoa của trường có 6 trưởng bộ môn là GS, PGS y học cơ sở ngành, nội khoa, sản khoa, ngoại khoa… Trong đó, Trưởng khoa Y đa khoa là GS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc sở Y tế Hà Nội, sinh năm 1951, chuyên ngành y học dự phòng và y tế công cộng, Phó Chủ nhiệm khoa là PGS.TS Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1943, chuyên ngành Sinh lý học.

Giảng viên cao tuổi nhất của khoa Y là PGS Nguyễn Quang Bài, sinh năm 1938, chuyên khoa ngoại khoa. Trẻ nhất là thạc sĩ Trần Huy Bình, chuyên ngành Y tế công cộng. Nhìn vào danh sách khoa Y đa khoa của ĐH Kinh doanh và Công nghệ có thể thấy, đa số các giảng viên đều đã nghỉ công tác tại các bệnh viện, các trường  hoặc các viện của Bộ Y tế. Chỉ có 1 người sinh năm 1986, 1 người sinh năm 1973, 1 người sinh năm 1977 và  1 người sinh năm 1979, một hai người sinh những năm 1960.  Còn lại các giảng viên đều đã về hưu hoặc cận kề tuổi về hưu. Tuy nhiên, trong kết luận của đoàn thẩm định liên bộ ký ngày 5/10/2015, trong số 47 giảng viên chỉ có 17 giảng viên có đầy đủ hồ sơ chứng minh cơ hữu.

Hoa Ban

Theo Minh Quang - Lê Tuấn

Tiền Phong